Những điểm 10 minh chứng cho việc đổi mới cách dạy Văn

Những điểm 10 minh chứng cho việc đổi mới cách dạy Văn

(GD&TĐ) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Đà Nẵng có 2 học sinh cùng đạt điểm 10 tuyệt đối môn Văn cũng như kết quả bài làm môn Văn có phần vượt trội là tâm điểm chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng kết quả này phản ánh sự khác biệt trong dạy và học Văn những năm gần đây so với các môn học khác. Xung quanh sự việc này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã trao đổi cùng ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng..

Thưa ông, ông nghĩ thế nào về hiện tượng Đà Nẵng có 2 điểm 10 Văn cùng lúc với một kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng
Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng
 

- Bản thân tôi là giáo viên ngành Toán, tôi không trực tiếp đọc chấm các bài văn của các em Thục Nhi và Bích Ly. Nhưng theo hội đồng, các thầy cô khi tiếp xúc các bài văn có điểm số đến 9,75 này, đều đọc rất kỹ, và hội đồng đều thống nhất cho rằng điểm bài làm của các em như thế đều rất xứng đáng.

Các thầy cô nhận xét, lối hành văn trong bài viết của các em rất tốt. Về lý thuyết, các em đều làm trọn vẹn. Còn về cảm nhận, cả 2 em đều biết trường hợp của em Nam thông qua báo chí, thông qua thông tin xã hội tuyên dương lòng dũng cảm của em ấy, nên thực sự 2 em đều đã cảm nhận và xúc động về hình ảnh người bạn học sinh có hành động dũng cảm. Lời văn viết ra của 2 em đều thể hiện xuất phát từ tấm lòng, với nội tâm rung động tận con tim các em về sự việc ấy. Sự thể hiện ấy là rất chất lượng và cả 2 bài viết đều được hội đồng chấm thi đều đánh giá cao.

Nhiều ý kiến đánh giá 2 cô học trò đạt điểm 10 đều là những người có cách học văn chủ động, thích đọc sách báo thư giãn và sáng tạo thoải mái trong học Văn, rất khác với cách học tủ, học theo văn mẫu… phổ biến hiện nay. Ông nghĩ sao về điều này?

- Về cách học Văn, theo tôi, ngành Giáo dục đào tạo Đà Nẵng trong những năm qua cũng đã có sự thay đổi lớn, thể hiện qua các kỳ thi đều chủ động ra đề theo hướng mở. Chúng tôi cho rằng, hướng ra đề như vậy sẽ đề cao khả năng cảm nhận văn học của học sinh với các chủ đề tình yêu quê hương đất nước, những hành động nghĩa cử nhân văn… Do đó, chúng tôi luôn đặt vấn đề này trong các đề thi tốt nghiệp môn Văn.

Các đề thi vì vậy, có một phần là phần cứng theo chuẩn lý thuyết giáo khoa, còn phần cảm thụ, các thầy cô giáo đều bám theo cách mở hướng cho học sinh tự do suy nghĩ. Tôi nghĩ với cách học môn Văn, là không nên khép kín, khô khan, khuôn mẫu, mà nên để các em tự do suy nghĩ. Tất nhiên, sự tự do này là phải có định hướng cảm thụ về tính nhân văn, mỹ thuật, khoa học sâu sắc, chứ không phải ngẫu hứng theo kiểu tùy tiện. Chính với những cách học như vậy, theo tôi mới dẫn đến được những điểm số 10 ở môn Văn như hiện nay.

Thay đổi phương pháp trong dạy và học Văn đã đạt hiệu quả cao Ảnh: Bắc Việt
Thay đổi phương pháp trong dạy và học Văn đã đạt hiệu quả cao  Ảnh: Bắc Việt
 

Vậy theo ông, từ những trường hợp cụ thể này, ông có cho rằng chúng ta nên xem lại cách dạy Văn lâu nay ở trong nhà trường không?

- Tôi nghĩ rằng, việc học những kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa, để đạt chuẩn kiến thức chung là cần thiết. Đó là những kiến thức nền, để học sinh được định hướng cảm nhận về tư duy văn hóa tốt hơn.

Nhưng đồng thời, các em học sinh cũng nên có điều kiện đọc thêm sách báo, tiếp cận những thông tin tích cực về gương người tốt việc tốt, những câu chuyện giàu tính nhân văn, đậm chất nhân tâm. Được như thế, môn Văn sẽ làm cho tâm hồn các em được mài giũa trong sáng và có đầy đủ hiểu biết trách nhiệm hơn.

Cho nên, với bộ môn Văn, tôi đề xuất việc dạy phải có hướng mở rộng, giúp định hướng việc học cho học sinh: Một là, phải có được tư duy phân tích bình luận, nhìn thấy cái chung tích cực trong cảm thụ riêng của mình. Hai là, phần riêng phải thể hiện cảm xúc của các em một cách chân thực và sinh động. Dạy Văn không thể áp dụng công thức 1 + 1 = 2 như bộ môn Toán, mà phải không ngừng hướng các em đến các giá trị chân – thiện – mỹ toàn diện nhất.

tr4-5 (2).jpg
 
Theo em, văn học cần cho tất cả mọi ngành nghề, và sau này dù mình có làm trong lĩnh vực nào cũng cần có kỹ năng làm văn, ví dụ như viết báo cáo công việc.

Nhiều tác phẩm trong chương trình học ở trường hiện nay có thể chưa gần gũi với cuộc sống giới trẻ nhưng em thấy, học Văn không chỉ là học trong sách giáo khoa. Từ nhỏ em đã có thói quen đọc sách, báo như một cách tiếp nhận và cảm thụ văn học, bên cạnh việc thu thập kiến thức xã hội.

Nguyễn Trần Thục Nhi

(lớp 12/31 THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng)

 

Em không ở trong hoàn cảnh của Nam nên không thể biết được bạn đã nghĩ gì khi lao ra giữa dòng nước cứu các em nhỏ. Có thể Nam không kịp nghĩ ngợi gì, không kịp suy tính thiệt hơn. Nhưng hành động của Nam, như em đã trình bày trong bài làm, xuất phát từ lòng yêu thương con người. Hành động dũng cảm quên mình vì mọi người của Nam đã hướng mọi người đến những giá trị sống tốt đẹp hơn. Đó là sống biết yêu thương và biết quan tâm đến người khác.

Nguyễn Thị Bích Ly (lớp 12/7 THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng)


Uyên Uyên (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ