(GD&TĐ) - Nhận lời mời đến dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế châu Âu - Việt Nam lần thứ 5, tôi chỉ nghĩ đó là một buổi chiếu phim khoa học và tài liệu bình thường. Vậy nhưng thật bất ngờ với những kết nối cảm động chỉ trong một suất chiếu!
Lần đầu tiên bản đồ tư duy được đưa lên phim tài liệu Việt Nam |
Phòng VIP của hãng phim trên phố Hoàng Hoa Thám hôm đó đầy ắp người ngay khi mới mở cửa chưa đầy 10 phút. Rất nhiều người phải đứng. Quá bất ngờ rằng rất đông người muốn xem phim tài liệu. Lạ thật!
Hôm nay chiếu 2 phim: Một của Việt Nam và một của Thụy Sỹ. Và cũng được biết có đến chục nước châu Âu và Việt Nam ta có phim tham dự liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 5 này.
Bộ phim “Bản đồ tư duy, một hành trình kết nối” của Đạo diễn Nguyễn Thước, tác giả kịch bản Phạm Hoài Thương (Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) - có nội dung về một công trình khoa học giáo dục Việt Nam - lần đầu tiên được chọn chiếu tại Liên hoan phim quốc tế tầm cỡ như thế.
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao khung cảnh hôm nay đông, vui, có nhiều khách VIP và cả tiệc nữa. Việt Nam có phim hay và giá trị trình chiếu (mà lại là một phim về giáo dục, chủ đề đang rất nóng, rất cần ở ta). Đấy là tôi nghĩ thế, không biết có đúng hay không.
Ngồi bên kế tôi là đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á ADB. Cạnh nữa là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tiếp theo là rất nhiều vị khách cao cấp và nổi tiếng. Phải nói thật rằng lý do tôi quyết định viết những dòng chữ này là bài phát biểu của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam, Ngài Andrej Motyl.
Ngài phát biểu ngay sau khi xem xong bộ phim Việt Nam: “Tôi rất vui mừng và đánh giá cao khi xem xong bộ phim tài liệu khoa học “Bản đồ tư duy, một hành trình kết nối” của các nhà làm phim Việt Nam nói về một trong những đổi mới giáo dục gần đây của đất nước các bạn”.
Để thấy ngài Đại sứ đã theo dõi rất say mê, và ông cũng biết đây là một trong những đổi mới của ngành giáo dục Việt Nam. Thầm cảm ơn người bạn quốc tế và chợt nghĩ: Nếu các lãnh đạo ngành giáo dục biết được điều chia sẻ này chắc sẽ vui lắm.
Ngài Đại sứ chân thành chia sẻ: “Như các bạn cũng đã biết, đất nước Thụy Sỹ của chúng tôi vốn không có nhiều nguồn lực tự nhiên lắm. Nguồn lực duy nhất mà chúng tôi có được đều nằm trong bộ óc của mỗi con người Thụy Sỹ. Cách đây 200 năm, Thụy Sỹ đã từng phải xuất khẩu những con người của mình để có nguồn lực xây dựng đất nước.”
Một bài học rất đáng giá! Tôi nhất định phải truyền lại kinh nghiệm này cho các doanh nhân, bạn bè và học trò bí quyết xuất khẩu tri thức, bí quyết sử dụng bộ não con người!
Ngài Andrej Motyl cho biết: “Cách đây khoảng 100 năm Thụy Sỹ vẫn còn rất nghèo. Nhờ phát triển trí tuệ con người mà có được một nước Thụy Sỹ giàu mạnh như ngày hôm nay. Tôi cho rằng giáo dục ở mỗi quốc gia đều là điểm nhấn rất quan trọng để phát triển của đất nước.
Hôm nay, tôi rất hạnh phúc khi xem bộ phim “Bản đồ tư duy, một hành trình kết nối” của các bạn. Các nhà làm phim điện ảnh tại Liên hoan phim Quốc tế đã rất quan tâm đến đề tài giáo dục. Bản thân tôi rất nóng lòng mong muốn sắp tới sẽ được chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của nền giáo dục và kinh tế Việt Nam”.
Tôi xúc động khi ngài Đại sứ một quốc gia châu Âu xa xôi bày tỏ mong muốn được nhìn thấy những thay đổi tích cực của Việt Nam. Và tôi chợt nghĩ: Cá nhân mình và mỗi người quanh tôi có thể làm gì cho giáo dục nước nhà. Không chỉ là giáo dục chính thống trên ghế nhà trường, mà còn cả các hình thức tự học, học từ xa, học online,…
Thật tuyệt vời những kết nối từ một tác phẩm điện ảnh: Kết nối giữa những khán giả; kết nối giữa các quốc gia; kết nối giữa một bộ phim giáo dục và Liên hoan phim tài liệu; kết nối giữa giáo dục với các ngành nghề; giữa quá khứ và tương lai...
Và hơn cả, đó là sự kết nối giữa những người luôn trăn trở về giáo dục nước nhà.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Ủy viên BCH TW Hội Xuất bản Việt Nam
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty sách Thái Hà