“Cô giáo vàng” của Trường THPT chuyên Lam Sơn
“Cô giáo vàng” là cách gọi của rất nhiều thầy cô giáo, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) dành cho cô giáo Mai Châu Phương. Hơn 10 năm tuổi nghề, cô Phương đã có trong tay thành tích giảng dạy khiến nhiều đồng nghiệp phải nể phục. Trong vài năm gần đây, học sinh trong đội tuyển Hóa học do cô trực tiếp bồi dưỡng đã gặt hái nhiều thành công trên đấu trường quốc tế.
Năm 2010, học sinh của cô là Nguyễn Đức Bình Huy đã xuất sắc giành HCB Olympic Hóa học quốc tế tại Nhật Bản. Năm 2017, Nguyễn Khánh Duy xuất sắc giành HCV. Và năm nay, học trò của cô Phương là Nguyễn Văn Chí Nguyên lại xuất sắc đạt HCB Olympic Hóa học quốc tế.
Khi được hỏi bí quyết để đào tạo một học sinh giỏi môn Hóa, cô Phương thành thật: Nhiệm vụ của giáo viên là dạy kiến thức cho các em bằng tất cả khả năng của mình. Về phía học trò, môn Hóa là môn đặc biệt tích hợp nhiều môn học khác ở bên trong, đó là môn Toán, môn Lý, môn Sinh; đặc biệt cần nhất đó là môn Toán. Vì thế trong quá trình ôn luyện, việc đầu tiên là phải dạy Toán cho các em.
Trong lớp học, cô Phương luôn phân học sinh làm ba nhóm đối tượng để giảng dạy một cách hiệu quả nhất. Nhóm học bình thường, nhóm thi quốc gia và nhóm thi quốc tế. Những kiến thức cần dạy chung thì truyền thụ trước lớp, từng nhóm đối tượng sẽ có bài tập riêng. Ngoài ra, những học sinh tiềm năng sẽ được cô bồi dưỡng riêng ở nhà mà không cần đóng học phí.
Kinh nghiệm của cô là khuyến khích tất cả học sinh trong đội tuyển của mình tham gia tất cả những kỳ thi lớn, nhỏ được tổ chức. Đặc biệt với những học sinh như Huy, Duy và Nguyên, luôn cần tạo áp lực và đặt mục tiêu cho các em. Sau mỗi kỳ thi, cô trò phải ngồi lại thật nghiêm túc để xem mình đã đạt được gì, chưa đạt được gì, thất bại từ đâu, vì sao lại thất bại?
Luôn để học sinh giải thích trước, cô sẵn sàng ngồi lắng nghe, tôn trọng ý kiến các em và tuyệt đối không bao giờ áp đặt. Và bao giờ cũng thế, cả cô và trò đều rút kinh nghiệm ngay lập tức để thời gian tới không thể mắc lại sai lầm.
Riêng đối với môn Hóa học, ai cũng biết điểm hạn chế lớn nhất của học sinh Việt Nam là các bài thi thực hành. Do vậy, không chờ đến khi các em đi thi quốc gia hay quốc tế mới rèn tính cẩn thận trong việc làm bài thực hành mà cần đào tạo ngay từ khi bắt đầu những bài thực hành cơ bản.
Khi học lý thuyết cần nghiêm túc một thì học thực hành cần nghiêm túc mười. Học sinh cần được rèn giũa tính cẩn thận ngay từ ban đầu, không được phép đổ vỡ, không được phép nhầm lẫn và làm một cách nghiêm túc các thí nghiệm để có kết quả độc lập.
Sự tận tâm trong công việc và tình yêu thương với học trò đã giúp cô Phương trong hơn 10 năm đứng trên bục giảng đạt được những thành tích rất ấn tượng. Khi được hỏi về biệt danh “cô giáo vàng” mà các thầy cô trong Trường THPT chuyên Lam Sơn thường gọi, cô Phương bộc bạch: “Tôi chỉ là một cô giáo có học trò vàng, thế thôi”.
Hạnh phúc khi học trò đứng trên bục vinh quang
Cô Mai Châu Phương và học sinh Nguyễn Văn Chí Nguyên (Ảnh nguồn Internet) |
Tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, từ năm 2002 đến nay, cô giáo Lê Thị Lan đã trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.
Năm 2018, cô Lan đã đóng góp công lớn vào thành tích Huy chương Đồng Olympic Hóa học quốc tế mà học trò Phan Nhật Duật đạt được vào tháng 8 tại Cộng hòa Séc. Kết quả so với kỳ vọng, có thể chưa thực sự làm hài lòng cô trò nhưng nhìn lại chặng đường mà cả hai cô trò đã trải qua mới thực sự là “kỳ tích”.
Ít ai biết rằng, Phan Nhật Duật không phải là học sinh xuất sắc nhất của lớp chuyên Hóa Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và suốt những năm THCS em chưa từng có một danh hiệu học sinh giỏi nào. Từ một học sinh bị loại khỏi đội tuyển quốc gia năm lớp 11, Duật đã nỗ lực vươn lên đạt giải Nhất môn Hóa học ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 và sau đó là tấm HCĐ Olympic Hóa học quốc tế.
Kể về quá trình bồi dưỡng Duật, cô Lan cho biết: Duật là học sinh thông minh, nhanh nhẹn nhưng khi làm bài lại rất ẩu và thường bị trừ điểm vì những lỗi trình bày. Do đó, để có được thành tích cao hơn, em phải khắc phục được nhược điểm này. Trong thời gian học bồi dưỡng, dù bài của em có kết quả đúng nhưng tôi không cho điểm cao để nhắc nhở em phải trình bày cẩn thận hơn.
Nhờ sự kiên trì của cô và trò, Duật đã dần khắc phục được nhược điểm, làm bài đã cẩn thận hơn và đã đạt được những kết quả tốt. Duật là thí sinh có điểm thi lý thuyết cao thứ hai đội tuyển Olympic Hóa học của Việt Nam. Tuy nhiên, ở phần thi thực hành, do chưa có kinh nghiệm nên sau khi hoàn thành phần thi của mình, Duật cảm thấy chưa ưng ý nên xin thêm hóa chất để làm lại.
“Tổng điểm của Duật nằm ở nhóm có cơ hội giành Huy chương Bạc nhưng do xin thêm hóa chất để làm lại nên em bị trừ 20 điểm, chỉ giành được Huy chương Đồng. Duật cũng là thí sinh có điểm số thuộc vào top đầu trong nhóm thí sinh giành Huy chương Đồng. Chúng tôi khá tiếc cho em bởi nếu em có kinh nghiệm nhiều hơn thì thành tích sẽ cao hơn", cô Lan tiếc nuối.
Ở cô Lan, mọi người cũng cảm nhận được sự bền bỉ, ngay thẳng, dám làm, dám thử thách, đúng chất của một giáo viên Khoa học Tự nhiên. Hạnh phúc khi nhìn học trò của mình được đứng trên bục vinh quang, nhận giải thưởng, cô chỉ biết khóc mà không biết nói thêm một điều gì. Những cảm xúc chân thật đó cũng là điều mà cô giáo Lan cảm nhận rõ ràng nhất sau gần 20 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng và những thế hệ học trò.