Những câu chuyện cảm động ven trời Tây Bắc

Những câu chuyện cảm động ven trời Tây Bắc

“Nuốt lệ”, trốn con...

Tỉnh Lai Châu cũ được tách ra thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu hơn 15 năm nay. Ở hai địa phương này vẫn có nhiều điểm tương đồng về địa lý, giao thông, điều kiện kinh tế - xã hội... Ngày trước, đâu đâu cũng thấy đặc quánh đói nghèo, đâu đâu cũng thấy cách trở, gian nan.

Sau khi chia tách và thành lập mới, huyện Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên đã “giành lại” vị trí khó khăn nhất Điện Biên từ huyện Mường Nhé trước đây. Nói về khó khăn, vất vả thì Nậm Pồ chẳng thiếu thứ gì.

Một ngày cuối tháng Chạp năm Kỷ Hợi, tôi có dịp đến Nậm Pồ công tác. Mang trong mình hừng hực khí thế những ngày xuân, nhưng qua bữa cơm chiều đạm bạc với cán bộ huyện tôi như muốn ngày xuân cứ dài mãi ra để những cán bộ ở đây được gần gia đình nhiều hơn, để họ được gần con, gần tổ ấm thêm nữa.

Nhấp ly rượu trên tay, anh Vũ Minh Công, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện trầm ngâm hướng mắt về phía quả đồi phía Đông Nam. Ở đó có quê nhà Nam Định nơi vợ chồng anh “chôn rau, cắt rốn”; có bố mẹ tuổi đã cao đang mong ngóng các con trở về; có cả cô con gái Vũ Ngọc Diệp đầu lòng đang khát khao mong bố mẹ sớm trở về.

Vợ chồng anh Công sinh cháu Ngọc Diệp năm 2011. Hơn 7 năm nay, anh Công và vợ là chị Vũ Thị Phượng “thèm Tết” hơn ai hết. Sinh con ra mới tròn 18 tháng đã phải gửi về Nam Định (cách Mường Nhé, Nậm Pồ chừng 800km) nhờ ông bà ngoại “dung dưỡng” (bao dung và nuôi dưỡng). Để rồi sau đó trở về với tổ ấm thì con không nhận được mặt cha và mẹ, cháu bỏ chạy theo bà, khóc ré lên như chưa hề sợ thế bao giờ.

“Buồn lắm anh ạ! Khi về, cả hai vợ chồng háo hức, cả đêm không ngủ được những mong sớm về đến nhà để được ôm con. Lúc đó phải mất 1 ngày từ Mường Nhé về đến thành phố Điện Biên Phủ đợi xe. Hôm sau, mất thêm một ngày nữa để về đến Nam Định.

Đến nhà, hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi dang tay ra đón con thì cháu sợ, chạy rồi khóc ré lên ôm chặt lấy bà. Cháu nghĩ rằng đó là người xa lạ. Hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau rồi rơi nước mắt vì tủi thân”, anh Công ngậm ngùi chia sẻ.

Lúc bện hơi con thì kỳ nghỉ Tết đã vơi dần. Hai vợ chồng lại phải lên đường để trở về biên giới tiếp tục công việc. Đêm ấy hai vợ chồng chẳng thể ngủ, chỉ thao thức ngắm nhìn đứa con cưng vì chỉ sáng mai thôi ba người họ lại phải xa nhau. Biết rằng sẽ rất xót xa khi nhìn thấy con khóc lúc chia tay.

Và họ biết rằng sẽ chẳng đành lòng bước đi khi con một mực muốn níu giữ bố mẹ ở lại. Họ đã “trốn con”, nuốt lệ, lặng lẽ ôm mặt bước đi từ khi gà còn chưa gáy sáng. “Bọn em phải trốn đấy anh ạ, vì sợ cháu sẽ nhớ nhung. Nghĩ đến cảnh đó ai mà đi được nữa. Vợ em thì cứ khóc suốt cả đêm, chẳng thể ngủ được. Lúc lên xe thì chẳng thể nói gì, cứ thụt thịt khóc suốt cả chặng đường”, anh Công kể tiếp.

7 năm ròng rã, hai vợ chồng xa quê hương, con gái đầu lòng. Ngần ấy thời gian, họ chỉ gặp con vào mỗi dịp hè và Tết Nguyên đán. Những lúc trái nắng, trở trời, con ốm, con đau, hai vợ chồng nghe tin báo lại thấy quặn lòng. Trăm sự lại mong vào ông bà nội ngoại.

Cũng ơn trời vì cháu Ngọc Diệp ngoan ngoãn, học giỏi. Vợ chồng anh Công cũng chỉ mong một ngày thuận lợi để đón con lên ở cùng, để cùng dạy dỗ con gái thành người. Họ cũng chỉ mong một ngày để Ngọc Diệp được chung sống cùng bố mẹ và cậu em thứ hai vừa tròn 2 tuổi tên Vũ Minh Thành.

Hai vợ chồng anh Công cũng chỉ mong để chị bên em và em được chị nâng niu, yêu chiều, để các thành viên gia đình được đoàn tụ nơi cuối trời Tây Bắc này thay vì mỗi ngày phải kiểm tra bài học của con thông qua các ứng dụng Zalo hay Facebook như bây giờ.

Lần gia đình đoàn tụ hiếm hoi của vợ chồng anh Vũ Minh Công trong dịp Tết Nguyên đán
 Lần gia đình đoàn tụ hiếm hoi của vợ chồng anh Vũ Minh Công trong dịp Tết Nguyên đán

“Đức - Lộc” chưa tròn

Nửa tiếng nhâm nhi, Nguyễn Phú Thiết, cán bộ phòng Tài chính Kế hoạch huyện Nậm Pồ cũng chẳng nói gì nhiều. Anh đột nhiên quay sang tôi thủ thỉ: “Nhà em cũng thế. Vợ chồng em sinh đôi. Hai cháu năm nay đã 5 tuổi rồi.

Đi khám, bác sĩ bảo các cháu "tăng động" nên chỉ nghịch và chậm nói. Chữa chạy mãi cũng không được. Bọn em chẳng thiết gì cả, chỉ mong sao các cháu gọi được một câu: “Bố ơi”, “mẹ ơi” thì chúng em có thể bán nhà, đánh đổi cả tỷ đồng để được điều đó thôi thì vợ chồng em, hai họ nhà em cũng sẽ chấp nhận”, anh Nguyễn Phú Thiết rơm rớm nước mắt bộc bạch.

Lấy nhau từ năm 2014, anh Thiết (SN 1987) cùng vợ là chị Chu Thị Trang sớm sinh con một năm sau đó. Những tưởng hạnh phúc là trọn vẹn khi “mẹ tròn con vuông”, chị Trang hạ sinh được cặp song sinh là Nguyễn Phúc Đức và Nguyễn Phúc Lộc.

Thế nhưng ai ngờ bất hạnh đã đến khi hai cháu không may mắc bệnh tự kỷ. Hơn 4 năm trời nuôi con thì có đến hơn 2 năm các cháu biền biệt tại khắp các trung tâm điều trị bệnh dành cho trẻ tự kỷ ở Hà Nội. Giờ thì hai cháu được tách ra hai chốn khác nhau, một ở Hà Nội và một ở Điện Biên để bố, mẹ mỗi người chăm sóc một đứa.

Ở huyện vùng cao, với tổng thu nhập khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng là đủ cho một tổ ấm 4 người sinh hoạt. Thế nhưng, chừng đó chỉ bằng một nửa số tiền mà vợ chồng anh Thiết chi trả cho việc chữa trị bệnh của hai con.

“Tốn kém lắm anh ạ. Mỗi lần đi, về mất bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Rồi cả tiền học phí cho các cháu. Tổng chi mỗi tháng bình quân phải tầm 30 triệu đồng. Chúng em cũng may là có ông bà hai bên đùm bọc, hỗ trợ chứ nếu chỉ trông vào thu nhập của hai vợ chồng thì không thể nuôi nổi con. Thế nhưng lúc nào chúng em cũng chỉ mong sao được nghe giọng con gọi: Bố, mẹ, ông, bà nhưng không được”, anh Thiết kể.

Nhiều lúc chị Chu Thị Trang như thể kiệt sức vì chăm con, nhưng bản năng của người mẹ không cho phép chị dừng bước. Mới tháng trước chị xin nghỉ hết phép để về chăm con. Những ngày phép ngắn ngủi đã qua mau. Mới cách đây vài hôm, chị lại cắn răng nắn nót từng chữ viết vào tờ đơn xin trình lên cấp trên những mong được cơ quan chủ quản cho nghỉ chế độ tự túc (không hưởng lương) để có nhiều thời gian hơn nuôi hy vọng.

“Con mình đẻ ra thì mình phải có trách nhiệm anh ạ. Các bác sĩ bảo rằng tỷ lệ thành công không cao, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng em cũng chẳng dám hy vọng gì nhiều, không dám hy vọng các cháu sẽ được như những đứa trẻ bình thường, chỉ mong các cháu có thêm được một chút kỹ năng sống để có điều kiện hòa nhập cộng đồng, để sau này các cháu đỡ khổ thôi”, anh Thiết buồn rầu.

Một góc tại khu hành chính công tạm của Nậm Pồ
 Một góc tại khu hành chính công tạm của Nậm Pồ

Để biên giới được bình yên

Thành lập mới trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ hai huyện Mường Chà, Mường Nhé, theo Nghị định số 45 của Chính phủ, huyện Nậm Pồ được thành lập với diện tích tự nhiên 149.559,12 ha. Toàn huyện có gần 140 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào. Địa phương này quản lý 42 mốc biên giới.

Dân số toàn huyện có hơn 43 nghìn người thuộc tám dân tộc. Trong số 15 xã toàn huyện có tám xã biên giới; xuất phát điểm thấp, vô vàn khó khăn, nhiều nơi xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, nạn phá rừng, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật... tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định.

Khó khăn là vậy, song với sự đoàn kết, nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện, Nậm Pồ hôm nay đang “thay da đổi thịt” và có bước phát triển kinh tế rõ nét. Toàn thể cán bộ cùng các tầng lớp nhân dân đều phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của huyện.

Hàng năm kinh tế tăng trưởng, phát triển năm sau luôn cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 10 triệu đồng/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 20.000 tấn, bình quân mỗi năm tăng trên 900 tấn.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn khoảng 60% thì đến nay dự ước chỉ còn khoảng 54%. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Theo ông Lường Văn Đôi ở bản Nà Hỳ, xã Nà Hỳ, là một người già làng có uy tín. Chính ông cũng không nghĩ rằng sẽ có con đường ô tô vào tận bản; không nghĩ rằng cuộc sống của gia đình ông cũng như cộng đồng người Thái ở đất này lại có ngày khởi sắc, kinh tế phát triển, đời sống nâng cao như hôm nay.

Dẫu vẫn còn khó khăn trên bước đường phía trước, nhưng ông Đôi cũng như hàng chục nghìn người dân khác trên địa bàn, luôn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền; sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, nhân dân, tương lai Nậm Pồ sẽ vươn lên thành điểm sáng trên vùng biên giới ở cực Tây Tổ quốc.

Có được ngày hôm nay, không thể phủ nhận được sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của những cán bộ như vợ chồng anh Công, chị Phượng, như vợ chồng anh Thiết, chị Trang và hàng trăm cặp gia đình cán bộ như thế. Họ vẫn âm thầm đóng góp để Nậm Pồ mãi bình yên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.