(GD&TĐ) - “Trách nhiệm giáo dục đạo đức không thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường, cho các cơ sở giáo dục mà phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng, tối ưu nhất để cải thiện tình trạng xuống cấp về đạo đức, lệch lạc về tư tưởng, lối sống và mờ nhạt lý tưởng sống trong học sinh hiện nay” – TS Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT).
->> Em đâu muốn là học sinh cá biệt!
Thiếu tự lập, nghèo ước mơ
Theo TS Ngũ Duy Anh, những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ mở cửa hội nhập vẫn hàng ngày hàng giờ tác động đến cuộc sống của các em từ trong gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội.
Không ít học sinh có biểu hiện thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu tôn trọng thầy cô giáo. Tình trạng nói tục chửi bậy gần như trở nên phổ biến, nhất là khi các em bước ra khỏi cổng trường.
Một bộ phận không nhỏ học sinh thiếu ý chí tự lập, ý chí vươn lên, không có ước mơ và lý tưởng, không biết đi học để làm gì, nhất là đối với những học sinh lớn lên trong gia đình có điều kiện kinh tế khá và được cha mẹ nuông chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi về vật chất.
Khi có các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong tay với vô số các trò chơi và các tiện ích khiến các em mải mê khai thác sử dụng mà lơ là học tập thậm chí còn sử dụng vào những mục đích phi văn hóa. Chẳng hạn như việc sử dụng điện thoại hiện đại để quay các video clip thiếu lành mạnh rồi đưa lên các trang blog cá nhân, các diễn đàn xã hội gây những hiệu ứng xã hội phức tạp và hậu quả khó lường.
“Đáng bàn nhất là khi những hoạt động như thế trở nên phổ biến, khi các em coi đó là những chuyện bình thường, những trò đùa đơn giản cho vui trong chốc lát thì lâu dần cái nhìn của cả thế hệ các em sẽ làm biến dạng đáng kể những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực văn hóa mà chúng ta đang cố công xây dựng và gìn giữ” – TS Ngũ Duy Anh nhấn mạnh.
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) tổ chức thảo luận về lối sống, cách ứng xử hàng ngày |
Đâu là nguyên nhân?
TS Ngũ Duy Anh nhận định, thực trạng đạo đức, lối sống của học sinh hiện nay với những biểu hiện đáng lo ngại như trên, trước hết là do những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cùng với những tiêu cực trong xã hội hiện đại đã có ảnh hưởng nhất định đến nhận thức, hành vi, đến tâm lý, tình cảm của học sinh khi các em đang trong giai đoạn mà tâm lý diễn biến hết sức phức tạp.
Bên cạnh đó sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng rõ rệt, ngay trong từng cộng đồng dân cư cũng dẫn đến sự phát triển tâm lý và nhận thức của các em có những biểu hiện lệch lạc và tiêu cực.
Sự phổ biến các loại hình dịch vụ văn hóa giải trí phục vụ mục đích kinh doanh là chính, cùng với sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng đã tạo cơ hội cho các em dễ dàng tiếp cận với các loại hình dịch vụ văn hóa hiện đại và tiện ích, có sức cuốn hút mạnh mẽ khiến các em khó có thể vượt qua những trò vui đầy cám dỗ mà xao lãng việc học tập và tu dưỡng; xao lãng việc tiếp thu tri thức khoa học vốn khó khăn, vất vả hơn nhiều.
Cũng phải nói đến những diễn biến phức tạp của các loại hình tội phạm, các tệ nạn xã hội gây tâm lý bất an cho xã hội cũng tác động sâu sắc tới đời sống các em học sinh. Những thông tin giật gân, vô cảm của báo chí, nhất là trên các trang báo điện tử về các vụ việc vi phạm pháp luật trong xã hội kể cả những vi phạm của lứa tuổi học sinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm của một bộ phận các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Internet và thế giới ảo ngày càng trở nên phổ biến và ích dụng với giới trẻ, khi các em tìm thấy ở đó sự thay thế cho tình cảm gia đình, bè bạn trong cuộc sống hiện đại bận rộn khiến một bộ phận học sinh bị lôi kéo tham gia vào các hội đoàn thực hiện những hành vi bất thường, thậm chí những tư tưởng lệch lạc, có tính phá phách không được người lớn uốn nắn kịp thời. Trong khi đó, cộng đồng mạng hoặc hội đoàn mà các em tham gia sẵn sàng ủng hộ và chia sẻ khiến các em không thể nhận biết và phân biệt được thật - giả, đúng - sai...
Cũng theo TS Ngũ Duy Anh, cuộc sống hiện đại đầy bất an và bận rộn khiến các gia đình nhất là ở các khu vực thành phố lớn, những nơi có tốc độ công nghiệp hóa cao không còn nhiều thời gian quan tâm chăm sóc đến đời sống tinh thần cho con trẻ. Với việc chỉ đáp ứng các nhu cầu vật chất đơn thuần, thậm chí còn dùng các điều kiện vật chất để thể hiện sự quan tâm, yêu thương và chiều chuộng con cái khiến sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái ngày càng lỏng lẻo.
Các em lớn lên thiếu tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ của cha mẹ trong khi nhu cầu tình cảm của các em ở lứa tuổi này là rất lớn, chính điều đó cũng là nguyên nhân khiến các em đi tìm tình cảm ở những thế giới khác và dễ dàng sa đà, lạc bước vào những cạm bẫy hữu hình, vô hình của cuộc sống...
Nguyễn Nhung