(GD&TĐ) - Nhân ngày khai giảng năm học 1968 – 1969, Bác Hồ đã gửi thư cho toàn thể cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và đại học. Bác ghi ở đầu bức thư: “Các cô, các chú và các cháu thân mến”.
Ảnh tư liệu |
Sau khi Bác chỉ rõ đây là năm vẫn phát triển, Bác khen ngợi thầy trò, cán bộ, nhân viên toàn ngành đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác viết tiếp: “… nhưng đế quốc Mỹ còn ngoan cố. Cách mạng nước ta còn phải khắc phục nhiều khó khăn gian khổ để đạt thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay, Đảng và nhân dân giao cho các cô, các chú, các cháu nhiệm vụ lớn hơn trước. Vì vậy, Bác nhắc các cô, các chú, các cháu mấy điều sau đây:
- Thầy và trò phải luôn luôn nêu cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
- Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
- Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”. (1)
Có ai dám ngờ đâu đó là những lời nhắc, lời dặn, lời dạy cuối cùng của Bác vì không đầy một năm sau, Bác đã đi xa. Tuy đã 45 năm ngày Bác gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục, trong hoàn cảnh từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, đất nước thống nhất, đất nước đổi mới, giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển nhưng toàn ngành luôn luôn nhớ và cố gắng thực hiện những lời dạy của Bác trong hoàn cảnh mới của đất nước.
Bác nhắc thầy cô giáo, các cháu phải “luôn luôn nêu cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội… tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin vào sự lãnh đạo của Đảng…”. Điều này, tiếp lời Bác dạy, Chính phủ ta luôn luôn nhắc nhở toàn ngành GD&ĐT, đến nay và mãi về sau, toàn ngành GD&ĐT nguyện thực hiện lời dạy của Bác.
Điều thứ hai mà Bác “nhắc” (chữ của Bác), trong 45 năm qua đã thành khẩu hiệu hành động của tất cả các cấp học: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”. Đúng là chiến tranh có khó khăn gian khổ nhưng đất nước ta sau chiến tranh, trong hoàn cảnh mới bên cạnh thuận lợi, có không ít khó khăn về kinh tế, xã hội với không ít thách thức, riêng ngành GD&ĐT phải phấn đấu vươn lên. Bác đã dặn: “…Phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa, chuyên môn…”, về điều này, trong ngành cũng như xã hội rất quan tâm và hiện nay Đảng và Chính phủ ta đã chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Ở đây, xin được dẫn lại bức thư ngày 31/10/1955 của Bác Hồ gửi “Giáo sư, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng”, trong đó Bác viết mấy điểm liên quan đến chương trình, phương châm, phương pháp dạy và học của các bậc học rất quan trọng cho việc nghiên cứu khoa học về chương trình, phương pháp dạy và học, một mặt rất cơ bản, quan trọng của đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục. Bác viết: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học tiên tiến của các nước kết hợp với thực tiễn của nước ta để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
- Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
- Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn – phải đặc biệt giữ gìn sức khỏe của các cháu”.(2)
Phải thừa nhận rằng trong những năm đổi mới, GD&ĐT có những tiến bộ có tính chiến thuật hơn chiến lược. Sắp tới trong đổi mới chiến lược “cơ bản và toàn diện của giáo dục và đào tạo” lời Bác Hồ dạy trên đây cần được thực hiện trong biên soạn chương trình, sách giáo khoa, giáo trình đặc biệt trong đổi mới phương pháp dạy và học.
Vết điểm thứ ba trong thư cuối cùng của Bác gửi cho toàn ngành GD, Nhà nước ta đã chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng ngân sách cho GD&ĐT, phát triển giáo dục vùng dân tộc ít người, cho học sinh nghèo vay tín dụng để học tập, mở rộng các ký túc xá đại học, học nghề… và nhiều việc khác nữa để chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của học sinh, sinh viên.
Nhìn lại 45 năm qua, thầy cô giáo, cán bộ nhân viên, học sinh các cấp đã có nhiều cô gắng trong việc thực hiện các điều Bác Hồ dạy – những di huấn quý báu cho toàn ngành cũng như gián tiếp cho toàn dân.
Những lời Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho ngành GD&ĐT phát triển góp phần tích cực xây dựng nguồn lực lao động chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho Tổ quốc để phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
NGND Nguyễn Nghĩa Dân
______________________
(1) Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục. NXB Giáo dục – Hà Nội 1997
(2) Hồ Chí Minh toàn tập – tập VII. NXB Sự Thật – Hà Nội – 1987, tr.348
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh: Tư liệu