Những bài học sống về chặn giặc lửa

GD&TĐ - “Thủy, hỏa, đạo, tặc” – ông cha ta đã đưa giặc lửa vào hàng nguy hại thứ hai. Và trong ngành dệt may, với đặc thù nguyên vật liệu bén cháy nhạy như xăng, thì việc chặn giặc lửa phải được đưa lên hàng đầu.

Những bài học sống về chặn giặc lửa

Hết sức cẩn trọng

Thời gian vừa qua, hung thần lửa hoành hành thiêu rụi các khu dân cư và cả khu nhà máy sợi của một doanh nghiệp FDI, cùng những vụ cháy lớn khủng khiếp mới xảy ra trong khu vực châu Á khiến người dân hoang mang, doanh nghiệp (DN) cũng như các cơ quan chức năng phải tập trung hơn cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Đặc biệt, với các nhà máy sợi, dệt, may, công tác PCCC càng phải cẩn trọng hơn gấp nhiều lần. Những bụi bông lơ lửng trong không khí, bám trên máy, trên sàn nhà xưởng, nếu không có hệ thống thu gom kịp thời, chỉ cần một tia lửa xẹt ra do ma sát các bộ phận trong lúc máy chạy, là lập tức bụi bông bén lửa, loang ra nhanh như chớp không cách gì chặn kịp. Cả công xưởng, nhà máy sẽ hóa thành núi lửa ngùn ngụt nhanh chóng.

Do đó, việc vệ sinh bụi bông, các nguyên vật liệu dư trong quá trình sản xuất phải được làm tuyệt đối nhanh gọn, thường xuyên liên tục. Việc kiểm tra máy móc cũng phải vô cùng cẩn thận, tránh việc ma – xát bắn ra tia lửa, sự cố chập điện, nổ cũng phải được các kỹ thuật viên lường trước, tránh gây cháy...

Công tác an toàn ở bất cứ nơi nào đều phụ thuộc chính vào con người sống hoặc làm việc tại nơi ấy. Trong các nhà máy sợi-dệt-may, mỗi người lao động đều cần trang bị ý thức, kiến thức và kỹ năng PCCC.

Muốn như vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện NLĐ về PCCC phải được thực hiện chuẩn chỉnh và thường xuyên. Với những người phụ trách công tác PCCC trong cơ sở, thì việc học tập cập nhật kiến thức mới trong công tác này cũng phải đặt lên hàng đầu. Khi có kiến thức mới, nhân sự phụ trách PCCC cần tổ chức đào tạo lại ngay cho anh chị em trong đơn vị mình.

Những bài học sống

Chính những cán bộ, nhân viên tại các đơn vị dệt may lâu năm, nhưng chưa để xảy ra một vụ hỏa hoạn nào, là những người mang kinh nghiệm quý, bài học sống động về công tác PCCC.

Ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Dệt, thuộc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, cho biết, trong công ty, lượng bông luôn rất lớn, ngoài ra còn nhiều nguyên liệu khác phục vụ sản xuất cũng thuộc loại dễ cháy, nổ. Do đó, ngoài việc trang bị công cụ PCCC như máy bơm nước, bình chữa cháy… tại tất cả các kho tàng, nhà xưởng theo quy định chung của Nhà nước, ban hành nội quy PCCC phù hợp, thì công tác tuyên truyền và đào tạo được nâng cao liên tục.

Như trong công tác tuyên truyền, các băng-rôn, khẩu hiệu treo cửa vào xưởng, các thông điệp chạy nơi bảng điện tử cổng công ty, các biển báo nơi nguy hiểm, dễ cháy, biển cấm hút thuốc… Về công tác đào tạo và huấn luyện được làm thường xuyên: Phòng bảo vệ phối hợp với công an PCCC khu vực diễn tập và huấn luyện, tiếp đó có tổ chức thi cho NLĐ, kiểm tra, có nộp bài thi, thực hành thi tại chỗ… Ngoài công tác kiểm tra an toàn từ những cán bộ đảm nhiệm, thì mỗi người lao động cũng tự kiểm tra mỗi ngày trong khu vực của mình hoạt động về vấn đề PCCC...

Có câu châm ngôn rằng “có thể loại trừ một vụ cháy bằng một ca nước”, đó là nói việc phát hiện ngay để dập cháy, còn nếu để cháy phát triển trong 5 phút, 10 phút, 15 phút thì hậu quả khôn lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ