Những biện pháp phòng tránh đột quỵ

GD&TĐ - Vừa qua, giới nghệ sĩ nước ta vô cùng bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của đạo diễn Phạm Đông Hồng. Như tin đã đưa, khi đang ngồi ăn trưa bỗng dưng vị đạo diễn đổ gục xuống và khi được đưa vào bệnh viện thì “não” đã chết rồi. Theo ghi nhận của bác sĩ, cái chết của cố đạo diễn là do bị đột quỵ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy những dấu hiệu nào để nhận biết và phòng tránh tối đa nhất cơn đột quỵ có thể xảy đến?. Xin mời các bạn tham khảo bài viết sau đây:

Lựa chọn thực phẩm giúp giảm nguy cơ đột quỵ

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong các yếu tố nguy cơ, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ nhưng cũng có thể là “người đồng hành” phòng ngừa căn bệnh này, hay thậm chí hỗ trợ cơ thể con người hồi phục sau một cơn đột quỵ.

Việc sử dụng các loại thực phẩm cần tuân thủ các khuyến cáo như:

- Ăn nhiều thực phẩm từ thực vật như rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại hạt.

- Ăn hải sản nhiều hơn, ăn thịt gia cầm và trứng thay vì thịt đỏ.

- Hạn chế lượng muối, chất béo, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đường và ngũ cốc tinh chế.

Đừng quên thể dục mỗi ngày

Luyện tập thể dục, thể thao giúp tăng lưu lượng máu đến não, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, cải thiện độ nhạy của insulin, từ đó giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Người bệnh cần vận động nhẹ nhàng, chơi một số môn thể thao đơn giản, vừa sức với thời gian 30 - 40 phút/ngày. Có thể chọn những môn thể thao như đi bộ vừa, chạy bộ, không nên lựa chọn các môn luyện tập cần vận động mạnh hay mất sức nhiều.

Tầm soát đột quỵ

Tầm soát đột quỵ giúp phát hiện đột quỵ và nguy cơ đột quỵ. Bệnh lý này xảy ra đột ngột, nên nếu có điều kiện tầm soát đột quỵ sớm, hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị sẽ được nâng cao.

Hiện nay, tại Hà Nội và TP.HCM, hầu hết các bệnh viện đều thực hiện tầm soát phát hiện sớm đột quỵ. Những người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tiểu đường…. cần đi khám bệnh 3 đến 6 tháng/lần, hoặc theo chỉ định của bác sỹ.

Kiểm soát huyết áp

Việc quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ là kiểm soát chỉ số huyết áp. Người bệnh cần kiểm soát chỉ số huyết áp ổn định ở ngưỡng an toàn <140/90mmHg.

Để kiểm soát tốt chỉ số huyết áp cần: Theo dõi huyết áp hàng ngày; uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, không được tự ý bỏ thuốc, có chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh..

Điều trị đái tháo đường

Giữ đường huyết trong tầm kiểm soát. Đường huyết cao sẽ hủy hoại mạch máu và dễ hình thành các cục máu đông trong lòng mạch gây đột quỵ. Theo dõi đường huyết thường xuyên. Tuân thủ chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thuốc để giữ mức đường huyết trong mức cho phép.

Tránh xa thuốc lá

Hút thuốc làm tăng sự hình thành cục máu đông, xơ vữa động mạch. Cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn, việc ngưng hút thuốc là một trong những thay đổi lối sống mạnh mẽ nhất sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể.

Kiểm soát đồ uống có cồn

Một khi bạn uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ tăng lên. Do đó đừng uống rượu hoặc nếu có uống thì phải uống có kiểm soát. Hãy lựa chọn rượu vang đỏ thay vì rượu nặng.

Điều trị rung nhĩ

Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp và dẫn tới nguy cơ cao đột quỵ. Nếu bạn có các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực, nhịp tim rối loạn lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu, hãy tới bác sĩ để khám và được điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ