Những điều cần chú ý để con trẻ an toàn khi đi ô tô

GD&TĐ - Trẻ em thường được cha mẹ chở đi học, đi chơi hoặc đi du lịch ở nhiều nơi. Vì vậy, cha mẹ luôn phải lưu ý về an toàn cho trẻ khi đi xe đường dài, nhất là những trẻ còn quá nhỏ.

Trẻ cần được rèn những thói quen an toàn khi đi xe ô tô. Ảnh minh họa.
Trẻ cần được rèn những thói quen an toàn khi đi xe ô tô. Ảnh minh họa.

Một số sai lầm thường gặp

Nhiều cha mẹ thường có thói quen cho trẻ ăn no, mặc ấm trên xe, nhất là quãng đường di chuyển dài. Chuyên gia cho rằng, điều này nên tránh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, trẻ em không nên tiêu thụ thức ăn bên trong xe khi đang chuyển động. Việc ăn no sẽ khiến trẻ khó chịu trong môi trường kín và đang di chuyển. Thậm chí, đối với trẻ sơ sinh còn dễ bị ngạt thở khi ăn quá no lại ngồi trong xe kín, nhưng lại không có khả năng cảnh báo cho người lớn.

Ngoài ra, nhiều cha mẹ vẫn thường có thói quen mặc ấm cho con quá mức. Nhưng trên xe, cần bỏ áo khoác cồng kềnh ra khỏi người trẻ, nhất là đối với trẻ sơ sinh khi không có khả năng tự cởi hoặc báo hiệu về sự khó chịu.

Thay vì mặc nhiều quần áo rồi đặt trẻ vào ghế ngồi ô tô thì có thể đắp chăn cho con khi đã điều chỉnh dây ghế an toàn.

Hầu hết các chuyên gia đều khuyến khích cha mẹ nên cho trẻ ngồi trong một ghế được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh. Đây là loại ghế nhỏ, có đai và chốt an toàn. Nó thường sẽ được lắp đặt ở phía trên ghế trong xe ô tô hoặc ở hàng ghế phía sau. Điều này sẽ giúp bố mẹ dễ dàng ổn định và kiểm soát em bé tốt hơn. Nếu không may tai nạn xảy ra, dây đai an toàn cũng sẽ bảo vệ được em bé.

“Trẻ dưới 6 tháng cần được ngồi trong ghế nôi nhìn về phía sau đã được chứng nhận an toàn. Ghế này được giữ cố định bởi dây an toàn và đai buộc bên trên và liên kết với hệ thống đai an toàn sáu điểm ở ghế sau. Tuy nhiên, không nên để trẻ ngồi trên ghế quá lâu vì cơ lưng của bé chưa hoàn toàn phát triển, chỉ nên cho trẻ ngồi khoảng 30 phút trở lại. Trong những chuyến hành trình dài, hãy dừng xe nghỉ ngơi đúng lúc để bé không bị mệt mỏi” – bác sĩ Hằng nêu.

Bác sĩ Hằng cũng khuyên rằng, cha mẹ phải luôn chú ý các thứ có thể gây nguy hiểm cho em bé, đặc biệt là xung quanh chỗ ngồi, chẳng hạn như dao kéo, vật nhọn, kim loại, đồ chơi nhỏ… Ngay cả ánh nắng mặt trời cũng cần được lưu tâm để tránh cho trẻ sơ sinh.

Để tránh tai nạn, chẳng hạn như đột quỵ do nắng nóng, hãy nhớ luôn để mắt đến trẻ em, dù chúng ở trong hay ngoài xe, bất kể điểm dừng ngắn hay điều kiện thời tiết như thế nào. Ô tô có thể nóng lên nhanh chóng bên trong, đạt nhiệt độ rất cao.

Tập thói quen cho trẻ

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty VOV AUTO cho biết, trước khi mua một chiếc ghế ngồi trên ô tô dành cho trẻ em, bạn nên đảm bảo rằng nó phù hợp với cân nặng, độ tuổi và chiều cao của con bạn. Đồng thời tuân thủ các quy định giao thông được thực thi tại quốc gia hoặc khu vực.

Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nó tương thích với phương tiện của bạn, xem xét kích thước của ghế, hệ thống neo. Khi được lắp đặt, nó phải đảm bảo cho phép tất cả các hành khách khác đi lại một cách an toàn và thoải mái.

Cũng theo chuyên gia này, mặc dù mua đồ cũ có thể tiết kiệm một số tiền, nhưng không nên mua những chiếc ghế không rõ lịch sử. Điều này là do chúng có thể đã bị tai nạn nào đó hoặc đã được sử dụng trong một thời gian dài, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của chúng.

Nhiều gia đình do nuông chiều con hoặc để có cảm giác bố mẹ gần gũi con cái, nên thường để trẻ ngồi cùng ở hàng ghế trước hoặc ngồi ngay trên bậu tỳ tay giữa xe. Đây là những vị trí rất nguy hiểu nếu chẳng may phanh gấp, quán tính khiến trẻ lao vào kính lái hoặc bảng tap-lô.

Ngoài ra, để trẻ ngồi vào lòng khi lái xe cũng là điều cần tránh. Nhà sản xuất có khuyến cáo, túi khí bung có thể gây sát thương lớn cho trẻ. Vị trí thích hợp nhất cho trẻ em là ở hàng ghế sau, ghế ngồi riêng của trẻ nên đặt sao cho mắt trẻ có thể quan sát không gian bên ngoài để tránh mệt mỏi, say xe.

“Hầu hết các bé đều muốn được ngồi cùng mẹ. Khi ngồi cùng mẹ, các bé sẽ ngoan hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra tai nạn thì hậu quả rất khó lường. Vì vậy, hãy tập thói quen cho bé ngồi vào ghế và thắt dây an toàn một cách cẩn thận” – ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, có thể kiểm tra sách hướng dẫn sử dụng ô tô của bạn để tìm hiểu vị trí của các hệ thống an toàn được tích hợp trong ô tô và cách chúng hoạt động. Những thứ này có thể ngăn trẻ em mở cửa ra vào và cửa sổ khi xe đang di chuyển hoặc dừng lại, tránh té ngã hoặc kẹt chân tay.

Trong trường hợp cửa ra vào, các khóa này thường có thể được kích hoạt hoặc vô hiệu hóa khi cửa đang mở, ngăn không cho chúng mở từ bên trong xe. Mặt khác, những chiếc xe có cửa sổ tự động thường có một nút bấm gần vô lăng. Khi được nhấn, chỉ người lái xe mới có thể hạ hoặc nâng cửa sổ lên. Bên cạnh đó, khi xe không được sử dụng, không để trẻ em chơi bên trong xe. Khóa cửa và luôn để chìa khóa xa tầm tay trẻ em.

Ngoài ra, tránh sao nhãng khi lái xe là quy tắc an toàn hàng đầu mà mỗi bậc cha mẹ nên làm theo. Lái xe mất tập trung có thể dẫn đến tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng và khiến chúng có thể bị thương nặng. Hãy chắc chắn để loại bỏ tất cả các yếu tố gây xao nhãng.

Người lớn cũng cần giúp trẻ hiểu rằng chúng nên cư xử bình tĩnh trong xe. Bởi những tiếng la hét hoặc các hành động khác có thể khiến người lái xe mất tập trung. Điều này gây bất lợi cho cả gia đình và tuyệt đối nên tránh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.