Những bức ảnh ấn tượng về khoa học năm 2014

Núi lửa phun trào, sao chổi và con chuột trong suốt đã thu hút trí tưởng tượng trong năm 2014. Việc tìm kiếm không ngừng nghỉ các câu trả lời về thế giới của các nhà nghiên cứu đã đem lại những khám phá đáng kinh ngạc. Từ khoảng không xa xăm của vũ trụ đến vực sâu đại dương, Nature đã lựa chọn ra bộ ảnh ấn tượng nhất trong năm, trên hai lĩnh vực thảm họa thiên nhiên và kỳ quan công nghệ.

Những bức ảnh ấn tượng về khoa học năm 2014

Khe nứt khủng khiếp

Vào đầu năm nay, bầu trời lúc bình minh và hoàng hôn ở Iceland đều nhuốm màu máu do nham thạch phun trào gây ô nhiễm. Khe nứt Holuhraun, ở gần núi lửa Bárđarbunga đang hoạt động, tuôn ra hàng ngàn tấn khí sulphur dioxide mỗi ngày, khiến các nhà khoa học bất ngờ bởi họ chờ đợi hiện tượng phát tán tro tương tự như hồi năm 2010, khi núi lửa Eyjafjallajökull cũng ở Iceland phun lên toàn tro bụi.

Ghép mảnh mặt trăng

Europa, vệ tinh thứ sáu, tính theo quỹ đạo từ trong ra ngoài, của Sao Mộc, có thể sẽ được nhìn thấy bằng mắt thường. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã xử lý loạt ảnh do tàu thăm dò không gian Galileo chụp vào cuối những năm 1990, điều chỉnh màu sắc để đem lại cái nhìn chân thực và phân giải cao về địa hình băng giá của Europa.

Thảm kịch núi lửa

Ontake, một ngọn núi lửa đang hoạt động cách Tokyo khoảng 200km về phía tây, đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản. Dù có sự theo dõi sát sao của các nhà khoa học nhưng vụ phun trào vào ngày 27-9 bất ngờ xảy ra, phun nhiều tro bụi, mảnh vụn lên cả vùng và gây ra cái chết của hơn 50 người vì mất cảnh giác. Các đội cứu hộ đã phải vượt qua lượng tro bụi dày đặc để tìm kiếm những người sống sót trong khu nhà nghỉ hẻo lánh nằm gần đỉnh núi.

Bạch tuộc Dumbo dưới đáy biển sâu

Hình ảnh con bạch tuộc dumbo thuộc chi Grimpoteuthis với những xúc tu quấn trong tư thế chưa từng thấy trước đây đã được camera chộp lấy vào tháng tư ở vịnh Mexico. Các nhà nghiên cứu trên con tàu Okeanos Explorer của Mỹ đã bất ngờ bắt gặp sinh vật kỳ lạ này khi thử nghiệm một con tàu lặn điều khiển từ xa ở độ sâu hơn 2.000m.

Chuyến bay thám hiểm của Philae

Vào tháng 11, cả thế giới đã hồi hộp theo dõi tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Vũ trụ châu Âu nỗ lực đưa thiết bị thăm dò Philae đáp xuồng bề mặt sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko. Trước khi hoàn tất thành công chiến dịch khó khăn này, Philae đã gửi về bức ảnh của chính mình tại mục tiêu đã định khi cả Philae và sao chổi cùng di chuyển trong không gian với vận tốc hơn 50.000 km/h.

Thách thức khảo cổ học

Hộp sọ của một thiếu niên có niên đại 12.000 năm từ Mexico đã được đặt lên một bàn xoay dưới nước, tạo điều kiện cho các thợ lặn có thể kiểm tra ba chiều của hộp sọ. Được tìm thấy trong đáy sâu các hang động chìm dưới nước của vịnh Yucatán, Mexico, hộp sọ này là một phần của bộ sưu tập xương cổ khác thường, có thể giúp làm sáng tỏ lý do vì sao con người có thể băng qua châu Mỹ. Khó khăn nhất trong việc nghiên cứu thợ lặn phải phân tích những phần còn lại của hộp sọ ngay tại chỗ.

Mắt đối mắt

Bức ảnh ghi lại đôi mắt nhìn chăm chú của con nhện nhảy Phidippus audax đã đem về giải ba cuộc thi Thế giới tí hon do Nikon tổ chức về cho Noah Fram-Schwartz ở Greenwich, Connecticut, Mỹ.

Chuột trong suốt

Nếu như có thể khiến cho các mô trở nên trong suốt thì cần gì phải dùng máy quét kiểm tra nữa. Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng một dung dịch hỗn hợp và kỹ thuật xử lí hình ảnh bằng điện toán để có những hình ảnh trong suốt của con chuột. Một trong những phương pháp đó có thể được phát triển để khám phá các cơ quan nội tạng mà không cần phải phải phẫu thuật.

Trên những tầng mây

Hiện vẫn chưa lý giải nổi tại sao nghệ sỹ Nhật Bản Azuma Makoto lại gắn một cây bonsai lên quả khinh khí cầu rồi tung nó vào các tầng trên của khí quyển. Nhưng dự án “Exobiotanica” của ông, vốn đã mang vào vũ trụ rất nhiều cây lá, đã đem lại một loạt những bức ảnh tuyệt đẹp, độc đáo.

Thả giọt dầu siêu nhỏ

Các nhà nghiên cứu ĐH Twente ở Hà Lan đã chụp được bức ảnh những giọt dầu silicone siêu nhỏ, kích thước picolitre (10 -12 lít). Chiếu sáng những giọt dầu bằng những xung laser kéo dài 8 nano giây, nhóm nghiên cứu đã chụp những bức ảnh 600 nano giây, thu được cảnh các giọt dầu siêu nhỏ này rơi xuống như thế nào.

Tỏa sáng

Ánh sáng màu xanh lá cây kỳ lạ trong bức ảnh từ Công viên quốc gia Emas ở Brazil tỏa ra từ sự phát quang sinh học ở những con bọ cánh cứng trưởng thành. Cuộc khám phá kiên trì của Ary Bassous đã đem lại cho ông chiến thắng trong chủ đề về động vật không xương sống của cuộc thi Nhiếp ảnh gia thiên nhiên hoang dã của năm do Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và BBC toàn cầu tại London đồng tổ chức.

Theo Tia sáng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ