Tăng trách nhiệm cơ sở đối với công tác phòng chữa cháy. |
(GD&TĐ) - Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành từ 28/12 tới đây có nhiều điểm mới đáng lưu ý.
Phạt nếu không xuất trình chứng minh thư nhân dân
Theo Nghị định 167, nếu không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Mức phạt tăng lên 1 - 2 triệu đồng nếu sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; tẩy xoá, sửa chữa chứng minh nhân dân; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Còn đối với các hành vi khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân; làm giả chứng minh nhân dân; sử dụng chứng minh nhân dân giả sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng.
Đối với hành vi thế chấp chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.
Phạt tăng nặng hành vi mua - bán dâm cùng lúc nhiều người
Theo Nghị định mới ban hành, hành vi bán dâm sẽ nhận mức phạt thấp hơn so với hành vi mua dâm. Đối với hành vi mua dâm: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.
Đối với hành vi bán dâm: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm; Phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
Chi tiết hóa xử phạt các vi phạm phòng chữa cháy
Thời gian qua, đã xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn nghiêm trọng như cháy nhà máy Diana tại Bắc Ninh hay Zone 9 tại Hà Nội gây tổn thất lớn về người và của. Qui định xử phạt mới sẽ làm tăng trách nhiệm cơ sở đối với công tác phòng chữa cháy.
Theo Nghị định 167, qui định xử phạt khá chi tiết các hành vi vi phạm. Một số mức phạt đáng chú ý như: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 5.000.000 đồng đối với hành vi không tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi được người có thẩm quyền yêu cầu;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hay chuyên ngành theo quy định;
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng - 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép;
b) San, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc san, chiết, nạp chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ sang các thiết bị chứa không đúng chủng loại, không phù hợp với chất, hàng nguy hiểm cháy nổ;
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng - 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh…
Minh Hà