(GD&TD)-Sau 3 tháng Chính phủ ban hành Công điện 162/CĐ-TTg, công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các địa phương đã có những chuyển biến tích cực.
Lễ hội đền Hùng thu hút rất đông du khách nhưng không khí lễ hội vẫn trật tự, linh thiêng (ảnh MH) |
Sau 3 tháng tổ chức thực hiện Công điện 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức và quản lý Iễ hội đã có nhiều chuyển biến cụ thể: Các cấp ủy, chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể… đã từng bước nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của công điện; Việc mời khách tham dự lễ hội tại các địa phương đã giảm đáng kể, nhất là dối với các lễ hội lớn như: Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Trần (Nam Định), Phủ Dày (Nam Định), Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Hương (Hà Nội)… các lễ hội đa số đã làm tốt các công tác an ninh trật tự, hạn chế hiện tượng người ăn xin chèo kéo du khách, đánh bạc, đốt vàng mã, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông…
Đối với các lễ hội lớn tiêu biểu phía Nam như: Lễ hội Quán Thế âm - Đà Nẵng, Núi Bà Đen - Tây Ninh… UBND cấp tỉnh đã chỉ đạo ban quản lý di tích, lễ hội xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ, tạo thuận lợi cho nhân dân tham dự lễ hội.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần tích cực cùng ngành VH-TT-DL phê phán những tiêu cực trong lễ hội. Không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Công điện cũng còn gặp phải một số hạn chế cần giải quyết: Một số lễ hội diễn ra trong thời gian ngắn như lễ hội Đền Trần, lễ hội Lim... nên việc người đi lễ đổ về dẫn đến chen chúc, xô đẩy. Các Ban Tổ chức lễ hội đã có phương án giải tỏa ách tắc giao thông, phương án cấp cứu khá tốt nhưng vẫn không tránh khỏi hội chứng đám đông. Lễ hội Đền Trần - Nam Định tổ chức 75 điểm phát ấn, được nhiều báo phản ảnh, phê phán, đặc biệt là việc đưa lên mạng internet, báo chí cảnh chen lấn, xô đẩy để lấy ấn Đền Trần, là hình ảnh không đẹp trong lễ hội.
Một số hạn chế khác vẫn còn tồn tại và cần giải quyết như làm mất vệ sinh môi trường, đốt vàng mã (hội Bà Chúa Kho), hiện tượng bói toán, lên đồng, cờ bạc, thương mại hóa hoạt động dịch vụ tại lễ hội.. vẫn còn tồn tại và chưa giải quyết triệt để.
Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra mặc dù được đẩy mạnh nhưng xử lý vi phạm còn chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nên hiệu quả còn tương đối hạn chế. Ngoài ra thì ý thức của người dân khi tham gia lễ hội nhìn chung còn thấp và cần được tuyên truyền vận động để mang lại những hiệu quả tích cực hơn.
Để tiếp tục triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả, tháng 5-2011, Bộ VH-TT-DL đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM) sơ kết việc thực hiện Công điện của Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thông qua hội nghị, Bộ VH-TT-DL chỉ đạo các đơn vị và các Sở VH-TT-DL thực hiện một số nhiệm vụ như:
Để hoạt động lễ hội ngày càng được sự quan tâm và tự giác tham gia của nhân dân, góp phần phát huy giá trị, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, việc tổ chức lễ hội phải đúng quy định, vừa bảo tồn giá trị nguyên gốc, phát huy giá trị truyền thông của văn hóa Việt Nam, phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hoạt động lễ hội phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm tức chặt chẽ, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể; tổ chức lễ hội theo hướng tiến bộ, văn minh, khoa học và tiết kiệm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần tích cực bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.
Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ VH-TT-DL xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý sử dụng tiền công đức đồng thời kêu gọi các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tuyên truyền đối với những lễ hội lớn mang tính sự kiện có ý nghĩa, tránh thương mại hóa trong công tác tuyên truyền làm giảm ý nghĩa của lễ hội, gây phản cảm cho nhân dân.
Bình Nguyên (Nguồn: Bộ VH-TT&DL)