Những con số kỳ diệu của điêu khắc

Những con số kỳ diệu của điêu khắc

(GD&TĐ) - Trong Hội thảo Văn hóa quốc tế năm 1995 tổ chức tại Đà Nẵng, bà Điềm Phùng Thị có kể lại những gian khổ trong thời gian du học ở châu Âu, những năm sau Thế chiến thứ hai. Vừa hành nghề nha sĩ, vừa làm học viên “tự do” theo học điêu khắc, rồi tổ chức triển lãm và đã có nhiều tượng đài xây dựng trên đất Pháp.

Để được công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật châu Âu và tên được ghi vào Từ điển Larousse về tranh và tượng của thế kỷ XX, thành tựu ấy đòi hỏi một quá trình lao động rất cao ở một phụ nữ Việt Nam “bé nhỏ”...

->> Điềm Phùng Thị - Nghệ sĩ tài hoa thế kỷ XX: Như tia nắng mặt trời

Lao động miệt mài

Điềm Phùng Thị dùng 7 “ký hiệu” để cấu thành thế giới tạo hình riêng
Điềm Phùng Thị dùng 7 “ký hiệu” để cấu thành thế giới tạo hình riêng 
 

Sau khi thành công rực rỡ ở châu Âu, cuối đời, ước mơ quy cố hương của bà trở thành hiện thực. Về Huế, bà được mời ở một ngôi nhà đẹp xây dựng từ năm 1930 với phong cách Pháp (số 1 đường Phan Bội Châu, TP Huế). Tại đây, bà dành nhiều thời gian để sáng tác và giảng dạy cho trẻ mồ côi và trẻ câm điếc.

Theo tâm nguyện: "Tôi tặng toàn bộ tác phẩm cho nhân dân TP Huế", bà đem về toàn bộ số tác phẩm còn giữ lại ở Pháp với số lượng gần 300 tác phẩm lớn nhỏ, đa số là tượng. Riêng những tác phẩm bà mới sáng tác ở Huế và TP HCM cũng lên đến hàng trăm. Trong ngôi nhà số 1, đang có khoảng 30 tác phẩm điêu khắc, tranh thêu và những đồ trang sức tinh xảo bằng kim loại hoặc gỗ được trưng bày.

Trước khi qua đời vài tháng, bà còn quyết định chuyển một số tác phẩm còn lại ở TP HCM (trên 130 tác phẩm) và Pháp (trên 50 tác phẩm) về Huế. Theo tập catalogue “Nghệ thuật Điềm Phùng Thị” dày 267 trang được xuất bản năm 1997, hiện nay tại Pháp có rất nhiều tác phẩm của bà được dựng lên ở nhiều trường học, công viên, bảo tàng, bệnh viện...

Nhìn chung, các tác phẩm của bà vừa thể hiện một phong cách nghệ thuật đa dạng, có thể thích nghi với không gian kiến trúc rộng lớn, vừa có thể làm món đồ trang trí nghệ thuật nội thất. Khối tài sản văn hóa quý giá ấy đã được giới thiệu với công chúng Thủ đô năm 1978 tại Trung tâm Mỹ thuật Hà Nội, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có cuộc triển lãm nghệ thuật tự do, đương đại và trừu tượng.

Sau 1992 về Việt Nam, bà đã triển lãm nhiều nơi và thiết lập cơ sở tại số 1 đường Phan Bội Châu, TP Huế, trưng bày 150 tác phẩm và cư trú luôn tại đó. Năm 1996, bà mở lớp dạy mỹ thuật miễn phí cho trẻ em. Hầu hết tác phẩm của bà được làm bằng đủ loại chất liệu: Nhựa tổng hợp, đồng, nhôm, đá, đá ngọc, đất sét, thạch cao, sơn mài cẩn vỏ trứng, giấy, màu dầu... Và với mảnh xác máy bay B52, Điềm Phùng Thị có một mảng tác phẩm riêng về đề tài chiến tranh - hoà bình.

Sáng tạo

Đậm chất nữ tính trong mảng sáng tác về con người
Đậm chất nữ tính trong mảng sáng tác về con người

Tác phẩm của Điềm Phùng Thị vừa sang trọng vừa giản dị. Ngôn ngữ mới mà giản tiện, giống như trẻ con chơi trò  xếp hình, bà chỉ có 7 “chữ cái” để cấu thành thế giới tạo hình riêng của bà- gọi là “những ký hiệu” (signs). Nhà phê bình nghệ thuật Ray Mond Cogniat gọi là 7 mẫu tự, giáo sư Trần Văn Khê gọi là 7 nốt nhạc và các nhà nghiên cứu nghệ thuật châu Âu thì gọi là những mô-đun (modules). Các tác phẩm của bà là sự sắp xếp, lựa chọn bố cục, biến tấu và lắp ghép những mẫu tự ấy. 

Tiếng nói các mẫu tự làm nên thế giới riêng của Điềm Phùng Thị cũng có sự góp phần đáng kể của chất liệu. Bà thể nghiệm nhiều chất liệu một cách khéo léo, để đem lại những điểm nhấn trung tâm trong một mô hình tác phẩm. Ở các tác phẩm chỉ sử dụng một chất liệu như chì gò, gỗ, đất nung và đồng, ta thấy sự uyển chuyển trong bố cục, đặc biệt các tượng đài đều có chung một đặc điểm về cấu trúc không gian mang dáng dấp kỷ hà, giàu tính biểu tượng rất phù hợp với phong cách kiến trúc châu Âu hiện đại.

Điềm Phùng Thị lựa chọn cho mình góc nhìn riêng, đậm chất nữ tính. Nếu hiểu theo nghĩa tương đối, góc nhìn này ít nhiều đã tạo nên những dấu ấn độc đáo, khẳng định tài năng điêu khắc của bà trong mảng sáng tác về con người. Ở mảng này, quan điểm thẩm mỹ của bà tập trung cao độ cho sự hài hòa, gợi cảm từ thân thể con người, tạo thành cảm thức tươi mát và tinh tế, được thể hiện bằng các hình thể đơn giản hóa đến mức cao độ và mang tinh thần trừu tượng. Khi cần, những khối hình rắn vẫn có đường nét uyển chuyển mềm mại, để mô phỏng các hình tượng thường thấy trong đời sống của giới cần lao, qua những khối đá im lìm.

Điều khiến cho các tác phẩm của Điềm Phùng Thị không xa lạ với tư duy cảm tính phương Đông, đặc biệt "Việt Nam", là sự thể hiện những dạng thức hướng nội. Điều này càng dễ nhận thấy trong số những tác phẩm mang tư tưởng triết lý và chiêm nghiệm tâm linh, đòi hỏi người xem "cảm nhận" nhiều hơn là hiểu. Vì vậy, một số bức tượng sắp xếp theo ngôn ngữ của bảy mô-đun, ban đầu thấy rất khó hiểu, đòi hỏi phải có tư duy nghệ thuật mới đánh giá được. 

Đỉnh cao trong thành tựu tác phẩm của Điềm Phùng Thị là đã thâu tóm vào tác phẩm của mình tinh thần văn hóa Á, Âu một cách nhuần nhuyễn, đơn giản, gạn lọc và khoa học. Giới phê bình mỹ thuật châu Âu đánh giá cao nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở sự thể hiện tâm hồn Á Đông gần gũi là do vậy. 

Làm nghệ thuật là sáng tạo những điều mọi người chưa từng nghĩ đến. Trong lĩnh vực điêu khắc cũng vậy. Khi xem Triển lãm Điềm Phùng Thị tại Hà Nội (năm 1995), nhà thơ Tố Hữu nhận xét: Với 7 ký hiệu (signs), Điềm Phùng Thị là một tạo hoá trong điêu khắc...!

(Còn nữa)

Vũ Hào

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ