(GD&TĐ) - Nhà văn Bắc Sơn, với tác phẩm “Luật đời và cha con” (đã xuất bản lần thứ 6, được giải thưởng của UBTQLH các Hội VHNTVN, đã chuyển thể thành phim truyền hình 26 tập mang tên “Luật đời” và được khán giả bình chọn là phim truyền hình hay nhất năm 2007). Sau tập “Luật đời” là cuốn “Lửa đắng” với hơn 600 trang đồ sộ. Vừa qua ông lại cho ra mắt tập “Hùng tép riu”- cũng là tiểu thuyết luận đề, với cách nhìn đa chiều, mang tính phản biện xã hội cao. Tuy nhiên, nhà văn tài hoa với những tác phẩm nổi tiếng này lại rất khiêm tốn, cầu thị trong văn chương.
Nhà văn Bắc Sơn, nổi tiếng với những tiểu thuyết luận đề xã hội. Ông cũng rất có duyên với điện ảnh. Bằng chứng là sau khi ông in xong tiểu thuyết Luật đời và cha con, các nhà làm phim chú ý ngay. Những vấn đề nóng của xã hội, như mại dâm, tham nhũng, cơ hội... đều được ông chú ý và đưa vào tiểu thuyết với sự nhuần nhuyễn, ấn tượng và ám ảnh nhất. Tài hoa và rất giỏi khi khai thác chi tiết cho tác phẩm, ông cũng là người rất khiêm tốn, cầu thị trong văn chương. Trước khi có ý tưởng ra 1 tập tiểu thuyết, ông thường gọi điện và gặp gỡ bạn bè văn chương mà ông tin cậy, nhờ góp ý về triển khai ý tưởng qua cách dựng bố cục của ông.
Có thể nói rằng, ở mỗi chương tiểu thuyết, người đọc thường bắt gặp sự tài hoa của Bắc Sơn qua việc dựng kết cấu, bố cục. Mỗi chương, giống như một trường đoạn phim. Nhìn tổng thể , tác phẩm của ông có kết cấu như một vở kịch trong đó có sự giao thoa của bi - hài - chính kịch. Có khởi điểm, phát triển, cao trào và gỡ nút. Trong đó, nhân vật và sự kiện đan chen nhuần nhuyễn, thể hiện một cách phong phú và trọn vẹn điển hình nhất. Theo đó, nhân vật (kể cả chính diện hay phản diện) đều phản ánh, đại diện cho một lớp người, giai cấp... trong xã hội.
Nhà văn Bắc Sơn |
Đã không ít lần, ông gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng, bố cục với tôi trước khi bắt tay vào viết tác phẩm. Tập tiểu thuyết như Lửa đắng, Hùng tép riu... cũng vậy. Đặc biệt, trước khi khi viết Hùng tép riu (tác phẩm vừa ra mắt), ông cho biết mình đã có “bột”, giờ chỉ cần “gột nên hồ”. Hóa ra “bột” của ông có “một nhúm con con”. Tức là ông kể cho tôi nghe về việc có trong tay tư liệu của một số cô gái điếm (qua điều tra xã hội học của các chuyên gia), khi các cô trả lời về “nghề” của mình. Mánh “nghề”, với các chiêu ma mãnh, với “kỹ năng”, công cụ” và phụ trợ cho nghề... của các cô đã khiến ông nảy ra ý tưởng viết về thế giới này.
Tuy nhiên, ông là người giỏi về khai thác chi tiết và dựng hình tượng ở các nhân vật mang tính phản biện xã hội. Đây cũng chính là thế mạnh của ông. Nếu ông mải mê về thân phận các cô gái điếm và kỹ năng nghề... lại lấn sâu vào chuyện sex. Tôi và nhà văn đã bàn bạc và đi tới thống nhất, rằng, nhà văn đẩy mạnh vấn đề xã hội, thời điểm hiện nay - đây là sở trường và thế mạnh của ông. Với góc nhìn phản biện, đa chiều, nhưng có tính xây dựng... Chi tiết về mấy cô gái điếm chỉ là một điểm nhấn nhỏ, nhưng ấn tượng, góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề về một xã hội thu nhỏ, qua bi kịch của một gia đình hiện nay. Đó là sự thoái trào của lòng tin, sự chung thủy... khi tất cả được mang đi hoán vị, nhường chỗ cho sự tiến thân nhơ nhớp của một số kẻ trong xã hội. Chung quanh nhân vật Hùng - một nhà báo tâm huyết - là cả một sợi dây vô hình bị chi phối bởi quyền lực, của âm mưu, tha hóa và dục vọng ham muốn thân xác và địa vị... Tất cả các cung bậc cảm xúc như hỉ, nộ, lại, dục, ái, ố... được đưa vào tác phẩm nhuần nhuyễn, trong cách viết hấp dẫn, lôi cuốn, ấn tượng. Cái đẹp và cái xấu được lý giải trong tác phẩm của ông theo cách nhìn triết học, biện chứng, và lôgic. Nhân vật của ông đã được đặt trong hoàn cảnh bất ngờ và điển hình nhất để bộc lộ tính cách. Đó là điều bạn đọc dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm của nhà văn Bắc Sơn.
Viết xong tập tiểu thuyết, nhà văn Bắc Sơn bảo, cứ mỗi lần tôi góp ý, ông lại thấy có lý, và không ngần ngại viết lại. So với bản thảo đầu tiên đến khi tác phẩm ra đời thì giờ đây ông thấy hài lòng. Vì sự khác biệt ở một số chi tiết và cách xây dựng nhân vật - từ phi lý đến hợp lý, đã khiến ông hạnh phúc bởi được đông đảo độc giả khích lệ, ủng hộ và khen ngợi.
Mới đây, khi vừa in ra tác phẩm, ông gọi điện cho tôi, rồi phi ngay đến tòa soạn, đưa tặng sách còn nguyên mùi mực in, với dòng chữ trang trọng: “Tặng người bạn tri kỷ trong văn chương”... Ông nói: Cám ơn bạn nhiều. Mình đã sửa những chi tiết bạn góp ý, và thật bất ngờ, có những điều thú vị mà độc giả phát hiện ra, mà ngay mình cũng không ngờ tới....
Trong làng văn, sự khích lệ động viên và chia sẻ, góp ý của đồng nghiệp rất cần thiết. Vấn đề là nhà văn có đủ lớn để thấy tác phẩm của mình còn khiếm khuyết không. Trong dòng chảy của văn chương muôn hình muôn vẻ, nhà văn Bắc Sơn đã khiến độc giả và đồng nghiệp trân trọng, quý mến bởi tài hoa và sự khiêm tốn, cầu thị của mình.
Linh Sơn