Những bông hoa đẹp bình dị giữa đời

Những bông hoa đẹp bình dị giữa đời
(GD&TĐ)- Có biết bao nhiêu người là những điển hình tiên tiến, là những bông hoa đẹp trong đời thường, là những bông hoa đẹp trong rừng hoa của phong trào thi đua yêu nước; Phong trào đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thiết thực to lớn và rất quan trọng trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội và những thành tựu quan trọng của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 của Đảng. 
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đã được nghe, xem những hình ảnh việc làm cụ thể của các anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc, các đại biểu tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2006-2010. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương tặng hoa cho các đại biểu trong buổi giao lưu với Đại hội chiều 27/12. Ảnh, gdtd.vn
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương tặng hoa cho các đại biểu trong buổi giao lưu với Đại hội chiều 27/12. Ảnh, gdtd.vn
Họ là những con người, những cá nhân rất đỗi bình dị trong đời thường mà mỗi chúng ta đều có thể bắt gặp ngay ngoài cuộc sống. Họ có thể là nhà khoa học, một giáo viên nghỉ hưu, vận động viên, một già làng... hay một người nông dân; tất cả những gì tạo nên thành công cho họ đều là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, trước khó khăn của công việc đặt ra đã biết vượt lên chính mình để đạt được lý tưởng đặt ra.
PGS.TS.NGND Nguyễn Thị Trâm là một trong hai anh hùng lao động vinh dự được chọn báo cáo trước toàn thể Đại hội tại phiên khai mạc (sáng 27/12) về thành quả lao động-nghiên cứu của mình.
Là một tiến sĩ tu nghiệp tại Liên Xô, cô Trâm đã có một thời gian dài nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học nông nghiệp. Trong thời gian này, cô luôn luôn tìm mọi phương pháp tối ưu để hoàn thiện bài giảng cũng như truyền đạt phương pháp nghiên cứu khoa học tốt nhất cho sinh viên; chính vì vậy đã lôi cuốn được học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Trong thời gian này, do có nhiều đóng góp trong giảng dạy, nghiên cứu, cô sớm được đồng nghiệp bình chọn là cán bộ dạy giỏi, chiến sỹ thi đua, suy tôn là nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. 
Những bông hoa đẹp bình dị giữa đời ảnh 2
 PGS.TS.NGND Nguyễn Thị Trâm. Ảnh, gdtd.vn
Những năm sau đổi mới, nhu cầu về các giống cây trồng vật nuôi cho năng suất cao, phẩm chất tốt của ngành nông nghiệp trong nước tăng mạnh. TS. Nguyễn Thị Trâm lao vào tìm phương pháp lai tạo giống lúa mới. Sau nhiều lần thất bại và phải trả giá cho những thực nghiệm nhầm lẫn, được sự động viên khuyến khích kịp thời của đồng nghiệp, của lãnh đạo ngành cô muốn nghiên cứu các công trình lai tạo giống lúa còn giang dở nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu.
Không nản, TS Trâm tiếp tục xin ở lại trường nghiên cứu các lai tạo các giống lúa lai nội địa mà không đòi hỏi bất cứ thù lao gì của Nhà nước trả cho thời gian, công sức mình bỏ ra nghiên cứu. Sau khi được sự đồng ý ở lại, TS Trâm đã tranh thủ mọi sự giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo, đồng nghiệp, sinh viên và nghiên cứu sinh để tiếp tục hoàn thiện và cho ra đời pháp lai tạo giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam TH3-3 và nhiều giống lúa khác sau đó.
TS. Nguyễn Thị Trâm chia sẻ: sự nghiệp nghiên cứu khoa luôn phải đối mặt với những thách thức vô cùng khắc nghiệt; nhất là đối với phụ nữ làm khoa học phải chịu quá nhiều vất vả gian lao và cả sự đố kỵ. Trước những thách thức đó cần có một tình yêu nghề nồng cháy, một mục tiêu rõ ràng để theo đuổi, một phương pháp chính xác và luôn được bổ sung,  luôn bình tĩnh suy xét, lựa chọn biện pháp ứng xử thích hợp để vượt qua khó khăn, thách thức và chắc chắn sẽ thành công.
Với người dân xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) thì già làng Ya Loan như một người thày dạy chữ ChuRu, người có công giữ gìn cái chữ cho bà con dân tộc ChuRu nơi đây.
Bản thân là một giáo viên, không cam chịu cái đói, nghèo đeo bám trong khi nhìn đất rừng, đồi nương bỏ hoang hóa. Ông xin nhận khoán và khai hoang phục hóa để gia đình có thêm diện tích đất canh tác. Sau nhiều năm đổ mồ hôi, công sức, tiền của cho mấy chục hecta gây dựng mô hình kinh tế đồi rừng và vườn, gia đình Ya Loan đã thành công trong việc làm kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ chỗ không tin Ya Loan có thể làm giàu, đến nay, bà con xa gần đến tham quan học hỏi kinh nghiệm, kiến thức làm ăn kinh tế, ông đều tận tình giúp đỡ; nhiều bà con đã thực sự thoát nghèo theo cách làm của ông.
Không những làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia vào công tác xã hội, được bầu làm Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng. Từ đó ông tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các ngành, các cấp phát động; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. 
Từ trái sang: già làng Ya Loan, đại biểu Phạm Thị Huân trong buổi giao lưu với Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Ảnh, gdtd.vn
Từ trái sang: già làng Ya Loan, đại biểu Phạm Thị Huân trong buổi giao lưu với Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Ảnh, gdtd.vn
Đặc biệt Ya Loan còn tham gia biên soạn giáo trình và giảng dạy giảng dạy chữ Chu Ru cho bà con Chu Ru. Công việc gặp này nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xây dựng các chương trình, giáo trình giảng dạy chữ Chu Ru đòi hỏi rất nhiều công sức và kiến thức. Nhưng bằng sự quyết tâm, không ngại khó, khổ, già làng Ya Loan cùng sự giúp đỡ của một số cán bộ khoa học đã thành công trong việc xây dựng giáo trình dạy chữ Chu Ru.
Đại biểu Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (TP Hồ Chí Minh) khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, bà chia sẻ sống phải hi sinh và hướng tới cộng đồng.
Khởi nghiệp rất sớm với trứng gia cầm, năm 17 tuổi, bà Huân đã sớm có được thành công mà nhiều người lúc bấy giờ phải mong đợi. Năm 2001 công ty của bà được thành lập, kinh doanh được 2 năm ngắn ngủi, đến năm 2003, dịch cúm gia cầm hoành hành, bà trắng tay với công ty mới khởi nghiệp. 
Bà Huân là người vấp ngã biết gượng dậy. Bà đã gom tiền đi ra nước ngoài xem cung cách sản xuất, chế biến và kinh doanh trứng gia cầm của thế giới. Sau khi tìm được công nghệ, về nước hùn vốn mua dây chuyền thiết bị, công ty của bà đã đầu tư đúng bài bản làm ra sản phẩm trứng gia cầm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Bà đã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân quanh vùng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Hiện doanh nghiệp của Ba Huân đang chiếm 50% thị phần trứng gia cầm tại Thành phố Hồ Chí Minh và năm nay là năm thứ 3 liên tiếp bà được UBND TP. Hồ Chí Minh tín nhiệm giao làm công tác bình ổn giá trứng gia cầm trên địa bàn Thành phố...
Còn rất nhiều các Anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Đại hội thi đua yêu nước lần này; như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội sáng 27/12: có biết bao nhiêu người là những điển hình tiên tiến, là những bông hoa đẹp trong đời thường, là những bông hoa đẹp trong rừng hoa của phong trào thi đua yêu nước; Phong trào đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thiết thực to lớn và rất quan trọng trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội và những thành tựu quan trọng của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 của Đảng. 
Sáng nay (28/12), Đại hội thi đua yêu nước tiếp tục nghe các báo cáo điển hình tiên tiên trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2006-2010. Nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng-Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương tổng kết, phát động thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015../.
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ