Một ngày đẹp trời, tôi nhận được email của cô giáo cũ, cô hỏi tôi có thể cho cô một gợi ý miêu tả về cuộc sống trên đất Nhật của một người mẹ là người nước ngoài như tôi được không. Tôi không do dự mà trả lời: Mỗi ngày làm mẹ ở đây là một ngày như em được đi học lại.
7 năm ở Nhật, 4 năm làm mẹ, 2 năm gửi con học mầm non, quả thật việc làm mẹ ở Nhật đã cho tôi rất nhiều giác ngộ mới mẻ. Việc học được nhiều điều mới trong việc nuôi dạy con không chỉ là niềm vui, nó còn giúp tôi thẩm thấu thêm rất nhiều triết lý giáo dục của người Nhật mà trước đây tôi chưa từng biết tới.
1. Sản phẩm cho trẻ nhỏ đều được thiết kế để trẻ tự lập
Thi thoảng tôi vẫn mua giùm bạn bè quần áo ở Nhật rồi gửi về Việt Nam cho các bé vì chất liệu rất nhẹ, mềm mại với làm da trẻ. Tuy nhiên có một điểm tôi thường được nghe "kêu ca" là người Nhật làm áo với cổ áo rộng quá, mặc ở Việt Nam bé dễ bị gió lùa cổ, gây ho, cảm.
Cổ áo của trẻ được thiết kế rộng để trẻ dễ kéo qua đầu (Ảnh minh họa).
Sau này chứng kiến các con được các cô dạy tự lập, tự thay áo bằng kỹ năng kéo từ cổ áo qua đầu (nên mọi cổ áo đều đòi hỏi phải rộng rãi để dễ kéo qua đầu trẻ) tôi mới hiểu rằng "mọi thiết kế cho trẻ đều có lý do".
Người Nhật tính toán rất kỹ các kỹ năng nuôi dạy trẻ theo từng độ tuổi, từ đó thiết kế các loại quần áo, đồ dùng phù hợp với khả năng tự lập của các bé. Những chiếc túi được thiết kế phù hợp để bé tự chứa giáo cụ, sách vở đi học, tới những chiếc túi rút có kích cỡ nhất định để trẻ tự tập cách cất giữ các đồ dùng cá nhân như cốc, tách, bàn chải.
Những chiếc ô bắt mắt luôn được thiết kế một khoang trong vắt để trẻ nhìn rõ đường đi (Ảnh minh họa).
Ngay cả những chiếc ô đi học màu sắc bắt mắt cũng có một khoang được thay bằng chất liệu vinyl nilon trong vắt để các bé có thể nhìn rõ đường khi tự đi bộ tới lớp, tránh gây nguy hiểm. Chiếc cặp da nổi tiếng cứng cáp và bền đẹp Randoseru được nhiều người Việt biết tới như "cặp chống gù" cũng là sản phẩm được nghiên cứu sản xuất cho trẻ em tiểu học - những em bé bắt buộc phải tự đi bộ đi học suốt năm năm tiểu học mỗi ngày
2. Phụ huynh không phải là thượng đế
Cho dù là xã hội phục vụ và có rất nhiều trường tư thu phí đắt đỏ, nhưng giáo dục tại Nhật chưa bao giờ coi phụ huynh là các bậc thượng đế. Khác với xã hội nhiều nước Châu Á khác nơi nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền để con mình được ưu tiên hoặc bênh vực, ở Nhật mọi trẻ em đều bình đẳng và được chăm sóc như nhau, càng không có chuyện tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường trong phương pháp giáo dục.
Phụ huynh cũng là những người góp nhiều thời gian và công sức trong các hoạt động của trường chứ không chỉ là người gửi con và giao phó toàn bộ cho trường học.
Điều dễ nhận thấy ở đây là thái độ ôn hòa, hợp tác, phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để việc giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao nhất. Tham dự các buổi họp phụ huynh ở Nhật, có thể dễ dàng cảm nhận không khí đồng lòng "chia sẻ chung một giá trị" giữa các bậc phụ huynh với giáo viên với nhau. Phụ huynh cũng là những người góp nhiều thời gian và công sức trong các hoạt động của trường chứ không chỉ là người gửi con và giao phó toàn bộ cho trường học
Giáo viên mọi cấp học tại Nhật là một trong những nghề vất vả hàng đầu: Ngoài việc phải nắm rất nhiều kỹ năng tổng hợp, giáo viên còn phải chịu áp lực căng thẳng khi chăm sóc trẻ, nghỉ lễ ngắn ngày, đồng lương ít ỏi nhưng lịch làm việc lại dày đặc. Tuy vậy không có chuyện giáo viên được nhận quà cảm ơn hay có mối quan hệ đặc biệt với bất kỳ phụ huynh/học sinh nào.
3. Khỏe mạnh là điều quan trọng nhất
Mỗi khi đưa con đi chơi ở chốn đông người, tôi thường được những người lớn tuổi xung quanh hỏi thăm về độ tuổi của bé. Sau nhiều lần trò chuyện, tôi thường nhận được câu động viên của người Nhật "ogenki de nani yori" - còn có ý nghĩa rằng khỏe mạnh là điều quan trọng nhất. Trong triết lý nuôi dạy trẻ, người Nhật rất coi trọng giáo dục thể chất cho trẻ ở mọi cấp học, và hoạt động thể chất được coi trọng ngang bằng với học văn hóa.
Các bậc cha mẹ Nhật rất đề cao việc cho trẻ ra ngoài vận động, phơi nắng, khám phá tự nhiên.
Với giáo dục tại gia, các bậc cha mẹ Nhật rất đề cao việc cho trẻ ra ngoài vận động, phơi nắng, khám phá tự nhiên thông qua việc đi dạo, chơi các trò chơi ở công viên hay đi trải nghiệm thiên nhiên…Trẻ em Nhật được giáo dục rất kỹ về bốn mùa, về những cảm nhận về tự nhiên, giúp cho trẻ thêm yêu cuộc sống bắt nguồn từ những tình cảm nguyên sơ chân thành nhất.
Ngoài ra trẻ được dạy giữ vệ sinh cơ thể để chống nhiễm khuẩn từ rất sớm, thông qua việc xây dựng thói quen rửa tay, súc miệng thường xuyên ở tại trường lẫn ở nhà.
4. Làm cha mẹ là "một nghề" rất vất vả
Làm cha mẹ ở Nhật là một công việc vất vả, lại thiếu sự trợ giúp từ bên ngoài, nên đây cũng là một trong những lý do nhiều phụ nữ Nhật theo truyền thống sau kết hôn và có con sẽ nghỉ việc ở nhà để chăm sóc gia đình. Tới tuổi gửi con đi học, người mẹ vẫn chưa thể ngơi bận rộn với việc chuẩn bị rất nhiều đồ dùng cho con đi học mỗi ngày, tuân thủ các chỉ thị của trường, làm cơm hộp cho bé mang đi học theo ngày/tuần….
Ngoài ra người mẹ còn phải tham gia rất nhiều hoạt động của trường như họp hội phụ huynh, đóng góp vào các hoạt động thường xuyên của trường. Có những ngày tôi đi tập luyện cùng con để chuẩn bị cho ngày hội thao Undoukai, chứng kiến có người mẹ người địu một bé sơ sinh, tay dắt một bé độ 2 tuổi đi tập luyện cùng bé lớn 5 tuổi giữa cái nắng chang chang, mới thấy sự cố gắng của rất nhiều bà mẹ ở đây.
Làm cha mẹ ở Nhật là một công việc vất vả, lại thiếu sự trợ giúp từ bên ngoài.
Nhiều trường học ở Nhật kết thúc buổi học khi rất sớm, và người mẹ lại tiếp tục nửa ngày còn lại để chăm sóc và nuôi dạy con. Tình yêu thương và gắn bó của người mẹ là điều được đề cao hàng đầu trong quá trình nuôi dưỡng trẻ em tại Nhật. Ngược lại, nó cũng tạo thành áp lực của phụ nữ khi họ thường bị ám ảnh việc mình bị đánh giá thông qua thành quả nuôi dạy con .
5. Trải nghiệm này là một món quà
Việc làm mẹ ở Nhật không phải có điều khiến tôi không thích: Có quá nhiều ràng buộc với người mẹ trong việc nuôi dạy con và thiếu sự trợ giúp bên ngoài khiến ít người làm mẹ có thể tự phát triển sự nghiệp riêng. Điều này trái ngược với những xã hội như ở Việt Nam, nơi người mẹ vừa có thể có con, vừa có thể đi làm và đạt được thành công.
Tôi cũng học đường làm thế nào để trở thành một bà mẹ biết thu xếp thời gian khoa học, việc làm mẹ không có nghĩa là đầu bù tóc rối mà vẫn có thể chỉn chu (Ảnh: NVCC)
Tuy vậy, trải nghiệm làm mẹ ở Nhật chính là một món quà quý giá mà tôi nhận được. Mỗi ngày tôi đều học được rất nhiều điều thú vị: Niềm vui của việc mỗi ngày hiểu rõ hơn các triết lý giáo dục Nhật được thể hiện thông qua các bài học, các hoạt động cho con. Tôi cũng học đường làm thế nào để trở thành một bà mẹ biết thu xếp thời gian khoa học, việc làm mẹ không có nghĩa là đầu bù tóc rối mà vẫn có thể chỉn chu, việc làm sao để thư giãn khi làm một bà mẹ "bỉm sữa"…. Con đi học cũng dạy cho tôi rất nhiều điều mới mẻ về các quy tắc ứng xử, về ngôn ngữ, về các phương pháp giáo dục thông qua rèn luyện các hành động lặp đi lặp lại…