Những bất ngờ từ đề thi cao đẳng

GD&TĐ - Đề thi cao đẳng 3 môn cuối cùng của buổi sáng nay (Văn, Vật lý, Sinh học) có nhiều điểm thú vị khiến nhiều giáo viên phải thốt lên vì bất ngờ.

Thí sinh kết thúc thi môn Ngữ văn tại Trường CĐSP Hà Nội
Thí sinh kết thúc thi môn Ngữ văn tại Trường CĐSP Hà Nội

Ý tưởng xuyên suốt của đề thi Văn

Đề thi Ngữ văn cao đẳng năm nay có một ý tưởng xuyên suốt, đó là tình yêu quê hương và tinh thần yêu nước cháy bỏng.

Đó là nhận định của thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Trường THPT Anhxtanh Hà Nội. Theo thầy Hùng, tình yêu nước ở đây không phải là một khái niệm chung chung, mơ hồ mà rất cụ thể: Yêu những khung cảnh bình dị của làng quê, yêu nước là biết quan tâm một cách có trách nhiệm với các sự kiện đang diễn ra hàng ngày hay có tính thời sự của đất nước.

Đề thi Ngữ văn tiếp tục thể hiện rõ hướng đổi mới trong cách ra đề và cấu trúc đề thi. Theo đó, câu 1 kiểm tra kĩ năng đọc hiểu văn bản của thí sinh với một đoạn thơ trích từ phần đọc thêm, sách ngữ văn 11 - đoạn thơ trong bài “Chiều xuân” của Anh Thơ.

Đây là đoạn thơ hay, sâu lắng trong khung cảnh thanh bình của làng quê. Vì thế thí sinh sẽ cảm nhận được giá trị của cuộc sống hòa bình, không có chiến tranh.

Câu 2 thuộc phần nghị luận xã hội, tiếp tục đề cập tới “lòng yêu nước chân chính” gắn liền với hành vi có trách nhiệm.

Đề bài vừa nêu biểu hiện bề ngoài vừa nêu tình cảm, động lực bên trong của tình yêu nước. Dựa vào đó để phân tích, bàn luận các thí sinh mới có được bài làm đầy đủ, sâu sắc.

Vấn đề cần nghị luận (tình yêu nước) là vấn đề đã quen thuộc nhưng vẫn luôn mang tính thời sự. Các thí sinh có thể liên hệ với những hành động biểu hiện lòng yêu nước nhiệt thành của giới trẻ, tinh thần và ý thức trách nhiệm trước vấn đề chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.

Với cách đặt vấn đề như vậy, chắc chắn kì thi năm nay sẽ có nhiều bài viết độc đáo, thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm riêng của các thí sinh. Với đề thi này, học sinh học khá có được 7 điểm và sẽ có không ít điểm giỏi.

Đề thi Vật lý: Câu cực đơn giản có thể làm khó thí sinh

Thầy Phạm Văn Thường, giáo viên Trường THPT Anhxtanh nhận xét đề thi cao đẳng môn Vật lý khối A và A1:

Đề thi cao đẳng có 2 câu gây bất ngờ với thí sinh. Đó là câu tìm số chữ số có nghĩa (câu 18, đề 863), và câu sai số của dụng cụ đo (câu 24 đề 863).

Hai câu này cực đơn giản nhưng học sinh sẽ “không biết làm thế nào” vì cả học sinh và giáo viên thường không xem trọng việc làm báo cáo thí nghiệm và xử lý kết quả đo, thế nên học sinh không biết cách sử lý sai số và viết kết quả của phép đo.

Hoan nghênh đề thi đòi hỏi giáo viên và học sinh quan tâm tới phương pháp cơ bản của vật lý, đó chính là phương pháp thực nghiệm.

Đề có một phần tư các câu hỏi lý thuyết và ba phần tư bài toán đều khá quen thuộc với học sinh. Các hiện tượng vật lý được đề cập rõ ràng và yêu cầu tính toán không cao. Học sinh trung bình khá sẽ không gặp phải khó khăn nào với đề thi này và có thể đạt điểm 8,9.

Đề Sinh học: Tỷ lệ lý thuyết áp đảo

Thầy Phạm Xuân Lam, giáo viên Trường THPT Anhxtanh Hà Nội, nhận xét đề thi cao đẳng môn Sinh khối B, mã đề 425:

Đề thi có cấu trúc giống đề thi đại học gồm 50 câu nhưng tỷ lệ số câu lý thuyết áp đảo (38 câu), bài tập (12 câu).

So với đề thi đại học thì đề cao đẳng dễ hơn rất nhiều. Những câu cần tư duy nhiều gồm câu 46, 47 là các câu di truyền quần thể; câu 27 về sơ đồ phả hệ; câu 18 và 33 về hoán vị gen.

Một số câu lí thuyết khó thuộc về phần tiến hóa như câu 39, 41, 32, 20. Đề không có câu thật khó, thí sinh có sức học trung bình khá trở lên đều có thể làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ