Những cuộc sơ tán can đảm

Những cuộc sơ tán can đảm

Họ sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng dầu khí, Coivd-19 xảy ra, công trường ngừng hoạt động, họ phải cách ly tại chỗ, một số người đã bị nhiễm bệnh. Họ viết thư chung kêu gọi Chính phủ giúp đỡ họ trở về.

Đến giờ, thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao cho biết, sắp có chuyến bay đưa 226 công nhân trên trở về, dự kiến là trong tháng Tám. Thời gian chờ đợi 1 tháng, 2 tháng có thể là dài vô tận với những người bị mắc kẹt ở nước ngoài, nhưng cũng thật ấm lòng khi biết rằng đất nước không bỏ rơi họ.

Tổ chức một chuyến bay đưa công dân về trong bối cảnh dịch Covid-19 bủa vây khắp thế giới thật sự phức tạp. Đó không chỉ là nhiệm vụ của ngành hàng không và giao thông vận tải, mà rất nhiều bộ ngành phải vào cuộc để đàm phán, chuẩn bị từ nhân sự, cơ sở vật chất cách ly, chuẩn bị về y tế để điều trị cho người nhiễm.

Cũng giống như chuyến bay đưa người lao động từ Guinea Xích đạo xa xôi, người lao động ở Uzbekistan, hay người Việt ở bất kỳ đâu trên thế giới có nguyện vọng, đã, đang và sẽ được đón về. Không có sự phân biệt giàu nghèo, chỉ là ưu tiên về mức độ dễ tổn thương của những người bị mắc kẹt: Trẻ em dưới 18 tuổi, sinh viên hết hạn visa, gặp khó khăn về chỗ ở do trường học và ký túc xá đóng cửa, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, có tiểu sử bệnh nền, người đi du lịch, đi công tác bị kẹt lại… Cho đến ngày 6/8, đã có hơn 80 chuyến bay đưa hơn 21.000 công dân từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trở về Việt Nam trong dịch Covid-19.

Cũng có những người cho rằng việc đưa công dân về nước khi ở đâu đó xảy ra thiên tai địch họa, chiến tranh, dịch bệnh là nghĩa vụ của quốc gia với công dân, nhưng chúng ta đã không làm việc đó một cách máy móc, vô cảm. Mặc dù trong nước cũng đang gồng mình chống dịch, dù nguồn lực của chúng ta rất hạn chế so với nhiều nước khác, nhất là trước một đại dịch bất ngờ và tác động ở quy mô lớn, nhưng đất nước vẫn dành những nguồn lực rất tốt cho những người con ở xa tổ quốc. 

Không thể chỉ nói rằng những người làm việc ngày đêm chống dịch, đón người trở về, những phi hành đoàn kia chỉ làm vì họ được nhận lương để làm việc đó. Họ làm bất kể giờ giấc, tình nguyện, với tinh thần cống hiến sẻ chia, vì sự an toàn của mình và của mọi người.

Nói thêm về tình yêu thương, về trách nhiệm, về tinh thần đùm bọc bầu ơi thương lấy bí cùng thì có lẽ cũng không cần thiết, bởi đã nhiều người viết về vấn đề này. Nhưng sẽ không thừa nếu nói rằng Việt Nam đã tích lũy được một sức mạnh kinh tế nhất định, đã đạt được một sự trưởng thành tuyệt vời về sự lãnh đạo để có những quyết sách đúng đắn, những chiến lược đối phó cực kỳ khôn ngoan, hiệu quả mới có thể kiểm soát dịch ở mức độ như hiện nay, mới có thể thực hiện được những chuyến bay đón công dân về nước như vậy. Điều đó được ghi nhận không chỉ bởi người dân trong nước, mà trên báo chí nước ngoài, bởi các lãnh đạo, các chính trị gia nước ngoài.

Thời gian tới sẽ còn tiếp tục những chuyến bay đón công dân trở về. Cho dù khó khăn thế nào, chi phí thế nào, chỉ cần công dân của mình được an toàn, được sống sót. Bởi, như một câu ngạn ngữ, còn người là còn tất cả. Chỉ cần vượt qua đại dịch, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ