Con lười
Trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài, đứng trước áp lực cực lớn của chọn lọc tự nhiên, bạn có thể cho rằng, con lười đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên khác để tiếp tục tồn tại cho đến nay.
Ngủ khoảng 10 tiếng 1 ngày, ăn uống rất điều độ (với chế độ ăn chủ yếu là rau xanh) cùng với cuộc sống yên bình trên cây – chúng còn gì để than phiền?
Điều không may nằm ở chính lối sống quá mức tĩnh tại này. Chế độ ăn của con lười rất kém đa dạng về mặt dinh dưỡng, cùng với đó là sự chầm chậm ít di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bởi vậy chúng cần dạ dày có kích thước lớn và có nhiều buồng để có thể chứa được nhiều thức ăn.
Con lười có thể mất đến hàng tháng trời để tiêu hóa hết 1 bữa ăn, và nó cần một lối sống ít hoạt động để giữ cho việc dị hóa năng lượng ở mức càng thấp càng tốt.
Điểm mâu thuẫn nằm ở chỗ, điều này thường làm thân nhiệt của con lười hạ xuống rất thấp. Khi thân nhiệt xuống quá thấp, hệ vi khuẩn đường ruột của chúng sẽ dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc dù đã ăn đủ cho cả tháng trời, nhưng con lười vẫn có thể chết vì đói, bởi thức ăn trong đường tiêu hóa của chúng không hề bị tiêu hóa một chút nào. Có lẽ đây là một trong những đặc điểm tiến hóa ngu xuẩn nhất, nhưng cũng hài hước nhất trong thế giới động vật.
Cánh tay của T-rex
Bất cứ ai từng xem bộ phim “Công viên kỷ Jura” đều biết rằng con quái vật T-rex không phải là thứ để đem ra đùa giỡn. Dài đến gần 14 mét, bộ hàm có kích cỡ khoảng 1,2 mét của nó có thể dễ dàng xé bạn ra làm đôi nếu bạn xui xẻo đụng phải nó trên đường. Đừng mong chờ sự nhân từ đến từ T-rex, trong mắt chúng, bạn chỉ là một bữa ăn, không hơn không kém.
Nhưng T-rex vẫn thường xuyên bị đem ra làm trò cười trên nhiều phương diện khác nhau, nhất là đối với đôi tay ngắn ngủn của mình. Không đơn thuần chỉ là một trò cười, đó thực sự là một trở ngại cực lớn đối với loài bạo chúa này.
Chính bởi đôi tay nhỏ bé quá đỗi vô dụng, T-rex thậm chí không thể nắm lấy, hoặc đưa con mồi vào miệng mình. Kỳ quái hơn, trên mỗi tay T-rex chỉ có 2 ngón, thay vì 3 ngón như những loài khủng long khác. Với 3 ngón tay, việc cầm nắm là thuận tiện hơn rất nhiều.
Có vẻ như, quá trình tiến hóa đang từ từ loại bỏ đôi tay của T-rex, thay vào đó, chúng chỉ cần đến bộ hàm chết người của mình để hạ gục và nuốt gọn con mồi.
Một số người còn cho rằng, nếu loài khủng long có thể tồn tại lâu hơn, thêm khoảng 1 triệu năm nữa, rất có thể đôi tay của T-rex sẽ hoàn toàn biến mất.
Gấu trúc
Bạn không hiểu tại sao gấu trúc lại nằm trong danh sách này. Và có lẽ, bạn càng không muốn gấu trúc nằm trong danh sách này, bởi chúng là những sinh vật cực kỳ dễ thương. Nhưng có lẽ, chỉ có may mắn mới giúp chúng vẫn còn tồn tại trên mặt đất cho đến ngày nay.
Điều đầu tiên nằm ở khả năng giao phối của chúng. Bạn có thể sẽ không tin vào mắt mình nếu một lần được chứng kiến chúng làm chuyện ấy.
Chúng có một khái niệm hết sức sai lầm trong công việc duy trì giống nòi, con đực sẽ chọn chân, cổ tay hay thậm chí… tai của con cái, thay vì đặt đúng cái cần đặt vào đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc.
Cuộc sống trong tự nhiên của gấu trúc cũng gặp không ít phiền toái. Chúng cần một lượng thức ăn bằng khoảng ¼ khối lượng của mình một ngày, và thậm chí, việc chỉ ăn rau cỏ cũng gây ra rất nhiều rắc rối cho hệ tiêu hóa của chúng. Đây cũng là lý do tại sao gấu trúc cần đi ngoài tới xấp xỉ 40 lần trên ngày.
Linh cẩu
Không được biết đến nhiều như sự tồn tại của ruột thừa, hay khẩu phần ăn phi lý của gấu trúc, tuy nhiên, cấu trúc cơ quan sinh dục của linh cẩu thực sự là một ví dụ điển hình cho việc tiến hóa đã làm công việc của mình tệ hại đến thế nào.
Đầu tiên là việc linh cẩu cái sở hữu âm vật có kích thước quá cỡ - đến mức chúng ta khó có thể phân biệt được đó là âm hay dương vật.
Điều này vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được, linh cẩu có lẽ chưa đủ thông minh để biết được thế nào là thẩm mỹ. Và cũng như nhiều loài vật khác, đây là cơ quan đầu ra của khá nhiều chức năng: tiểu tiện, giao phối cũng như sinh đẻ.
Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt lợi và hại. Âm vật của linh cẩu có chiều dài khoảng từ 15 - 18 cm, không phải là một đường sinh đẻ lý tưởng.
Trước khi đến được âm vật, con linh cẩu con đã phải trải qua một chặng đường đầy gian khó ở âm đạo, chưa kể đến đường kính của chặng đường chỉ khoảng 1 inch – đủ dài và đủ chật hẹp để con non có thể chết ngạt trước khi chúng kịp nhìn thấy ánh sáng. Không những thế, linh cẩu cái cũng sẽ phải chịu rất nhiều đau đớn và chấn thương trong quá trình sinh đẻ.
Kết
Dù những điểm tiến hóa này có thể hiển hiện trước mắt chúng ta như là một sự vô lý thái quá của tự nhiên, nhưng những luận điểm trong bài viết này vẫn đơn thuần chỉ là những giả thuyết, hoặc chưa có đủ chứng cứ thuyết phục để ủng hộ chúng.
Tự nhiên nói chung, cũng như tiến hóa nói riêng vẫn cần đến sự tiến bộ của khoa học để làm sáng tỏ những bí ẩn này. Hãy cùng hi vọng rằng chúng ta sẽ có được câu trả lời trong một tương lai không xa.