(GD&TĐ)-Thời gian qua, giáo dục, đào tạo, dạy nghề ở Tây Nguyên đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng và hội nhập với sự phát triển chung của cả nước.
Các em HS dân tộc bậc THCS ở Dăk Nông |
Bước chuyển biến mạnh mẽ
Trong 5 năm (2006-2010), sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Tây Nguyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông phát triển rộng khắp các địa bàn dân cư; điểm trường, lớp học được xây dựng nhiều ở các thôn buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ bản thực hiện kiên cố hóa trường lớp và từng bước chuẩn cơ sở vật chất trường học; số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư, tăng nhanh (tăng bình quân 32%/năm).
Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo tăng lên từng năm (7,3%/năm); quy mô học sinh phổ thông đi vào thế ổn định, đã và đang tạo chuyển biến về nâng cao chất lượng giáo dục; tất cả các tỉnh trong vùng đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục THCS. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng, ngày một hoàn thiện đáp ứng yêu cầu nuôi, dạy và từng bước mở rộng quy mô đối với học sinh dân tộc thiểu số.
Đến năm 2010 toàn vùng có 1.124 trường mầm non (tăng 31%); 1.503 trường tiểu học (tăng 17%); 1.023 trường THCS (tăng 15% ) và 234 trường THPT (tăng 39%) so với năm 2005. Tỷ lệ HS tốt nghiệp cũng có bước chuyển biến rõ rệt. Các tỉnh Tây Nguyên tỷ lệ tốt nghiệp năm 2007 đạt 59.9% tăng dần đến 2010 đạt 83.8%; các tỉnh giáp Tây Nguyên có tỷ lệ tương ứng từ 63.0% năm 2007, đến năm 2010 đạt 94.1%.
Cũng tính đến 2010, Tây Nguyên có 26 cơ sở đào tạo trình độ TCCN, trong đó có 17 trường TCCN, 07 trường cao đẳng và 02 trường đại học. Toàn vùng có 2 trường cao đẳng nghề (tại tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng), 13 trường trung cấp nghề, 49 trung tâm dạy nghề (20 TTDN cấp huyện) và 49 cơ sở khác có tham gia dạy nghề; 3 trường đại học (01 trường tư thục), 02 phân hiệu đại học, 9 trường cao đẳng (tăng 02 trường CĐ so với 2005) và 01 trung tâm Giáo dục quốc phòng-an ninh, giảng dạy hệ tập trung cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong vùng (riêng tỉnh Đăk Nông vẫn chưa có trường cao đẳng).
Hệ thống các trường PTDTNT vùng Tây Nguyên đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh và đang từng bước được củng cố, mở rộng với 54 trường, trong đó có 5 trường PTDTNT tỉnh, 49 trường PTDTNT huyện; 06 tỉnh giáp Tây Nguyên có 06 trường PTDTNT tỉnh và 25 trường PTDTNT huyện.
Từ chỗ thiếu giáo viên gay gắt ở một số địa bàn, trong 5 năm qua các tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực để phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên. Tính đến năm 2010, toàn vùng có 14.246 giáo viên mầm non, tăng 27,4% so với năm 2005, trong đó số đạt chuẩn đào tạo trở lên là 93,9%. Tiểu học có 34.930 giáo viên, tăng 6,1% so với năm 2005; trong đó có 99,13% giáo viên đạt và vượt chuẩn. THCS có 28.172 người, tăng 19,5% so với năm 2005, trong đó số đạt và vượt chuẩn là 99,1%; THPT có 12.716 giáo viên, tăng 56% so với năm 2005, trong đó số đạt và vượt chuẩn đào tạo là 98,5%.
Đối với các trường TCCN: Đến năm 2010 toàn vùng có 757 giáo viên, trong đó có 86 thạc sỹ (11%), 506 cử nhân (68%), số giáo viên có trình độ dưới chuẩn là 134 (18%). Giảng viên các trường đại học cao đẳng trong toàn vùng có 1.398 người, trong đó có 13 phó giáo sư và 66 tiến sỹ (5,8%), 657 thạc sỹ (47%) và 799 cử nhân (57,2%).
Đội ngũ giáo viên dạy nghề của các tỉnh trong vùng đã có sự phát triển nhanh về số lượng. Năm 2010, các tỉnh Tây Nguyên có 1.676 giáo viên trong các trường, trung tâm dạy nghề, trong đó 77,2% là giáo viên cơ hữu. Chất lượng giáo viên dạy nghề từng bước nâng cao, có 82,9% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì một số chỉ số chính của giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Tây Nguyên vẫn thấp so với bình quân chung cả nước; hạn chế về chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đang là thách thức lớn đối với các tỉnh trong vùng. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng Tây Nguyên.
Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên được đầu tư xây dựng kkhang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. |
Mục tiêu đến năm 2015: Tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô
Mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề đến năm 2015 của Tây Nguyên sẽ tập trung nâng cao chất lượng của giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tiếp tục mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, tăng cường GDQP-AN cho học sinh, sinh viên.
Toàn vùng sẽ triển khai thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, đảm bảo trẻ mầm non 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường học, tăng cường đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học, mở rộng quy mô học sinh dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện đầu tư CSVC; củng cố hệ thống trường, lớp bán trú cho học sinh vùng khó khăn; nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc, trong đó có những giải pháp để tăng tỷ lệ học sinh dân tộc học THPT. Củng cố và mở rộng các cơ sở giáo dục thường xuyên; tiếp tục tăng quy mô, nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Đồng thời, thực hiện xã hội hóa giáo dục, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trên cơ sở thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ và tự trịu trách nhiệm của cơ sở, tạo điều kiện phát huy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Đến năm 2015, giáo dục mầm non toàn vùng đặt mục tiêu huy động ít nhất 12% trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ; số trẻ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ từ 80-85%; thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, huy động trẻ em 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt tỷ lệ 95% trở lên, trong đó phấn đấu 65 – 70% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.
Giáo dục phổ thông, tiếp tục củng cố mạng lưới trường, lớp phù hợp với từng địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường; đến năm 2015 đạt 99% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; toàn vùng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào trung học phổ thông lên 55%, trong đó đặc biệt chú trọng tăng tỷ lệ huy động học sinh người dân tộc trong độ tuổi đến trường.
Phấn đấu 100% huyện, thị xã có trung tâm giáo dục thường xuyên; 90% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Nâng cao kết quả xóa mù chữ, phấn đấu tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 96%; huy động 95% số người trong độ tuổi ra học các lớp bổ túc văn hóa THCS và THPT; phát triển chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học về cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao công nghệ.
Bảo đảm đủ trường, lớp và đội ngũ giáo viên cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là giáo viên dạy tiếng dân tộc. Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT, bán trú; tăng quy mô tuyển sinh vào các trường nội trú và trường dự bị đại học; tăng chỉ tiêu và mở rộng vùng tuyển học sinh đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ; củng cố các trường lớp dành cho trẻ khuyết tật.
Phát triển mạng lưới các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trong đó mỗi tỉnh Tây Nguyên có ít nhất 01 trường cao đẳng nghề, mỗi huyện có 1 trung tâm dạy nghề hoặc 1 trường trung cấp nghề; quy mô tuyển sinh đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tăng bình quân 10%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt tối thiểu 35% vào năm 2015.
Hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Đến năm 2015 đạt tỷ lệ 150 sinh viên/1 vạn dân, tỷ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số đạt 20%; phát triển đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng và đại học đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và nâng cao chất lượng để thực hiện nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục đại học.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Tây Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hoàn thiện mạng lưới trường học, đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học ở tất cả các cấp học đáp ứng yêu cầu huy động học sinh trong độ tuổi và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục ; đổi mới phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá; đồng thời, thực hiện và bổ sung, điều chỉnh các chính sách trọng tâm, đặc thù.
Hiếu Nguyễn