(GD&TĐ) - Đề án nâng cao chất lượng công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật (PB GDPL) trong nhà trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1928 QĐ-TTg ngày 20/11/2009, thường được nhắc đến với tên gọi Đề án 1928.
Thứ trưởng Trần Quang Quý trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong cuộc thi viết “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” do Ban Điều hành Đề án 1928 phát động năm 2011 |
Tại điểm b Khoản 7 Điều 1 của Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì thành lập Ban Điều hành Đề án nâng cao chất lượng công tác PB GDPL trong nhà trường. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, sau 3 năm triển khai Đề án 1928, các cơ quan liên quan đã nỗ lực thực hiện các nội dung của Đề án 1928 với nhiều kết quả cụ thể; trong đó đáng kể nhất là hiệu quả đổi mới, nâng cao chất lượng GDPL trong chương trình chính khóa và chương trình ngoại khóa tại các nhà trường; với sự chuyển động tích cực từ đội ngũ nhà giáo cho tới học sinh, sinh viên trong việc hưởng ứng triển khai thực hiện Đề án.
Kể từ khi Đề án 1928 được triển khai xuống các địa phương và các cơ sở giáo dục, phương pháp giảng dạy các môn học pháp luật, giáo dục công dân trong chương trình chính khóa đã được quan tâm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các môn học này. Giáo viên GDCD và giảng viên pháp luật đã có rất nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương pháp dạy học các kiến thức pháp luật trong chương trình chính khóa. Một số kỹ thuật dạy học mới như tổ chức thảo luận nhóm, bình luận các sự kiện; nêu và giải quyết vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn cuộc sống gắn với chủ đề bài học; tổ chức cho học sinh sắm vai; tổ chức dạy học ở thực địa, ở viện bảo tàng, công trình văn hóa; tham dự phiên tòa… đã được triển khai.
Việc lựa chọn các nội dung GDPL để thực hiện phần tự chọn trong chương trình GD gắn với các sự kiện thời sự chính trị - kinh tế - xã hội và đặc thù riêng của địa phương đã được triển khai thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng giáo án điện tử trong quá trình dạy học và lựa chọn đa dạng nguồn tư liệu phục vụ việc dạy và học các kiến thức pháp luật bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao tính sinh động của bài giảng, tạo sự hứng thú và thúc đẩy tính tích cực, chủ động của người học trong việc tự học, tự nghiên cứu về các chủ đề bài học.
Để thu hút sự quan tâm của toàn ngành đối với công tác PB GDPL trong nhà trường, đồng thời hướng công tác đi vào thực tế hoạt động chuyên môn, từ tháng 6/2010, thường trực Ban Điều hành Đề án 1928 đã phát động cuộc thi viết “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật”. Kéo dài từ tháng 6/2010 đến hết tháng 9/2011, cuộc thi đã nhận được 33.250 tác phẩm dự thi của giáo viên, học sinh các cấp học ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Tháng 12/2011, Ban Tổ chức đã tuyển chọn được 14 tác phẩm để trao giải trong Lễ tổng kết cuộc thi được tổ chức tại Hà Nội.
Có thể nói, sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh, giáo viên trong việc tham gia cuộc thi viết “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” thông qua số lượng bài dự thi rất lớn nhận được đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về công tác GD đạo đức, GDPL trong nhà trường. Kết thúc cuộc thi, Nhà xuất bản GD Việt Nam đã tổ chức lựa chọn và biên tập các bài dự thi có chất lượng để xuất bản, tạo nguồn tài liệu phong phú để giáo viên và học sinh tham khảo góp phần dạy tốt và học tốt môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn GDCD ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, Ban Điều hành Đề án 1928 cũng thường xuyên chỉ đạo các sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp triển khai công tác PB GDPL ngoại khóa cho cả nhà giáo và người học bằng nhiều hình thức; đồng thời lồng ghép các nội dung PB GDPL trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của ngành như “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Các nhà trường đã chủ động phối hợp với cơ quan tư pháp, tòa án, công an để tổ chức ngày pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm pháp luật; vẽ tranh cổ động; tổ chức ký các cam kết để quản lý người học...
Các hoạt động này, cùng với những công tác khác được triển khai thường xuyên trong việc thực hiện Đề án 1928 trong suốt 3 năm qua, đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; nâng cao ý thức pháp luật của nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở GD và người học theo đúng mục tiêu của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; góp phần vào việc ổn định môi trường GD, nâng cao chất lượng GD toàn diện cho toàn ngành cũng như tạo tiền đề cho các hướng triển khai tiếp theo trong việc tiếp tục thực hiện Đề án quan trọng này.
Thực hiện Quyết định số 1928 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác PBGD PL trong nhà trường; Ban Điều hành Đề án 1928 đã được thành lập ngày 5/4/2010 theo Quyết định số 1274/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm phó ban. Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực của Ban Điều hành Đề án 1928. Ngay sau khi được thành lập, Ban Điều hành Đề án 1928 đã ban hành Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2010 -2012, hướng dẫn các Bộ, ngành; địa phương; các sở giáo dục và đào tạo; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp triển khai các hoạt động trọng tâm theo từng năm. Thứ trưởng Trần Quang Quý trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong cuộc thi viết “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” do Ban Điều hành Đề án 1928 phát động năm 2011 |
TS. Lê Thị Kim Dung
(Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT)