Những học trò điểm cao “lớn lên từ gốc rạ”

GD&TĐ - Con nhà nông, vừa đi học, vừa phụ giúp bố mẹ việc nhà, việc đồng áng. Nhưng bằng ý chí, nghị lực cùng với sự động viên của thầy cô, bạn bè, những cô cậu học trò “lớn lên từ gốc rạ” đã giành được điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Những học trò điểm cao “lớn lên từ gốc rạ”
Em Hoàng Thị Phượng và mẹ với niềm vui đạt kiết quả cao sau 1 năm tiếp tục căm cụi ôn thi lại
 Em Hoàng Thị Phượng và mẹ với niềm vui đạt kiết quả cao sau 1 năm tiếp tục căm cụi ôn thi lại

Quyết theo đuổi đam mê

Đạt 27,85 điểm khối A, em Hoàng Thị Phượng, (trú tại xóm 2, xã Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An) lọt vào danh sách 100 thí sinh có điểm khối A cao nhất cả nước.

Ngày báo điểm, Phượng mừng rơi nước mắt, bởi năm học trước, cô học trò quê lúa đã tham gia kỳ thi THPT 2015, điểm thi cao nhưng vẫn không đủ điểm xét tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Thời điểm đó, với điểm số khối B 26,5 điểm, Phượng đỗ vào Trường ĐH Y khoa Huế. Đó cũng là môi trường học tập rất tốt, và nghề y cũng là nghề đang “hot”. Nhưng ước mơ của Phượng là màu áo quân phục. Suy nghĩ và đưa ra quyết định cuối cùng, Phượng gấp lại tờ giấy báo trúng tuyển trường y, ở nhà ôn thi lại năm nữa.

Bố mẹ làm xây dựng, mẹ theo sau nấu cơm cho thợ, Phượng sớm thay bố mẹ quán xuyến công việc đồng áng, việc nhà và 2 người em. Ngày mùa, một mình đứng ra thuê người ra gặt lúa rồi chở về nhà phơi khô cho mẹ.

Phần lớn thời gian của Phượng là tự học. Mỗi tuần, Phượng đi học thêm 2 buổi cho hai môn Toán, Lý. “Theo em, quan trọng nhất là tìm được sách phù hợp để ôn luyện. Cứ luyện tập thật nhiều lần thì sẽ hình thành thành phản ứng và tư duy nhanh, tiết kiệm thời gian làm bài”.

1 năm ở nhà “nhìn bạn bè đi học” còn mình cặm cụi ôn thi lại, là kết quả thi Toán 9,25 điểm, Vật lý 9,8 và Hóa học 8,8. Với số điểm này, năm nay Hoàng Thị Phượng đã nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào Trường ĐH Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy để theo đuổi ước mơ của mình.

“Nếu đỗ vào trường, em sẽ thi vào ngành quản lý phòng cháy. Với em, được đứng trong hàng ngũ những chiến sỹ cảnh sát nhân dân là một niềm tự hào. Em cũng không hối hận gì về 1 năm chờ đợi vừa qua, vì theo đuổi đam mê của mình thì không bao giờ là muộn cả”, Phượng tâm sự.

Cậu học trò quê lúa Phan Ngọc Trọng (trái) với phương châm “giúp bạn cũng là giúp mình học tốt”
Cậu học trò quê lúa Phan Ngọc Trọng (trái) với phương châm “giúp bạn cũng là giúp mình học tốt” 
 

Giúp bạn cũng là giúp mình học tốt

Cũng là học sinh quê lúa Yên Thành (Nghệ An), Phan Ngọc Trọng giành 28.05 điểm khối A, cao nhất Trường THPT Bắc Yên Thành.

Thầy Nguyễn Văn Thọ - giáo viên dạy môn Vật lý của Trọng - chia sẻ: “Tôi không bất ngờ với điểm thi mà Trọng đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua bởi em là một học sinh giỏi, một tấm gương về tự học, tự vượt lên hoàn cảnh”.

Trọng là con út trong gia đình có 5 chị em. Cuộc sống cả gia đình phụ thuộc vào hơn 4 sào ruộng lúa nên luôn thiếu trước, hụt sau, nhất là khi cả 5 chị em đều đi học. 3 chị lớn lập gia đình ở xa, chị kế Trọng hiện là sinh viên một trường đại học ở TP Vinh (Nghệ An), bởi vậy, Trọng cũng là “lao động chính” trong nhà. Ngoài thời gian học, Trọng phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, việc nhà.

Trọng xác định: “Học là học, chơi là chơi, phải rõ ràng. Ở trên lớp em cố gắng nghe thầy cô giáo giảng bài để nắm những kiến thức cơ bản. Còn ở nhà, em cố gắng làm việc nhà xong xuôi tất cả rồi mới ngồi vào bàn học. Đã học rồi thì em rất tập trung. Chứ ngồi thật khuya mà không tập trung cũng không hiệu quả”, Trọng chia sẻ.

Một trong những cách học hiệu quả nữa của Trọng là trao đổi, bàn luận với bạn bè, để giúp đỡ nhau, cùng nhau nhận ra những những chỗ hụt kiến thức để kịp thời bù đắp.

“Gần nhà em có bạn Trần Phúc Mạnh, bị tai nạn giao thông nên không theo kịp chương trình học ở trường. Tối đến, em hay sang nhà Trọng để Trọng học với bạn, vừa giúp bạn theo kịp chương trình học, vừa củng cố thêm kiến thức cho mình. Ngoài ra em còn kèm cặp cho 3 bạn khác ở trong trường”, Trọng kể.

Kết quả thi, Trọng giành được 9.25 điểm môn Toán, hai môn Vật lý và Hóa học đạt 9.4 điểm. Bạn học của Trọng là Mạnh cũng đạt gần 8 điểm môn Vật lý.”, thầy Thọ cho biết thêm.

Với 28.05 điểm, Trọng cho biết em sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan lục quân 1, bởi đó là ước mơ từ lâu của em, đồng thời “để đỡ đần cho bố mẹ khỏi nặng gánh lo học hành cho em khi tuổi bố mẹ đã cao rồi”.

Giúp mẹ việc nhà, bảo ban em học tập, Nguyễn Tuấn Kiệt vẫn giành điểm cao ở cả 2 khối A, B
 Giúp mẹ việc nhà, bảo ban em học tập, Nguyễn Tuấn Kiệt vẫn giành điểm cao ở cả 2 khối A, B
 

“Sẽ kết nạp Đảng cho em trước khi vào ĐH”

Em Nguyễn Tuấn Kiệt, học sinh lớp 12 A là thí sinh có thành tích cao nhất tại kỳ thi THPT quốc gia của trường THPT Nghi Lộc 5 với 9 điểm Toán, 9,4 điểm Lý và 9 điểm Hóa, tổng điểm xét tuyển khối A đạt 27,4 điểm. Môn Sinh học Kiệt đạt 8,6 điểm, tổng điểm xét tuyển khối B là 26,6 điểm.

Kiệt sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Năm lên 6 tuổi, Bố Kiệt qua đời trong một tai nạn giao thông. Từ đó, một mình người mẹ trẻ làm lụng nuôi 2 đứa con khôn lớn. Công việc cứ xoay vần làm ruộng, nông nhàn lại lên vào lâm trường ươm cây giống. Kiệt là anh cả trong nhà, đã sớm phụ giúp mẹ công việc đồng áng, việc nhà. Em còn chăm sóc đàn dê và con bò “là tài sản lớn” trong nhà.

Kiệt cũng cố gắng học tập bởi “tuổi đang nhỏ, việc học là quan trọng hàng đầu. Học tốt, ra trường có việc làm, nghề nghiệp cũng là cách tốt nhất và bền nhất để giúp mẹ, cậu học trò chia sẻ. Bảo ban nhau, 2 anh em Kiệt cố gắng học tập. Năm lớp 9, Nguyễn Tuấn Kiệt đạt giải Ba môn Sinh học kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Năm lớp 11, Kiệt giành giải Ba kỳ thi HSG cấp tỉnh cũng môn học này.

Không có thời gian và điều kiện đi học thêm, Kiệt nắm kiến thức ngay trên lớp, và mua thêm sách tham khảo để làm quen với nhiều dạng bài tập.“Em chỉ làm thật nhiều bài ở các dạng khác nhau thôi, thỉnh thoảng em mượn điện thoại của bạn bè vào mạng để xem các đề thi. Bài nào khó thì hỏi thầy cô và các bạn”, Kiệt nói.

Ngày biết kết quả thi, Kiệt vui mừng thông báo ngay với mẹ, với thầy cô. Mất bố từ sớm nên Kiệt luôn chững chạc, già dặn trước tuổi và rất có trách nhiệm: “Em dự định nộp hồ sơ xét tuyển khối A vào Học viện Hậu cần, khối B em định nộp vào Học viện Quân y. Em nghĩ tính cách của em phù hợp với môi trường quân đội”, Kiệt điềm đạm nói.

Nhận xét về cậu học trò Nguyễn Tuấn Kiệt, thầy Đặng Đình Kỳ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 - cho biết: “Kết quả thi vừa qua là xứng đáng với những nỗ lực của em Nguyễn Tuấn Kiệt. Hiện Chi bộ nhà trường đang hoàn thiện hồ sơ kết nạp Đảng cho Kiệt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ