Các ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ là những đóng góp rất hữu ích đối với đề tài trong việc đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng của các yếu tố cấu thành hệ thống tài chính đáp ứng với các yêu cầu cơ bản để vận hành hệ thống tài chính xanh, từ đó đưa ra các quan điểm, định hướng và các giải pháp khả thi để hình thành và phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam đến năm 2050.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo & Nghiên cứu đã đưa ra bức tranh khái quát về tài chính xanh trên thế giới, trong đó, cập nhật thực trạng phát triển của từng cấu phần thị trường tài chính xanh hiện nay, một số kinh nghiệm phát triển tài chính xanh của một số nước được phân tích. Đồng thời, nghiên cứu cũng tập trung đánh giá thực trạng tài chính xanh tại Việt Nam, tập trung vào nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của nền kinh tế, những chính sách phát triển tài chính xanh đã được ban hành và thực tế triển khai những chính sách này. Tiếp đó, Báo cáo gợi ý một số giải pháp phát triển tài chính xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Hồng Thúy, Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã từ những kinh nghiệm quốc tế, tổng hợp từ kết quả khảo sát và phỏng vấn sâu, xác định cách tiếp cận xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển của hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam. Nghiên cứu này tiến hành đề xuất bộ chỉ số theo từng cấu phần của hệ thống tài chính xanh, từ đó, lộ trình áp dụng bộ chỉ số cũng như các điều kiện vận dụng bộ chỉ số xanh ở Việt Nam được xây dựng cụ thể.
Xây dựng hành lang pháp lý phát triển trái phiếu xanh cần quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định trái phiếu xanh, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh.
Các nguyên tắc liên quan đến trái phiếu xanh cũng cần được cụ thể hóa, chi tiết hóa để chủ thể phát hành trái phiếu xanh tuân thủ. Về sự phối hợp quốc tế và các chính sách hỗ trợ: cần có ưu đãi về thuế, tỷ lệ chiết khấu cao.