Những chiếc xe kì diệu

GD&TĐ - Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ với những con đường hẹp, quanh co, gồ ghề đất đá, bao bọc từng căn nhà ngói cũ và cả mấy ngôi nhà tầng lụp xụp có màu sơn loang lổ vết rêu xanh.

Những chiếc xe kì diệu

Trên mảnh đất thô kệch và hoang sơ ấy, tôi trưởng thành, ngây ngô, khờ khạo và đơn giản như chính hơi thở thôn quê.

Tôi đã từng tự hào khi thấy mình được khoác cặp đi trên con đường đường đất dẫn từ nhà tới ngôi trường tiểu học rợp bóng phượng hồng. Rồi thỉnh thoảng, bố đi hàng sáo về qua trường, tôi lại được ngồi trên gác-ba-ga chiếc xe thồ có những cái bao đựng thóc gấp làm sáu, xếp trồng lên nhau, dày cộp.

Tôi đã từng sung sướng biết bao khi được bố mua cho chiếc xe đạp Nhật màu xanh lục. Tôi đã ôm lấy nó và ngạo mạn nhìn đứa em trai đang ghen tị mà nũng nịu bố trên bậc cửa. Bốn năm cấp hai qua đi, chiếc xe đạp ấy đưa tôi vào ngôi trường trung học giữa lòng phố huyện.

Bước chân vào cấp ba, tôi sống phức tạp hơn, biết xấu hổ, biết giận hờn, biết đến facebook, biết đến K – Pop và quên mất cái quá khứ bình dị hôm nào. Thấy chúng bạn đều đi xe đạp điện, tôi tủi thân khi một mình lóc cóc chiếc xe đạp trên cả chặng đường dài. Và bố cũng mua cho tôi một chiếc. Một chiếc xe màu xanh nước biển, giá hơn bốn triệu đồng. Thân xe dài hơn bình thường, phía sau lại chẳng hề có biển tên. Khi bạn bè hỏi xe gì thế tôi chỉ tảng lờ, không dám nói. Nhưng dần dần, không còn ai hỏi nữa, tôi cũng tự an ủi mình, rằng không phải ai cũng có tiền mua một con xe xịn.

Một ngày của tháng 9 năm 2011, em trai tôi thi đậu cấp ba. Vì lịch học khác nhau nên chúng tôi không thể đi chung chiếc xe đạp điện màu xanh nước biển. Vậy là bố tìm đến địa chỉ cũ, những kiểu xe của tôi đã ngừng sản xuất mất rồi. Thứ bố mang về là một chiếc xe màu trắng, có hộp pin nhỏ gọn đặt dưới gác-ba-ga, bánh sau xe có tới bảy tầng xích để thay đổi tốc độ.

Nhìn nó, tôi nhớ đến mấy cái xe của thuở sơ khai. Nhưng mọi chuyện tưởng chừng sẽ chỉ có thế nếu hộp pin ba sáu vôn kia không hết điện quá nhanh.

Ngày đầu tiên em tôi đi nó tới trường. Nó đi trước, tôi đi sau mươi phút. Đi được nửa đoạn đường, tôi thấy em mình đang chậm chạp phía sau một tốp xe đạp.

- Chị ơi, cứu với. Xe em còn đúng một vạch đỏ. – Thấy tôi nó sung sướng nói.

- Sao hết điện nhanh thế? Bám vào, chị kéo.

- Thôi bây giờ vẫn đi được, trưa về đợi, kéo em với.

Tôi ừ rồi đi nhanh lên phía trước. Không rõ có phải nó ngần ngại với những đứa bạn phía trên không?

Trưa, một buổi trưa tháng 9, con đường quốc lộ vẫn vương đầy những nắng. Tôi không thấy em mình trong nhà xe lớp 10, có lẽ nó đã ra ngoài rồi. Tôi đưa mắt tìm nó dọc đường về nhưng mãi vẫn không thấy cái thân hình bồ tượng của nó.

Đi được một đoạn khá xa tôi thấy bất an. Xe nó hết điện không thể nào đi nhanh như thế, biết đâu, nó vẫn đứng đợi tôi ở đâu đó trước cổng trường? Nhưng tôi đã nhìn thấy ở phía trước một chiếc xe màu trắng có người đội mũ bảo hiểm đang gò lưng đạp thật nhanh. Phải, em tôi đấy. Thấy tôi nó cười, nước da nó trông đen hơn trong nắng.

- Tụi bạn đâu? Sao không bảo chúng nó kéo mà lại đạp về?

- Em bảo chúng nó đi trước. Xe mới mua mà đã hết điện, nói với chúng nó ngại lắm. Em phải đạp xe từ trường đấy.

Nó bám tay vào vai tôi và thả chân trên bàn đạp, con xe của tôi thong thả kéo hai đứa cùng đi. Chiếc xe của nó với những tầng xích cổ điển cứ kêu xình xịch như tiếng tàu rít trên đường ray chỉ khác là nhỏ hơn một chút. Chúng tôi về đến nhà, thấy bố đang đứng ở cổng. Nhìn em tôi, ông tươi cười hỏi:

- Xe đi có được không con?

- Xe này không đủ điện đi đến trường đâu bố ạ. Lúc về, chị Huế phải kéo con đấy.

Tôi thấy nụ cười trên đôi môi khô của bố tắt ngúm, vầng trán cao từ từ co lại, những nếp nhăn chen nhau tìm chỗ đứng. Bố xem pin, rồi mang xe vào nạp và nói gì đó với mẹ, tôi không rõ. Chiều đến, bố mang pin đi đổi và mang về một hộp khác.

- Bố ơi, nhỡ pin này cũng giống pin trước thì sao? – Em tôi hỏi.

- Cứ đi thử đi con ạ. Pin ở đấy cũng chỉ được bấy nhiêu đây thôi, nếu nó không tốt thì cũng đi tạm vậy. Xe mua gần năm triệu bạc bỏ đi làm sao được. Bố không mua pin mới được đâu, hai chị em đã chục triệu tiền xe rồi còn gì.

Tôi thấy bố thở dài, vầng trán cao vẫn co lại, đầy những nếp nhăn.

Sáng hôm sau, mọi thứ vẫn như hôm trước. Rồi bố lại mang pin đi đổi, và hôm sau em tôi lại phải đạp xe về. Và nó chán, nó bỏ xe điện ở nhà và mang chiếc xe màu xanh lục của tôi ngày trước đến trường. Tôi thương nó và thương bố thật nhiều.

Thấy nó đạp xe, bố tôi không mang pin đi đổi nữa, ông tính mua ba bình ắc quy về thay thế. Cả buổi chiều hôm ấy, ông hì hụi bên chiếc xe, tháo lắp. Học thêm tối về, tôi tá hỏa khi thấy chiếc xe bố tự chế. Mọi bộ phận trên xe đều như cũ, chỉ khác là hộp pin nhỏ gọn phía sau được thay bằng chiếc hộp to sụ đựng bình ắc quy.

Cái hộp ấy được bố bọc lót cẩn thận và khá đẹp nhưng khi lắp vào chiếc xe mảnh khảnh trông nó chẳng khác gì một thùng hàng cồng kềnh, một sự mất cân đối khó mà chấp nhận được. Nhưng tôi thấy em mình chẳng hề chê bai một lời, nó nhìn chiếc xe một lượt rồi lặng lẽ vào nhà.

Sáng ấy, hai chị em cùng đến trường. Chiếc xe của em tôi đi nhanh hơn và không còn kêu to như trước. Tôi đi phía sau, nhìn cái thân hình to lớn của nó cưỡi trên chiếc xe bé nhỏ có hộp bình đồ sộ đến tức cười.

- Em mày kia à, Huế?

Một đứa bạn cùng lớp tôi từ đâu tiến đến, nó chỉ vào em tôi mà hỏi. Thấy tôi gật đầu, nó cười ha hả khiến tôi ngượng chín cả mặt vì mấy đứa đi xe đạp bên trên quay xuống nhìn. Tôi chẳng biết phải nói gì. Có lẽ em tôi cũng nghe thấy tiếng cười của lũ đi xe đạp phía sau.

Ngày thứ hai, thứ ba và nhiều ngày sau đó, cứ đứa bạn nào nhìn thấy tôi cũng hỏi mấy câu như “Yên xe em mày bọc cái gì mà trông kinh thế?” hay “Xe em Huế khủng nhỉ?”.

Tôi thấy tụi nó nhìn thằng bé rồi tụi nó cười như cố tình để người ta phải thấy, phải để ý đến. Rồi những buổi tan trường mà hai chị em cùng ra một lúc, tôi luôn cố gắng đi nhanh nhất có thể và rất ngại ngùng nếu bị ai đó bắt gặp hai đứa đi chung. Nhưng vào một buổi trưa giữa tháng 10, trời nắng, cái nắng hè còn rơi rớt lại, tôi nhìn thấy em mình đang đi phía trước. Cái bình xe cồng kềnh màu xám tro của nó đi ngay sau tụi bạn lớp tôi.

Tôi không dám vượt lên mà chỉ đi ở một khoảng cách khá xa. Ba chiếc Yamaha đen tuyền cứ lừ đừ dàn hàng trên đường quốc lộ. Em tôi vượt lên, người nó như nghiêng về một phía để giữ thăng bằng. Bọn kia nhìn nó, rồi chúng cười, chúng đi nhanh hơn khiến em tôi phải tránh ra tận phần đường bên kia.

Chiếc xe đạp tự chế của bố làm sao sánh được với những chiếc xe xịn của người ta. Em tôi tụt xuống phía sau, chúng lại lừ đừ đi như trêu tức. Chẳng rõ vì sao nhưng tôi thấy cổ họng mình đầy lên, rồi tôi khóc.

Được vài tuần, cái xe trắng của em tôi hỏng thật. Bố bảo việc thay bình ắc quy làm cháy mất i-sê. Vậy là nó trở về với chiếc xe đạp Nhật màu xanh lục.

Năm 2013, tôi đậu đại học. chiếc xe đạp điện màu xanh nước biển được để lại cho em. Chiếc xe đã đưa tôi vào cổng trường đại học thì bây giờ, sau khi đã được bố tu sửa lại, nó sẽ tiếp tục ì ạch trên con đường quốc lộ đầy nắng, đưa em tôi tới những gì mà em hằng mơ ước.

Mười hai năm đèn sách, mười hai năm với biết bao kỉ niệm vui buồn, mười hai năm những chiếc xe xù xì và đơn sơ đã trung thành bên tôi, chở tôi qua bao thăng trầm của một thời đi học, đưa tôi đến những thành công và ước vọng. Phải chăng những điều bình dị nhất luôn làm nên những việc lớn lao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ