Những bóng hồng trong khói lửa chiến tranh

Những bóng hồng trong khói lửa chiến tranh

Đó là lời kể của một bóng hồng đã đi qua cuộc chiến chống đế quốc.

Trần Duy Phương: Tiếng hát giữa chốn lao tù

Cựu nữ tù Trần Duy Phương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha của bà tham gia Mặt trận Việt Minh rất sớm và đã hy sinh trong ngục tù bỏ lại mẹ già, vợ trẻ và 3 đứa con thơ. 

Trước cái chết của cha và sự tàn ác của quân xâm lược đã sớm thôi thúc bà nối gót cha, theo tiếng gọi non sông. 15 tuổi, cô bé Trần Duy Phương ngày ấy đã thoát ly gia đình đi làm cách mạng.

Nhớ về những ngày tháng rực lửa đấu tranh, cựu nữ tù Trần Duy Phương kể: “Tôi bị địch bắt năm 19 tuổi. Lúc đó tôi suy nghĩ phải làm sao cho nó biết là mình không có bi quan, nên tự động viên mình bằng cách là hát. Chính tiếng hát đã giúp tôi và các anh chị em vượt qua những đòn tra tấn man rợ của kẻ thù tại trại giam Phú Tài. 

Khi tôi vô tù, có một trường hợp bệnh rất là nặng là anh Minh (người Hải Phòng) bị sốt rét ác tính. Biết tôi hay hát nên ảnh nói: ‘Em ca Bài ca hy vọng cho anh nghe đi, anh sắp chết rồi’. Sau lời đề nghị của ảnh, tôi hát ngay, bắt đầu từ hôm đó tôi hát Bài ca hy vọng nhiều hơn, 2 hôm sau thì ảnh mất”.

Khi tạm xa phố thị, giã từ trường học, để đi làm cách mạng, Trần Duy Phương nguyên nữ sinh trung học Trần Quý Cáp, Hội An là một thiếu nữ trẻ, có nhan sắc. Chị “không biết mình sẽ như thế nào. Có thể là mình chết nhưng mà tôi vẫn vững tin vào ngày mai tươi sáng, chiến đấu quên mình cho đất nước. Bởi tôi nghĩ khi có hòa bình độc lập thì bao nhiêu điều tốt đẹp sẽ đến với đất nước mình. Hồi đó chúng tôi chỉ có một lý tưởng ra đi là dấn thân, chấp nhận dấn thân, chấp nhận hy sinh”. 

Khi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng cô gái trẻ ngày ấy vẫn tin vào ngày mai, vững tin vào hòa bình độc lập, thống nhất nước nhà.

Bước ra từ cuộc chiến, Trần Duy Phương (tên trong tù là Trần Thị Mai) được chứng nhận 100% mất sức lao động nhưng bà luôn lạc quan. Trò chuyện cùng bà, thỉnh thoảng chúng tôi chứng kiến những cơn đau buốt tận xương tủy mà người chiến sĩ cộng sản gan dạ, kiên trung, bất khuất ấy phải chống chọi bởi di chứng mà chiến tranh để lại.

Ở tuổi thất thập, người phụ nữ ấy đã viết sách “Tôi nghe tôi hát”. Bà bộc bạch: “Nhân cuốn sách này tôi muốn cho mọi người biết về trại giam Phú Tài – trại giam tù binh rất tàn bạo. Cũng xin gửi đến các chị nữ tù đã vì tôi chịu những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, và các chị luôn nhường cơm xẻ áo, có miếng gì ngon gì cũng dành cho tôi”.

Những bóng hồng trong khói lửa chiến tranh ảnh 1
Bà Trần Duy Phương xem lại những trang tự truyện của mình. Ảnh: IT.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nở: Nghĩa tình thời chiến

Nhơn Trạch là huyện có số lượng mẹ Việt Nam anh hùng đông nhất tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là nơi mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nở (Lê Thị Xuân Mai) sinh sống. 

Khi còn là thiếu nữ, cô Lê Thị Nở đã thoát ly gia đình và gặp chồng trong chiến khu. Gặp, chia sẻ, yêu nhau và sau đó họ làm lễ tuyên bố đơn sơ, đôi vợ chồng trẻ không tổ chức đám cưới vì giặc giã khắp nơi. 

Sau ngày nên duyên, cô Nở và chồng phải xa nhau thường xuyên. Họ đặt nhiệm vụ lên trên, mang lý tưởng cao đẹp của tuổi thanh xuân thời ấy là chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

“Ông chồng để lại cho tui nhiều kỉ niệm. Vì hoạt động bị lộ nên tôi bị bắt. Lúc tôi ra tù thì bệnh hoạn liên miên, ổng luôn chăm sóc tận tình. Lúc tôi trong rừng hư thai ổng đã đội than để tôi nằm cho khỏe. Lúc đó tôi chỉ mong mau hòa bình để tôi trả lại cái ơn đó cho chồng.

Năm 1976, khi tôi mới xuất viện, chồng tôi công tác trong ngành công an, trong lúc đi phá hang ổ cuối cùng của lực lượng chống phá cách mạng thì ông hy sinh. Ban Giám đốc cử người về báo tin nhưng biết tôi mới xuất viện nên không báo ngay. Nhưng tôi linh cảm có điều gì nên nói: Có chuyện gì thì các anh cứ nói, tôi đủ sức chịu đựng được, có chiến đấu thì có hy sinh mất mát” – mẹ Nở kể.

Sự gan dạ, dũng cảm của mẹ khiến mẹ phải nhiều lần vào sinh ra tử, nếm trải những đòn roi tra tấn tàn khốc của kẻ thù. Nhà tù Phú Lợi – địa ngục trần gian, nơi giam cầm, đàn áp nhiều chiến sĩ yêu nước. Trong đó có mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nở, để rồi di chứng của những ngày tù tội vẫn còn theo mẹ cho đến tận ngày nay.

Không chỉ sắc bén để hoạt động ngay trong lòng địch, đồng thời phải đảm đương vai trò làm người mẹ thứ 2 cho 2 cháu ruột của mình. Mẹ Nở kể: “Anh chị tui đi làm cách mạng. Anh tui chết lúc con Hoàng còn nhỏ, con Oanh mới sanh. Tôi bồng cháu đứng trước mộ anh và nói anh cứ yên lòng. Tôi sẽ thay anh lo cho 2 cháu. Tôi lo cho tụi nó ăn học đàng hoàng dù lúc đó rất cơ cực”.

Đất nước đã thanh bình thống nhất, gác lại quá khứ đau thương, những người phụ nữ anh hùng ngày nào cũng chung tay cùng cả nước ra sức xây dựng quê hương. Họ luôn tự hào về những ngày tháng đau thương nhưng ý nghĩa, để truyền những thông điệp hòa bình, hạnh phúc cho nhiều thế hệ hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.