Những bước nhảy mang lại sự cân bằng

GD&TĐ - Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, khiêu vũ và các môn học nghệ thuật cũng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ như Toán học, Khoa học hay Ngôn ngữ.

Những bước nhảy mang lại sự cân bằng
Những bước nhảy mang lại sự cân bằng - 1

Khiêu vũ là sự thể hiện những mối quan hệ, cảm xúc, và ý tưởng thông qua động tác và nhịp điệu của cơ thể. Loại hình nghệ thuật này chính là cốt lõi của mọi nền văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử, là một phần trong mạch tiến hóa của nhân loại.

Tuy nhiên, vai trò của khiêu vũ từ trước đến nay vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Nguyên nhân một phần là vì mọi người vẫn coi trọng học thuật - vốn gắn liền sự thông minh với khả năng lập luận bằng ngôn ngữ và toán học.

Thật may là vẫn có người hiểu được vai trò quan trọng của khiêu vũ đối với đời sống con người nói chung và với quá trình giáo dục nói riêng.

Trong cuốn Dance Education around the World: Perspectives on Dance, Young People and Change, các nhà nghiên cứu Charlotte Svendler Nielsen và Stephanie Burridge đã trình bày những nghiên cứu mới đây về giá trị của bộ môn nghệ thuật này ở mọi bối cảnh văn hóa: từ Phần Lan đến Nam Phi, từ Ghana đến Đài Loan, từ New Zealand đến châu Mỹ.

Những nghiên cứu này phản bác quan niệm cố hữu về sự thông minh và thành tích học tập, đồng thời cho thấy khiêu vũ có khả năng biến đổi con người ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp.

Đối với học sinh, khiêu vũ có thể giúp những cuộc đời khó khăn khôi phục niềm vui và sự cân bằng, cũng như giảm đi những căng thẳng do bạo lực và bắt nạt ở trường học gây ra.

Những bước nhảy mang lại sự cân bằng - 2

Việc dạy khiêu vũ thực sự mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho học sinh khi các em đang trong quá trình hình thành và duy trì các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là giữa các giới tính và độ tuổi.

Nhiều thể loại khiêu vũ, kể cả nhảy dạ hội, đòi hỏi những người tham gia phải tiếp xúc trực tiếp lẫn nhau và di chuyển hài hòa đồng điệu với nhau.

Theo đánh giá của công ty Dancing Classrooms ở New York, có đến 95% giáo viên phản hồi rằng nhờ khiêu vũ cùng nhau mà các học sinh của họ cải thiện khả năng hợp tác.

Trong một cuộc khảo sát ở Los Angeles, 66% số hiệu trưởng các trường cho biết học sinh của họ hòa thuận với nhau hơn, và có đến 81% số học sinh phản hồi rằng các em trở nên tôn trọng đối phương hơn.

Những bước nhảy mang lại sự cân bằng - 3

Ngoài tác dụng xã hội, khiêu vũ còn mang lại lợi thế khi tuyển dụng, vì bộ môn này thể hiện những tính cách mà các nhà tuyển dụng mong muốn ở một người lao động có thái độ hợp tác và biết thích nghi.

Chưa hết, khiêu vũ còn để lại dấu ấn của sự cải thiện trên lĩnh vực học tập. Bà Lois Habtes, Hiệu trưởng trường Tiểu học Emanuel Benjamin Oliver ở quần đảo Virgin đã rất ấn tượng với điểm số môn Đọc hiểu và Toán học của học sinh ở trường sau ba năm áp dụng chương trình dạy khiêu vũ.

“Chương trình ảnh hưởng rất tích cực đối với thành tích học tập của các em. Khi tôi mới tiếp quản trường, điểm số của các em không tốt. Năm ngoái là năm thứ hai trường áp dụng chương trình dạy khiêu vũ, điểm số đã tăng lên 83%. Năm nay, điểm số kiểm tra đọc hiểu của học sinh lớp 5 đã tăng lên 85%, mức cao nhất tại trường”.

Trên đây chỉ là một ví dụ cho mối quan hệ tích cực được ghi nhận giữa khiêu vũ và thành tích học tập.

Những bước nhảy mang lại sự cân bằng - 4

Trên thực tế, hầu hết học sinh trường công ở Mỹ vẫn tham gia các khóa học Âm nhạc và Mỹ thuật, dù mức độ tiếp xúc không thường xuyên; trong khi đó, Khiêu vũ và Kịch nghệ thường bị xem nhẹ.

Nhìn chung, cơ hội tiếp xúc với các môn học nghệ thuật vẫn rất hiếm hoi đối với học sinh ở những khu vực khó khăn. Bob Morrison, nhà sáng lập kiêm giám đốc viện nghiên cứu Quadrant Research, cho biết: “Vẫn còn hàng triệu học sinh chưa thể theo học những khóa huấn luyện nghệ thuật; rất nhiều em trong số này đến từ những cộng đồng nghèo - những nơi rất cần các chương trình huấn luyện như vậy”.

Việc có hàng triệu học sinh không được học Toán hay ngôn ngữ là một điều không thể chấp nhận được, nhưng cũng sẽ là không công bằng nếu các môn nghệ thuật bị xem nhẹ. Quan điểm “giáo dục nghệ thuật chỉ dành những người có năng khiếu” là hoàn toàn sai lệch và cần phải được thay đổi.

“Nhà trường không dạy Toán chỉ để đào tạo ra các nhà toán học, cũng không dạy Viết chỉ để sản sinh ra các tiểu thuyết gia. Với các môn nghệ thuật cũng vậy. Nhà trường dạy học sinh trở thành những công dân toàn diện có khả năng ứng dụng kĩ năng, kiến thức, và kinh nghiệm tham gia nghệ thuật vào sự nghiệp và cuộc sống của các em sau này”, ông Morrison khẳng định.

Theo Phununews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ