Đậu bạc đầu
Là cây bụi nhỏ, sống lâu năm, cao 0,5 - 2m. Thân tròn, phân nhiều cành, cành non hình tam giác dẹt, uốn lượn, có cạnh và lông mềm màu trắng, mặt sau nhẵn. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét, đường gân mặt trên lõm, mặt dưới lồi.
Các lá non, ở ngọn có phủ lớp lông tơ trắng nhiều hơn ở cả 2 mặt. Hoa nhỏ, mọc thành chùm đơn ở kẽ lá, màu trắng, cánh hoa có móng. Quả loại đậu, không cuống, có mép lượn, thắt lại ở giữa các hạt thành 2 - 3 đốt, có lông mềm mầu trắng bạc. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là lá, chứa tanin, flavonoid, acid hữu cơ và alcaloid.
Cây mọc hoang ở các đồng cỏ, vùng đồi trung du và vùng núi Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, An Giang… Thu hái lá vào mùa xuân hè. Dùng tươi hay phơi khô, hoặc sấy, có thể sao cho hơi vàng để có mùi thơm.
Theo Đông y, cây có tác dụng kháng khuẩn chống viêm. Nhân dân thường dùng lá để chữa lỵ, hội chứng lỵ, tiêu chảy, ...
Những bài thuốc dân gian thường dùng
Chữa lỵ
Lá đậu bạc đầu 30 - 50g phơi khô, sao vàng. Rửa sạch, cho 450ml nước, đun sôi 15 - 30 phút. Chia hai lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 3 - 5 ngày, tùy theo bệnh nhẹ hay nặng. Có thể phối hợp với ké hoa đào, cùng liều lượng để sắc uống sau bữa ăn.
Chữa tiêu chảy, rối loạn thức ăn
Lá đậu bạc đầu 30 - 50g sao vàng. Rửa sạch, cho 400ml nước, đun sôi còn 150ml. Chia hai lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 3 - 5 ngày, sau bữa ăn.
Chữa rắn cắn
Lá đậu bạc đầu tươi giã nát hay nhai nuốt nước, lấy bã đắp.
Kiêng kỵ
Không nên dùng dài ngày vì có thể gây táo bón.
Hiện nay chúng ta đã sản xuất viên ba chẽ bào chế từ cao đậu bạc đầu để chữa bệnh trị lỵ trực khuẩn, tiêu chảy và các trường hợp nhiễm khuẩn do tụ cầu khuẩn. Liều dùng theo định của bác sĩ.