Những trẻ thơ bơ vơ trong tang tóc
Từ 2 tuần nay, buổi sáng Chủ nhật ở bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) trở nên ảm đạm hơn mỗi khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên và những người phụ nữ lại bước những bước nặng nề đến nhà thờ để cầu nguyện cho linh hồn người đã mất.
Còn bên dòng suối Khuổi Hồ, người dân vẫn kể lại cho người ở xa đến câu chuyện kinh hoàng vào buổi sáng định mệnh đã cướp đi những người thân của họ ra sao.
Anh Lý Phử - 53 tuổi, ở bản Chu Va 6, một người thoát chết trong vụ sập cầu treo - miêu tả lại: “Lúc đó máu nhuộm đỏ lòng suối như mổ trâu, tiếng la hét, gào khóc khiến mấy đêm tôi cứ nhắm mắt lại là mơ thấy. Sợ lắm!”.
Còn trước ngôi nhà vắng vẻ của anh Hàng A Khua, 2 đứa trẻ thoạt nhìn cứ tưởng trạc tuổi nhau đang lủi thủi chơi ngoài sân. Thằng anh Hàng A Bàng dù đã học lớp 6 nhưng cũng chẳng lớn hơn là mấy so với đứa em gái Hàng Thị Quê mới học lớp 1.
Thấy người lạ đến, đứa em gái thôi không đùa nghịch với chiếc thìa con nữa, thằng anh cũng vội buông con chó màu vàng ra mà nói luôn: “Mẹ đưa em đi nhà thờ rồi!”. Chị gái của anh em Hàng – Quê (năm nay mới 14 tuổi) cũng đang đi vắng.
Từ hôm bố mất, các con của anh Khua vẫn chưa hết sợ hãi, nhà phải đi qua cây cầu tạm mới hoàn thành để đến trường nên bước chân các em còn đầy ắp nỗi lo sợ.
“Các cháu mới đến trường được vài hôm trở lại đây thôi, trước sợ quá nghỉ học ở nhà cả tuần đấy!” - Chủ tịch xã Sơn Bình Văn A Hồ cho biết. Khi được hỏi đến những bữa cơm từ ngày mất cha, em Quê ngập ngừng nói: “Ăn rau không ngon”.
Ra đến suối Khuổi Hồ, chúng tôi gặp chị Cứ Thị Giằng - Mẹ của Bàng và Quê từ nhà thờ về, trên lưng người phụ nữ 33 tuổi này còn địu đứa con nhỏ chưa tròn năm, tay phải dắt đứa thứ tư tên Hàng Thị Cút (em sinh đôi với Hàng Thị Quê).
Nỗi ám ảnh về cái chết của chồng khiến chị Giằng không thể đứng ở giữa cầu tạm để trò chuyện. Chị kéo tay đứa con gái nhỏ lui về phía đầu cầu, gần sát đoạn nối với đường bêtông cho an toàn.
Cầm trên tay chiếc phong bì một nhóm từ thiện gửi ủng hộ, cũng như những người phụ nữ trẻ mất chồng khác ở Chu Va 6, chị Giằng không còn sức để nói nhiều, nhưng ánh mắt của một người đàn bà góa mới ngoài 30 tuổi từ nay phải một mình nuôi 5 đứa con đã nói thay tất cả.
Đó là nỗi lo rất gần cho miếng cơm, manh áo của các con trong những ngày sắp tới.
Đây cũng là nỗi lo chung của tất cả các gia đình khác trong vụ sập cầu. Bình thường ở xã Sơn Bình, người dân dẫu chăm chỉ thì cũng chỉ có thể cấy được một vụ lúa trong năm. Vì thế, dù cái đói không hiện sờ sờ ngay trước mắt nhưng vẫn lẩn khuất trên những gương mặt vàng vọt của trẻ thơ.
Chủ tịch xã Sơn Bình, ông Văn A Hồ, buồn rầu khi nói về nỗi vất vả của bà con: “Xã thuộc vùng 135, được Nhà nước hỗ trợ nhiều, nhưng ông trời không thương người dân Chu Va 6 khi trước Tết tuyết phủ trắng xóa cả dãy Hoàng Liên Sơn khiến cả những cây thảo quả già trồng cách đây 20 năm cũng chết hết. Thiệt hại thảo quả lên tới 70% so với sản lượng hàng năm”.
Đối với, bà con người Mông ở đây, cây thảo quả mất đồng nghĩa với nồi cơm trên bếp cũng vơi đi.
Ngôi nhà của chị Vàng Thị Bơ (35 tuổi, chồng là anh Thào A Dơ) vốn đã neo người khi anh chị lấy nhau 7 năm có lẻ mà chưa có con, giờ càng vắng vẻ lạnh lẽo hơn bởi trụ cột trong gia đình mất đi.
Nỗi buồn cô lại trên gương mặt nhàu nhĩ của người phụ nữ đứng tựa cửa. Chị Bơ đã không thể khóc thêm được nữa khi bệnh viện trả anh Dơ về với những vết thương bầm tím khắp người.
Chị tâm sự: “Muốn có một đứa con lắm nhưng lấy nhau bảy năm rồi mà mãi không có, lúc anh Dơ còn sống, cơm vẫn không đủ ăn nói gì đến việc chạy chữa, giờ anh mất đi rồi tôi biết dựa vào ai đây?”.
Bí thư xã Sơn Bình, anh Phong Vĩnh Cường, cho biết: “Gia đình chị Bơ thuộc hộ nghèo của xã nhưng hai vợ chồng rất thương nhau, ngày chồng mất trong nhà chị Bơ không có đủ tiền lo ma chay. Chị Bơ hụt hẫng, đờ đẫn cứ ngồi ở góc giường mặc hàng xóm, chính quyền lo hậu sự cho anh”.
Riêng các con của anh Vàng A Chư vẫn cho rằng bố đang đi thăm nhà anh em ở bản xa chưa về. Cô bé út mới 4 tuổi tên Vàng Thị Sung cười hồn nhiên trả lời những người khách đến thăm: “Bố đi chơi rồi, mai bữa kia mới về nên em không nhớ bố đâu”.
Nói rồi, em lại chạy ra khoảng sân đất trước nhà xem chị gái Vàng Thị Chua (10 tuổi) đang chơi trò đánh khăng với mấy đứa trẻ con hàng xóm.
Có lẽ đây là nụ cười hiếm hoi mà chúng tôi bắt gặp từ khi bước chân vào bản làng này. Mọi người nhìn Sung chơi mà không dám nghĩ tới cái ngày em lớn lên, nhận ra bố mình đã đi quá xa và không bao giờ trở về nữa.
Ông Hằng A Chinh - Bố vợ anh Vàng A Chư - nhìn các cháu ngoại của mình xót xa kể: “Thằng Chư, bố mẹ nó chết từ sớm lúc nó mới lên 6 tuổi, anh rể nuôi nó lớn đến năm 18 tuổi thì về nhà tôi làm rể.
Thật không ngờ giờ con nó cũng sớm phải mồ côi bố. Hôm nó chết, con Hằng Thị La (vợ Chư) khóc ngất từ dưới bệnh viện phải nhờ người đưa về. Giờ mình nó nuôi ba đứa con cũng vất vả lắm”.
Anh Cường - Bí thư Đảng ủy xã - xúc động nói: “Cứ tưởng năm nay sẽ bình yên khác với mọi năm vì trong Tết không xảy ra bất cứ vụ tai nạn nào, dù là va chạm nhỏ nhất. Thật không ngờ lại xảy ra vụ tai nạn khủng khiếp đến thế với bà con Chu Va…”.