Những cơn choáng không thể bỏ qua

Những cơn choáng như ngất xỉu do tụt huyết áp, hạ đường huyết hoặc chóng mặt choáng váng do rối loạn tiền đình là các dấu hiệu nguy hiểm không thể bỏ qua

Những cơn choáng không thể bỏ qua

Bất ngờ bị ngất xỉu do tụt huyết áp, hạ đường huyết hoặc chóng mặt choáng váng do rối loạn tiền đình... bạn sẽ làm gì? Theo TS.BS. Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu Não (BV. Nhân dân 115), rất nhiều nguyên nhân gây ngất, đặc biệt do các bệnh lý về tim mạch hoặc nội thần kinh. Đây là một cấp cứu cần đến BV ngay lập tức.

Những thoáng qua nguy hiểm

Chị Nguyễn Kim Yến (36 tuổi, Nha Trang) vẫn còn nhớ khoảnh khắc chị đột nhiên cảm thấy choáng váng, tối sầm và lên cơn co giật. Điều may mắn là mẹ chị đi chợ về kịp lúc và gọi xe đưa chị đi cấp cứu bệnh viện.

Trước đó, chị Yến bị đau đầu nhưng chỉ uống vài viên thuốc giảm đau. Theo kết quả chẩn đoán hình ảnh MRI, chị Yến bị thuyên tắc tĩnh mạch não. BS. Võ Đôn - khoa Nội Thần kinh (BV. Nhân dân 115) khuyến cáo: “Trường hợp này còn kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ như: uống thuốc ngừa thai.

Vì vậy, những triệu chứng ban đầu mà bệnh nhân cần cảnh giác là choáng váng như cảm thấy xây xẩm,đi lại yếu, loạng choạng hoặc mất thăng bằng. Người bệnh sẽ cảm giác chóng mặt, mọi vật xung quanh hoặc bản thân người bệnh xoay, quay vòng và di chuyển”.

Choáng váng hay chóng mặt có thể lành tính nhưng cũng có thể là những biểu hiện cần phải điều trị, khi cùng với các dấu hiệu sau đây: nhức đầu mới, khác hay dữ dội, mờ mắt, giảm khả năng nghe hoặc điếc, suy giảm khả năng nói, đi bộ gặp khó khăn. Yếu liệt tay chân cũng là một trong những cảnh báo sức khỏe gặp nguy hiểm.

Theo TS.BS. Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (BV. Nhân dân 115), hiện nay nữ giới chiếm khoảng 45% số bệnh nhân đang điều trị tại khoa, trong đó khoảng 10% bệnh nhân từ 45 tuổi trở xuống. Ngất xỉu hay còn gọi là đột quỵ cần một quá trình diễn tiến từ từ.

TS. Thắng cho biết: “Riêng về đột quỵ, bệnh nhân hay có những cơn thoáng thiếu máu não. Bệnh nhân gặp những cơn yếu tay chân thoáng qua, tự nhiên hồi phục nhanh sau 5 - 10 phút, hoặc 1 - 2g.

Họ nghĩ chỉ là do cảm cúm, hoặc trúng gió đơn giản; rồi bỏ qua. Đối với những bệnh nhân này, trong vòng 30 ngày sau đó, 15% sẽ bị liệt thật sự”.

Thấp nguy hiểm không kém cao

Mỗi khi tăng huyết áp, người bệnh có thể thấy nhức đầu, nóng bừng mặt, tim đập mạnh, đo HA cao hơn 140/90mmHg. Ngay lập tức, người bệnh cần đắp khăn chườm nước đá vùng trán mắt tạm thời để hạ HA, hoặc uống thuốc hạ HA, sau đó đến BV để kiểm tra nguyên nhân gây cao HA đột ngột.

Tuy nhiên, đây là một triệu chứng thường được quan tâm nên người bệnh luôn trong tình trạng cảnh giác. Trong khi đó, tụt HA lại hay bị coi nhẹ.

Triệu chứng này thường xảy ra trên người bị thiếu dịch, tiêu chảy, hay bệnh lý tim mạch có dùng thuốc. Biểu hiện ban đầu là mệt lả, tay chân mặt lạnh, cảm giác bủn rủn hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi lạnh, có cảm giác buồn nôn.

Đo HA thấy thấp hơn 90/60mmHg. Khi bị choáng váng do tụt huyết áp, người bệnh nên ngồi ở nơi thoáng mát hoặc nằm trên giường, đầu hơi thấp, nâng cao hai chân. Uống hai ly nước khoảng 480ml hoặc ăn một viên sô-cô-la.

Sau khi xử trí ban đầu, người bệnh cần phải đến bệnh viện. Nếu để tình trạng tụt huyết áp tái đi tái lại nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm, không điều chỉnh kịp để cung cấp đủ oxy và các vi chất dinh dưỡng cho não bộ và các cơ quan khác: tim, thận.

Tụt huyết áp là một trong những dấu hiệu của bệnh lý nặng như: suy tim, trầm cảm, viêm tụy, sử dụng thuốc như an thần liều cao.

Hạ đường huyết, theo TS. Nguyễn Huy Thắng, thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường đang chích insulin; hoặc làm việc quá sức nhịn đói, cơ thể mất nước.

Bệnh nhân toát mồ hôi lạnh, bủn rủn tay chân, cảm giác cồn cào đói bụng; nếu nặng hơn thì lơ mơ, trả lời đáp ứng chậm hay lâm vào cảnh mê man, đôi khi yếu liệt tay chân. Ngay lập tức phải cho bệnh nhân uống nước đường, sữa.

Rối loạn tiền đình sẽ khiến người bệnh bị các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, người chòng chành, đầu đau nhức, mệt mỏi... Khi bị những cơn rối loạn tiền đình cấp tính, người bệnh phải ngồi ở nơi thoáng gió, hạn chế di chuyển vì có thể bị té ngã.

Để sơ cứu các “tai nạn” bất ngờ, trước hết, người nhà phải giúp bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái, tránh bị nghẹn đường thở. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể dùng nước đường hoặc khoáng chất để giảm các triệu chứng buồn nôn.

Nếu bệnh nhân bị mất mạch, phải tiến hành ngay ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp thổi ngạt; phải gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức, để chẩn đoán chính xác và điều trị triệt để.

Vẫn có thể phòng ngừa

Theo TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu - Phó Giám đốc BV. Nguyễn Trãi, khám tổng quát thường niên, với các xét nghiệm đơn giản sẽ giúp bạn an toàn hơn khi có thể dự đoán được những cơn choáng mình có thể gặp phải. BS.

Mạnh Siêu giải thích: “Các chỉ số xét nghiệm đơn giản trong máu có thể giúp bạn phòng ngừa được rất nhiều bệnh, đặc biệt các bệnh mãn tính như đái tháo đường, hoặc các bệnh về não.

Khi kiểm tra chỉ số đường huyết, nếu nồng độ đường huyết thấp <2,2mmol/l thường liên quan đến thiếu oxy não (triệu chứng: lả người, yếu, choáng váng...), tổn thương não không hồi phục hoặc có thể tử vong nếu tình trạng hạ đường huyết bị kéo dài.

Ngoài ra, cholesterol (hay mỡ trong máu) sẽ phản ánh chế độ dinh dưỡng của bạn có lành mạnh hay không, sức khỏe của bạn đang nằm trong ngưỡng báo động.

Những thức ăn hằng ngày như: thịt, xúc xích, patê, lòng đỏ trứng, thức ăn chế biến hoặc chiên xào nhiều dầu mỡ, bánh ngọt... đều có thể sản sinh cholesterol xấu trong máu LDL(Low Densitive Lipoprotein).

LDL cao trong máu có thể biểu hiện khi mạch máu bị tắc nghẽn mạch máu hoặc các bộ phận quan trọng trong cơ thể đang bị tổn thương như: tim (bệnh nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch vành tim) và não (tai biến mạch máu não).

LDL kèm với Triglycerides (một loại chất béo trung tính trong máu) cao sẽ cảnh báo nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim (heart attack) và tai biến mạch máu não (stroke) càng cao”.

Bên cạnh đó, các khoa cấp cứu tiếp nhận nhiều trường hợp khó thở cấp thời nhưng không được xử lý ngay; hoặc bệnh nhân bị trụy tim mạch vì dị ứng thức ăn vì không uống thuốc kịp thời.

Vì vậy, theo các chuyên gia, một tủ thuốc gia đình có thể giúp bạn sơ cứu tại gia trước khi đến bệnh viện, hạn chế các biến chứng nặng hơn.

Những loại thuốc và vật tư nên có như: thuốc hạ sốt - giảm đau như: paracetamol, efferalgan, thuốc chống ho, thuốc chống dị ứng, thuốc trị đau bụng - đầy hơi, tiêu chảy; vật liệu y tế (băng keo y tế, băng cá nhân, băng cuộn, gạc vô trùng, bông gòn, que đè lưỡi, dây garo, thuốc khử trùng, nước muối sinh lý…).

Chế độ ăn hàng ngày giàu vitamin như vitamin và khoáng chất như omega - 3, vitamin nhóm B, C và E… cũng giúp cơ thể bạn đủ sức đề kháng, tăng cường chức năng tuần hoàn não, ngăn ngừa những gốc tự do có thể làm tổn thương tai trong và não. Chế độ ăn hàng ngày càng giảm mặn càng tốt cho hệ tim mạch và thận.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ