Những cuộc đảo chính thảm khốc do Mỹ chống lưng

GD&TĐ - Grenada là một hòn đảo nhỏ ở Caribe, chỉ cách Puerto Rico về phía Nam 640 km. Người dân địa phương thường nói rằng đó là nơi “nằm ngay phía Nam thiên đường và phía Bắc của thất vọng”. 

Những cuộc đảo chính thảm khốc do Mỹ chống lưng

Chiến dịch Cơn thịnh nộ khẩn cấp

Đối với Tổng thống Reagan, đó là một nỗi thất vọng bất biến, bởi những người theo chủ nghĩa Marx đã lên nắm chính quyền của quốc đảo nhỏ bé này ngay khi Reagan mới nhậm chức.

Năm 1983, chán ngán với những gì mà họ cho là “hành vi cấp tiến kém hiệu quả”, thành viên của đảng cầm quyền đã hạ bệ người lãnh đạo của mình và thay thế bằng Hudson Austin, một vị tướng trong Quân đội Cách mạng nhân dân.

Đây là giọt nước làm tràn ly đối với người Mỹ. Reagan nhanh chóng thông qua kế hoạch xâm chiếm Grenada.

Những vấn đề liên tiếp xảy ra, trong đó có những bùng nhùng xung quanh chiến dịch Cơn thịnh nộ khẩn cấp, bởi nhiều chi nhánh của quân đội Mỹ thực sự lúng túng và không thể thống nhất trong việc thực thi nhiệm vụ.

Cuối cùng, khoảng 7.000 quân đã được điều động tới Grenada, với những mục tiêu khác nhau, trong đó mục tiêu hàng đầu là lật đổ chế độ cầm quyền ở nơi này, trong khi việc “giải cứu” các sinh viên Mỹ ở Grenada được sử dụng như lời biện minh cho cuộc xâm chiếm.

Đối mặt với sức mạnh của quân đội Mỹ, chính phủ Austin nhanh chóng bị loại bỏ và được thay thế bởi một nhà lãnh đạo thân Mỹ. Khi được hỏi về cuộc tấn công hầu như chẳng có lý do chính đáng nào, Reagan đã trả lời rất vu vơ: “Nó (cuộc tấn công) chẳng làm hỏng bữa sáng nào của tôi cả” (!).

Chiến tranh Iraq

Với thế giới bên ngoài, mục tiêu của cuộc xâm chiếm Iraq năm 2003 được tuyên truyền là để “thay đổi chế độ”, nhằm phế truất Saddam Hussein.

Khi ấy, Mỹ một mực khẳng định rằng Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Tất nhiên Mỹ và cả Liên Hiệp Quốc đã không thể tìm thấy bằng chứng cho điều này ngay trước cuộc chiến. Dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hiệp Quốc (do thiếu chứng cứ) và bị thế giới phản đối, Tổng thống Bush vẫn ra sức bảo vệ ý kiến riêng và đưa ra tối hậu thư với Hussein: Hãy rời khỏi đất nước hoặc đối mặt với một cuộc tấn công. Ngày 20/3/2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động Chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc của mình.

Bất chấp sự phản đối từ dư luận quốc tế, Mỹ và các lực lượng liên minh đã bắt đầu những hành động thù địch. Cuộc chiến dai dẳng và kéo dài hơn 8 năm rưỡi.

Mặc dù lực lượng Mỹ và liên minh đã lật đổ chế độ Hussein, nhưng không thể trấn áp được hoàn toàn các lực lượng nổi dậy khiến Bush buộc phải để lại 50 vạn nhân viên quân sự.

Các cuộc thăm dò cho thấy đại đa số người dân Iraq phản đối cuộc xâm lược của Mỹ. Kết luận cuối cùng về sự can thiệp Mỹ vẫn chưa được xác định, nhưng đa số ý kiến cho rằng không thể đánh giá đây là một thành công của bất kỳ ai, nhất là với tính mạng của gần 200.000 người dân Iraq đã mất đi trong cuộc chiến.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ