Mặc dù chưa có những số liệu thống kê của cả năm, nhưng như Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014 công bố ngày 5/12/2014 đã cho thấy:
Kinh tế vĩ mô cả nước tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Những kết quả đáng tự hào của năm 2014 sẽ tạo đà cho năm 2015 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.
Những dự báo không chỉ của các chuyên gia trong nước mà ngay cả các tổ chức kinh tế tài chính có uy tín quốc tế cũng cho thấy chúng ta có quyền hy vọng một năm phát triển tốt đẹp.
Ảnh: Internet
Dự báo chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2015 cao hơn năm 2014
Chắc chắn năm 2015, chỉ tiêu tăng trưởng của cả nước sẽ đạt ít nhất 6,2%. Đây cũng chính là dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), căn cứ trên cơ sở Việt Nam đã ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động tốt của các ngành chế biến chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sẽ có chuyển biến trên hầu hết các tiêu chí trong nửa đầu năm 2015.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng hầu hết các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang đàm phán sẽ được hoàn thành trong khoảng 6 tháng đầu năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với các chỉ tiêu cụ thể, phân tích các điều kiện trong và ngoài nước, những dự báo cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 sẽ tăng hơn 10%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30-32% GDP, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
Đáng chú ý, với sự tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài FDI có thể tăng lượng vốn giải ngân lên đến trên 17 tỷ USD, do nhu cầu nhập máy móc thiết bị tăng, có thể năm 2015, chúng ta sẽ nhập siêu khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu.
Nhưng với việc giải ngân số vốn FDI này, tăng trưởng các năm sau của chúng ta sẽ được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ lạm phát theo dự báo cũng vẫn là dưới 5,5%.
Những chỉ tiêu xã hội môi trường cũng được dự báo có mức tăng trưởng khá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, để đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 của cả nước còn dưới 5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%.
Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%.
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Chính sách tài khóa, tiền tệ tiếp tục phát huy hiệu quả
Phát huy kết quả đạt được, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sẽ điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, không chủ quan với lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn thanh khoản của các TCTD.
Điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.
Theo định hướng này, đến hết năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tín dụng sẽ giảm xuống dưới 3%, làm tan cục máu đông tắc nghẽn nguồn vốn.
Với chủ trương thành lập thị trường mua bán nợ xấu mới được công bố, dự báo này hoàn toàn có khả năng đạt được. Những dự báo cẩn trọng cũng cho thấy, năm 2015, tổng phương tiện thanh toán sẽ tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12-14% so với cuối năm 2014 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế dự báo lãi suất huy động tiền gửi sẽ còn giảm cả năm khoảng 1-1,5% nữa.
Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 ngân hàng đạt quy mô và trình độ quản lý tương đương các ngân hàng thương mại khu vực. Dự báo khó khăn nhất là nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2015 sẽ vừa đạt trần mà Quốc hội cho phép, khoảng 65%, tuy nhiên khả năng trả nợ khá ổn. Không phải lo lắng.
Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn của vốn đầu tư nước ngoài (FDI)
Đến nay, có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư trên 17.000 dự án tại Việt Nam với vốn đầu tư khoảng 250 tỷ USD. Hơn 100 tập đoàn, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Trong 11 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 17,33 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có dấu hiệu tích cực, với khoảng 12,5 tỷ USD năm nay và dự kiến đạt 17 tỷ USD năm 2015.
Theo những dự báo cẩn trọng của các chuyên gia, kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo tăng trưởng tốt hơn, triển vọng thu hút đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, trong bối cảnh đó nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để đón bắt cơ hội từ các hiệp định sắp được ký kết sẽ gia tăng.
Đó là cơ hội từ TPP có thể được ký kết trong năm 2015 và những bước đi quan trọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm 2015. Vốn FDI tăng sẽ kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm có thể đạt trên 10% và giải quyết thêm việc làm cho hàng triệu lao động.
Niềm tin đầu tư và tiêu dùng sẽ trở lại mạnh mẽ
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015, các chuyên gia cho rằng, các hiệp ước xuất nhập khẩu như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, AEC… sẽ thúc đẩy nền kinh tế, mức tiêu dùng của dân sẽ tăng trong năm 2015, được khuyến khích bởi lãi suất thấp.
Báo cáo thường kỳ tháng 11/2014 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đã nhận định, người dân và doanh nghiệp đã mạnh dạn hơn trong đầu tư và tiêu dùng do kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và thị trường tài chính tiền tệ ít biến động.
Dự báo năm 2015, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tăng; thu nhập của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng 10-15%. Khu vực hộ gia đình sẽ có xu hướng tăng đầu tư vào sản xuất, nhằm nắm bắt cơ hội trong giai đoạn kinh tế phục hồi và đây cũng là khu vực tăng trưởng cao trong năm 2015.
Năm 2014 có tới 68% doanh nghiệp có kê khai thuế không phát sinh lợi nhuận. Theo dự báo năm 2015, số doanh nghiệp lỗ và không có lợi nhuận sẽ giảm xuống còn khoảng 35%.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ tăng đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ đạt con số 90.000 tăng khoảng 28% so với năm 2014.
Dự báo này có cơ sở, bởi môi trường kinh doanh được cải thiện, các thủ tục hành chính đã phát huy hiệu quả. Nhiều thủ tục hành chính như kê khai hải quan, kê khai và nộp thuế đang được cải cách theo hướng giảm thiểu chi phí cho hoạt động kinh doanh.
Hệ thống khai thuế qua mạng đã cung cấp dịch vụ được cho hơn 409.468 người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử, đạt trên 84% số doanh nghiệp đang hoạt động.
100% thủ tục hành chính thuế cũng sẽ được đơn giản hóa, trong đó có việc: cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in; giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ khai theo tháng (12 lần/năm) sang khai theo quý (4 lần/năm); áp dụng rộng rãi kê khai thuế điện tử; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hồ sơ …
Tuy nhiên, những thách thức vẫn vô cùng lớn
Để những dự báo này trở thành hiện thực, chúng ta cần phải đối mặt với những thách thức. Nền kinh tế chúng ta tuy có phục hồi, nhưng tốc độ còn chậm, công việc quan trọng bậc nhất là tái cơ cấu thì còn chậm, nhiều lĩnh vực còn lúng túng, chưa có đường lối rõ ràng.
Công tác hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tổng cầu yếu, sức hấp thụ vốn của cả nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp chủ chốt còn thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn.
Chính vì những lý do đó, cần tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô: Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa, kiểm soát tốt lạm phát.
Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, không tăng chi thường xuyên ngoài lương; bảo đảm bội chi theo kế hoạch. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, khai thác tốt nhất các cam kết quốc tế và thị trường hiện có. Tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong quản lý giá, phân bổ nguồn lực, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và vận hành hiệu quả các loại thị trường.
Năm 2015 đã đến. Dù bận rộn với những thách thức và áp lực lớn thì năm mới cũng rất nên khởi đầu bằng suy nghĩ lạc quan và hứng khởi. Đó là tinh thần của những dự báo tốt đẹp và đầy hy vọng này.