Những bệnh hô hấp thường gặp trong ngày lạnh và cách phòng tránh

Một trong các bệnh hay gặp đó là các bệnh đường hô hấp. Những bệnh sau đây đáng lưu ý khi trời lạnh đột ngột.

Giữ gìn sức khỏe bằng những loại thực phẩm lành mạnh để tránh các bệnh hô hấp trong ngày lạnh (Ảnh minh họa)
Giữ gìn sức khỏe bằng những loại thực phẩm lành mạnh để tránh các bệnh hô hấp trong ngày lạnh (Ảnh minh họa)

Tại sao trời lạnh hay bị bệnh?

Trời lạnh và những thời điểm sang thu, đông là thời điểm mà cơ thể chúng ta dễ bị bệnh nhất. Lý do thứ nhất đó là cơ thể bị suy giảm khả năng miễn dịch vào những ngày trời lạnh. Chức năng miễn dịch là một trong chức năng tối quan trọng trong việc phòng bị cho cơ thể.

Nó giúp chúng ta tránh bị mắc các bệnh hàng ngày, giúp chúng ta chống trả với các mầm bệnh bên ngoài xâm nhập. Người ta kết luận điều này đó là vì khi quan sát các tế bào máu vào những ngày trời lạnh thì thấy số lượng các tế bào bạch cầu, những tế bào miễn dịch quan trọng bậc nhất, giảm hẳn xuống. Nghĩa là cơ thể chúng ta rất suy yếu và dễ bị tấn công.

Lý do thứ hai đó là sự hanh khô và lạnh khiến cho cơ thể dễ bị bay hơi nước. Một trong các cơ quan bị bay hơi nước nhiều nhất đó là mũi, họng, miệng và đường thở.

Do độ ẩm trong không khí quá thấp (hanh), lại do lạnh nên hơi nước dễ bay hơi. Chúng ta cần chú ý là trong mũi, họng, đường thở luôn có một lượng chất nhầy ẩm ướt nhất định.

Khi điều kiện môi trường trở lên hanh và khô thì hơi nước bay ra dễ dàng hơn. Điều này dẫn đến niêm mạc mũi họng, đường thở trở lên khô.

Bạn có thể nhận cảm được điều này khi mỗi sáng ngủ dậy thấy miệng khô khốc và hơi rát. Hậu quả dẫn đến các tế bào bảo vệ trên hệ thống này mất chức năng, dễ tổn thương và mầm bệnh dễ xâm nhập.

Mặt khác, chất nhầy là hàng rào bảo vệ hữu hiệu cho cơ thể. Chúng giữ lại và ngăn chặn tất cả các mầm bệnh xâm nhập. Khi hàng rào chất nhày bị giảm và tế bào bị tổn thương thì mầm bệnh dễ tấn công.

Đó là lý do vì sao mà vào những ngày trời lạnh hoặc những đợt chuyển lạnh đột ngột trong tiết trời thu chúng ta lại dễ bị bệnh đặc biệt là các bệnh đường hô hấp.

5 bệnh cần cảnh giác trong những ngày lạnh

Trong những ngày chuyển mùa lạnh, chúng ta cần chú ý tới năm bệnh sau. Năm bệnh này khá dễ gặp và cũng rất dễ phòng ngừa.

Viêm mũi

Viêm mũi hay chính xác hơn là viêm niêm mạc mũi là bệnh mà trong đó hệ thống niêm mạc của mũi bị viêm. Biểu hiện điển hình nhất của viêm mũi là chúng ta bị sốt, hắt hơi liên tục và chảy mũi.

Ít khi có ho trong viêm niêm mạc mũi. Sốt có thể gặp hoặc có thể không gặp, nhưng ở một số người thì sốt thể hiện khá rõ và đạt ở nhiệt độ rất cao.

Tuy nhiên hai dấu hiệu là hắt hơi và chảy nước mũi thì bao giờ cũng có. Người bệnh có thể hắt hơi liên tục, hắt hơi nhiều lần, hắt hơi hàng tràng và chảy nước mũi. Nước mũi có đặc điểm là trong và loãng. Kèm theo đó người bệnh có thể có triệu chứng nói giọng mũi.

Biểu hiện của viêm mũi rất giống với người viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở một điểm đó là sự lây lan sang hệ thống khác.

Với người viêm mũi dị ứng thì hắt hơi và chảy nước mũi rất nặng nề và liên tục, họ lại không dễ chuyển thành bệnh viêm họng hay viêm phế quản.

Nhưng với người bị viêm mũi thì mặc dù họ không có hắt hơi và chảy mũi đến mức độ nhiều nhưng họ lại rất dễ chuyển thành viêm họng.

Chỉ trong chừng 2 - 3 ngày, viêm mũi không điều trị hiệu quả thì sau đó sẽ chuyển thành viêm họng và các cơ quan hô hấp dưới đó ngay lập tức.

Viêm mũi không khó điều trị và dự phòng. Ngay khi bị bệnh, chúng ta phải dùng các thuốc nhỏ mũi ngay không để cho dịch viêm chảy xuống dưới đường thở.

Viêm họng

Viêm họng là tình trạng mà niêm mạch họng bị viêm kèm theo đó là sự viêm đau của các tổ chức bạch huyết xung quanh. Các tổ chức bạch huyết này thực ra là các đám bạch huyết được gọi là các amidan.

Có 4 loại amidan gồm amidan vòm nằm ở trên nóc vòm họng, amidan vòi nằm ở hai bên vòi nhĩ, amidan khẩu cái nằm ở hai bên thành bên của họng và amidan gốc lưỡi.

Khi viêm họng thì ngoài niêm mạc họng sưng đỏ thì các tổ chức amidan này rất dễ bị viêm. Điều này (viêm niêm mạc họng) làm cho người bệnh cảm thấy họng đau rát, đau như có lửa trong họng vậy.

Nói cũng đau, thở cũng đau, rát vô cùng. Kèm theo đó là cảm giác nuốt vướng, đó là dấu hiệu chứng tỏ amidan đang viêm sưng. Nuốt vướng và nuốt đau là dấu hiệu chỉ điểm tổ chức amidan đang bị viêm lây.

Có một dấu hiệu dễ nhận thấy trong viêm họng đó là sốt. Sốt trong viêm họng sốt rất cao, sốt thực thụ. Mức độ sốt và thời gian sốt phụ thuộc vào mầm bệnh xâm nhập. Có một điều như này cần chú ý, không phải viêm họng nào cũng là do vi khuẩn gây ra.

Có tới 80 - 90% viêm họng là do vi rút gây ra. Song việc dùng dự phòng các liều nhẹ kháng sinh ban đầu có tác dụng hữu hiệu chống viêm họng do vi rút trở thành vi khuẩn. Ngoài sốt và đau họng, chúng ta còn bị ho, khạc đờm loãng.

Viêm họng cần điều trị ngay nếu không nó dễ chuyển thành viêm phế quản và viêm phổi. Viêm họng rất dễ gặp ở người ngủ thở bằng miệng, người ngáy ngủ, người có cấu trúc amidan có nhiều lỗ và bề mặt gồ ghề. Điều trị viêm họng không khó, chỉ cần dùng thuốc vài ngày là khỏi. Điều trị theo con đường xông thuốc họng rất nhanh khỏi.

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm bị viêm. Dây thanh âm là bộ phận phát âm và phát ra tiếng nói cho chúng ta, nó nằm ở trong thanh quản. Muốn nhìn thấy dây thanh âm chúng ta phải đi nội soi họng.

Dây thanh âm bị viêm khiến cho chúng ta bị khàn tiếng, khản đặc thậm chí là mất tiếng. Kèm theo hiện tượng này đó là sốt. Các triệu chứng khác có thể có như ho và khạc đờm song đó không là dấu hiệu chính. Đó chỉ là dấu hiệu chứng tỏ các cơ quan khác đang bị bệnh mà thôi.

Viêm thanh quản hay gặp ở người nói nhiều, nói liên tục như nhân viên bán hàng, giáo viên, nhà báo, nhân viên phát thanh, người phải làm việc trong môi trường nhiều lạnh và nhiều gió.

Viêm thanh quản mặc dù không gây ra các bệnh cơ thể khác ngoài khản tiếng nhưng nó cũng gây ra nhiều khó chịu và cản trở trong công việc. Việc điều trị chỉ cần dùng thuốc đúng trong 3 - 5 ngày là khỏi.

Viêm amidan

Viêm amidan là viêm các tổ chức bạch huyết nằm trong khu vực hầu họng. Như đã nói ở trên chúng ta có 4 loại amidan trong khu vực đường hô hấp trên. Tất cả các amidan này đều có nguy cơ viêm như nhau.

Viêm amidan có triệu chứng là sốt và kèm theo đó là thở đau và nuốt đau. Tùy thuộc vào amidan nào bị viêm mà chúng ta có triệu chứng nào là điển hình. Ví dụ như nếu là amidan vòm bị viêm thì chúng ta sẽ thấy khó thở là chính, thở đau.

Viêm amidan này còn gọi là viêm VA. Nếu là amidan gốc lưỡi bị viêm thì chúng ta lại bị ho là chính trong khi đó nếu amidan ở hai bên thành họng bị viêm (soi gương há miệng nhìn thấy rất rõ) thì nuốt đau là triệu chứng đặc trưng.

Viêm amidan là bệnh hay gặp ở trẻ em. Amidan rất hay bị viêm và rất dễ chuyển thành các bệnh khác trong hệ thông đường thở. Điều trị viêm amidan không quá khó.

Có thể dùng thuốc vài ngày là khỏi. Nhưng khi đã bị nặng thì chúng ta phải dùng thuốc theo đường tiêm truyền hoặc có khi phải phẫu thuật. Viêm amidan hay bị tái phát.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm đường thở tính từ thanh quản trở xuống. Phế quản là đường thở chính và là đường thở đi sâu vào trong phổi. Mầm bệnh chính của viêm phế quản đó chính là vi rút và vi khuẩn với nguy cơ ngang bằng nhau.

Viêm phế quản có biểu hiện là sốt cao, ho, khạc đờm và khó thở. Ho trong viêm phế quản là ho thực thụ, do đường thở có nhiều đờm. Nên hầu như người bệnh bị ho nhiều vào buổi sáng và buổi chiều, thời điểm mà đờm tiết dịch nhiều nhất.

Đờm là một dấu hiệu gần như khi nào cũng có với viêm phế quản. Đờm có thể vàng, có thể xanh, nhưng gần như khi nào cũng là đờm đặc.

Ở trẻ em còn có nguy cơ khó thở xảy ra do các cơ đường thở co thắt quá mức. Vì thế nên chú tới dấu hiệu này. Nó cũng là một trong các lý do khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú bỏ ăn.

Viêm phế quản rất hay gặp ở độ tuổi trưởng thành, sau mới đến tuổi trẻ em. Những người làm việc nơi trời lạnh gió, đi đứng không có phương tiện bảo vệ che chắn rất hay bị viêm phế quản.

Viêm phế quản có thể dùng thuốc theo đường uống, theo đường tiêm, nhưng nếu bổ sung thêm theo con đường xông họng thì nhanh khỏi hơn. Tất nhiên là phải dùng đúng thuốc. Viêm phế quản trẻ em phải điều trị ngay không thì biến thành viêm phổi.

Phòng tránh bệnh thế nào?

Với các bệnh đường hô hấp, phòng trừ là chính. Vì chúng có đặc điểm là không thể khỏi suốt đời và hay bị tái phát trở lại. Một số mẹo sau giúp chúng ta giảm nguy cơ bị bệnh.

- Đừng ngồi quạt liên tục và quá lâu. Chiếc quạt đơn giản như vậy thôi nhưng lại là thủ phạm gây ra nhiều bệnh hô hấp đến không ngờ. Chỉ cần bạn ngồi quạt liền 2 giờ đồng hồ là bạn cảm thấy cổ họng khô và rát ngay.

Để giảm nguy cơ, khuyên bạn nên bật quạt nhỏ, nên ngồi xa chừng 2m, không nên để quạt thổi trực tiếp vào mặt mà nên vào lưng hay thân người. Không nên để quạt thổi trực tiếp khi ngủ và cũng không nên để quạt đứng im trong khi hoạt động.

- Ngủ ở nơi kín gió và ấm áp. Điều này rất có lợi. Tránh nhiễm lạnh và tránh viêm đường hô hấp. Nơi ngủ cần kín và không có gió. Không nên nằm ngủ ở gần cửa ra vào, gần cửa sổ, gần ô thoáng. Sẽ có lợi với người người ngủ ngáy.

- Hạn chế bé trẻ ra đường trời gió và vào những thời điểm quá sớm hay quá muộn. Chỉ cần bạn lỡ đi chơi về muộn và đưa trẻ về muộn là trẻ bị viêm đường hô hấp ngay. Tránh gió tránh lạnh là hai yếu tố quyết định đến việc trẻ có bị viêm đường hô hấp hay không.

Theo khoe360.tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.