Những ca phẫu thuật lạ lùng và thần kì nhất thế giới

Dù nghe hoang đường, những phương pháp phẫu thuật dưới đây lại hoàn toàn khả thi và có thể đem lại hi vọng cho nhân loại.

Những ca phẫu thuật lạ lùng và thần kì nhất thế giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 312,9 triệu ca phẫu thuật được thực hiện trên thế giới trong năm 2012, tăng lên so với 226,4 triệu ca vào năm 2004.

Nếu không nói thì hẳn ai cũng hiểu rõ một ca phẫu thuật có tầm quan trọng như thế nào trong việc chữa trị bệnh nhân, nhưng có những ca phẫu thuật phức tạp và phi thường đến nỗi nó có thể mở ra những tiến bộ mới cho ngành y học.

Dưới đây là 4 những trường hợp phẫu thuật kì lạ và khó tin nhất từ trước tới nay.

1. Biến mắt cá chân thành đầu gối

Nhung ca phau thuat la lung va than ki nhat the gioi - Anh 1

Gabi Shull là trường hợp thực hiện phương pháp rotationplasty thành công rất nổi tiếng.

Rotationplasty (phẫu thuật chỉnh hình đầu gối) là một phương pháp phẫu thuật chỉnh hình đặc biệt trong đó mắt cá chân có thể được sử dụng để làm khớp đầu gối.

Quá trình phẫu thuật bao gồm cắt bỏ phần cuối xương đùi, đầu gối và phần đầu xương chày. Đoạn dưới của cẳng chân sẽ quay ngược 180 độ và gắn vào phần đùi.

Nói một cách đơn giản, bàn chân sẽ được nối vào đầu gối, nhưng xoay ngược lại. Sau khi việc thay ghép được hoàn thành, mắt cá chân của bàn chân sẽ đảm nhiệm chức năng tương tự như đầu gối.

Rotationplasty được thực hiện rất phổ biến đối với những trẻ em có khối u xương ác tính ở gần đầu gối, gây ra bởi các bệnh ung thư.

Mục đích chính của phương pháp Rotationplasty đó là loại trừ hoàn toàn khối u nhưng vẫn đảm bảo bệnh nhân có thể phần nào vận động như bình thường, điều không thể khả thi nếu cắt bỏ hoàn toàn cẳng chân.

Nhung ca phau thuat la lung va than ki nhat the gioi - Anh 2

Thay vì cắt bỏ hoàn toàn từ đầu gối trở đi, bác sĩ sẽ sử dụng mắt cá để đảm nhiệm chức năng của đầu gối.

Một ví dụ điển hình của phương pháp này đó là trường hợp của cô bé 14 tuổi Gabi Shull đến từ Missouri. Lúc lên 9, Gabi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương ở đầu gối. 

Vì đây là khối u ác tính, sau 12 tuần điều trị bằng hóa chất, Gabi và bố mẹ em đã quyết định áp dụng phương pháp phẫu thuật Rotationplasty để chữa trị cho em.

Chỉ 1 năm sau cuộc phẫu thuật, Gabi đã có thể đi lại như bình thường, và 2 năm sau nữa, cô bé đã trở thành một vũ công tài ba.

Cô bé nói với Daily Mail rằng: “Cuộc phẫu thuật đã giúp cháu có thể làm được nhiều điều tuyệt vời hơn những gì cháu nghĩ ở bản thân và cháu sẽ không bao giờ quay ngược thời gian và thay đổi điều đó”.

2. Hồi phục thị giác bằng một chiếc răng

Thường được gọi là phẫu thuật “răng trong mắt”, Osteo-Odonto-Keratoprosthesis (OOKP) chính là phương pháp phẫu thuật khó tin có thể phục hồi thị lực của bệnh nhân chỉ bằng một chiếc răng.

Lần đầu được đề cập đến vào đầu những năm 1960 bởi Giáo sư Benedettio Strampelli, đến từ Bệnh viện San Camillo của Ý, OOKP đã được ứng dụng cho các bệnh nhân bị mù lòa gây ra bởi tổn thương vĩnh viễn lên giác mạc – lớp vỏ ngoài của mắt – và cho những bệnh nhân mà không thể được chữa trị bằng những phương pháp khác.

Nhung ca phau thuat la lung va than ki nhat the gioi - Anh 3

Lớp màng nhựa được nuôi cấy trong răng sẽ thay thế cho giác mạc.

Kiểu phẫu thuật này sẽ nhổ một chiếc răng nanh hoặc răng tiền hàm kèm theo các mô xương xung quanh, sau đó các bác sĩ sẽ khoan một cái lỗ lên răng và cho vào đó một lớp màng nhựa.

Vì kĩ thuật này sử dụng răng của chính bệnh nhân nên cơ thể họ sẽ chấp nhận lớp màng mới chứ không phản ứng tiêu cực với nó.

Cấu trúc xương kèm lớp màng nhựa sẽ được cấy vào má của bệnh nhân, và sau vài tháng nó sẽ hình thành những mạch máu xung quanh.

Tiếp theo, cấu trúc trên sẽ được tách khỏi má và cấy vào mắt. Vì ánh sáng có thể truyền qua lớp màng trong suốt bằng nhựa này nên bệnh nhân sẽ có cơ hội nhìn thấy thế giới một lần nữa.

Vào năm 2013, tờ Telegraph có đăng tin về một người đàn ông đến từ Anh có tên là Ian Tibbetts đã có thể lấy lại thị lực của mình sau khi được phẫu thuật OOKP thành công.

Năm 1999, khi Ian đang làm việc, một miếng kim loại vụn đã bắn vào mắt phải của anh và làm tổn thương giác mạc của Ian. Từ đó mà mắt của Ian bị ảnh hưởng và dần trở nên mù lòa.

Đến tháng 12/2012, Ian đã được phẫu thuật thành công theo phương pháp OOKP tại Bệnh viện Mắt Sussex – nơi duy nhất ở nước Anh có thể đảm nhận kiểu phẫu thuật này. Nhờ vào đó anh đã có thể nhìn thấy những đứa con yêu của mình lần đầu tiên.

“Tôi không còn phải sống dựa dẫm nữa cũng như có thể chăm sóc các con khi vợ tôi đi làm. Trước kia, tôi không thể nhìn rõ các con tôi, chúng chỉ mờ mờ như những hình bóng,” Ian nói với tờ The Telegraph.

“Tôi đã tưởng tượng con tôi như thế nào trong đầu nhưng thực tế chúng còn xinh đẹp đáng yêu hơn thế nữa. Tôi đã ôm hôn các con rất thắm thiết ngay khi tôi nhìn thấy chúng”.

3. Bỏ nguyên nửa bộ não để chữa động kinh

Bộ não là một trong số những bộ phận phức tạp nhất trong cơ thể con người, nó chứa hàng tỉ tế bào thần kinh đóng vai trò như trung tâm điều khiển các chức năng tâm sinh lý của mỗi người.

Sẽ thật quá sức tưởng tượng nếu nghĩ rằng một ai đó có thể sống bình thường với một nửa não bộ bị mất đi, nhưng trong một số trường hợp, điều đó lại có thể xảy ra.

Phương pháp phẫu thuật có thể làm điều đó chính là Hemispherectomy.

Nhung ca phau thuat la lung va than ki nhat the gioi - Anh 4

Cắt bỏ một nửa não là một phương pháp phức tạp và nhiều rủi ro.

Hemispherectomy là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ một trong hai bán cầu não. Đây là kĩ thuật đại phẫu, thường phải mất 12 tiếng để thực hiện.

Theo Quỹ Tài trợ Hemispherectomy, đây là phương pháp hiệu quả nhất đối với trẻ nhỏ, vì bán cầu não còn lại có thể bù đắp cho những chức năng bị mất đi khi loại bỏ một bán cầu não.

Các bệnh nhân sau khi được thực hiện ca phẫu thuật sẽ bị liệt ở bên nửa cơ thể đối diện với bên bán cầu não bị cắt bỏ, và họ thường bị mất cảm giác và khả năng vận động ở bàn tay và ngón tay.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những lợi ích của kiểu phẫu thuật này nhiều hơn hẳn những rủi ro và tác dụng phụ mà nó gây ra.

Một ví dụ thành công của phương pháp này là một cô bé 17 tuổi có tên là Karley Miller, đến từ Australia. Cô bé đã quyết định thực hiện ca đại phẫu để ngăn các cơn co giật của chứng động kinh, sau một lần lên cơn kéo dài 9 tiếng rưỡi đồng hồ.

“Cháu không thể đi đâu mà không có mẹ theo sau, cũng không thể đi tắm mà khóa cửa vì chẳng may cháu bị lên cơn và không ai có thể cứu cháu”, Karley nói.

Dù đúng là Karley vẫn phải chịu các tác dụng không mong muốn của ca phẫu thuật, cô bé không còn bị động kinh nữa và hiện đang sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn rất nhiều.

4. Cấy 2 tim trong 1 cơ thể

Theo cách truyền thống, việc cấy ghép tim đòi hỏi phải thay thế trái tim cũ bằng một trái tim khỏe mạnh của người hiến tặng. Những ca phẫu thuật tim như vậy cứu sống hàng trăm ngàn người mỗi năm.

Nhưng nếu như cơ thể người nhận lại không chấp nhận trái tim của người hiến, hoặc là trái tim được hiến không thể hoạt động một mình thì sao? Đó là lúc phương pháp cấy ghép tim đôi được sử dụng.

Nhung ca phau thuat la lung va than ki nhat the gioi - Anh 5

Quả tim mới được nối vào quả tim cũ để đảm nhiệm một phần "công việc".

Cấy ghép tim đôi (Heterotopic heart transplantation), còn được gọi lại cấy ghép tim kiểu “cõng sau lưng” – đòi hỏi bác sĩ sẽ phải cấy tim được hiến vào phía bên phải của trái tim người bệnh. Cả hai trái tim đều được phẫu thuật để có thể nối với nhau, cho phép máu từ trái tim cũ được truyền sang trái tim mới, thứ sẽ thay tim cũ bơm máu đi khắp cơ thể.

Vào năm 2011, các nhà khoa học đến từ Đại học California – Sandiego đã tuyên bố thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật hiếm có này trên một người bệnh bị suy tim trầm trọng có tên là Tyson Smith.

Tiến sĩ Michael Madani, đến từ Trung tâm Tim mạch Sulpizio của trường đại học, nói rằng: “Mặc dù anh Smith đang trong cơn nguy kịch, anh không thể được cấy ghép theo cách thông thường được.

Việc cắt bỏ trái tim cũ và thay thế nó bằng trái tim mới sẽ khiến trái tim mới không thể hoạt động được vì nó không đủ khỏe để bơm máu vào phổi - do chứng tăng áp động mạch phổi của anh. Nhưng cùng nhau, hai trái tim sẽ chia sẻ công việc và hoạt động như bình thường”.

(Nguồn: Medica News Today)

Theo aFamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ