Bài học về viên gạch vỡ
Giảng về phạm trù nghĩa vụ, lương tâm trong bài học “Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học” (Giáo dục công dân 10), thầy Đặng Quang Hoa (Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn - Hưng Yên) đã đưa ra tình huống:
“Trên đường đi học về, cách trường khoảng 500 m, Hà nhìn thấy mấy viên gạch vỡ nằm ngay giữa đường. Có lẽ gạch rơi ra từ chiếc xe ô tô của ai đó chở vật liệu xây dựng.
Xe vừa lướt qua, bỗng Hà chợt nghĩ trên đoạn đường này thường xuyên có nhiều xe máy, xe đạp và trẻ con đi qua; nếu cứ để đó thì thật không an toàn cho người qua lại, thế nào cũng có người bị ngã.
Hà nói với mấy bạn cùng đi dừng xe lại để nhặt gạch, kẻo có người bị ngã. Thế nhưng, một bạn nói đó không phải là việc của các ban và không ai dừng lại. Hà dừng lại, lặng lẽ nhặt mấy viên gạch vỡ và xếp gọn vào ven đường. Xong việc, Hà đạp xe về nhà và thấy lòng mình thật vui.”
Tình huống được đưa ra cùng với 3 câu hỏi: Tại sao Hà lại thấy vui khi nhặt xong những viên gạch vỡ xếp vào ven đường? Em có suy nghĩ gì về việc mấy bạn cùng lớp không hưởng ứng lời đề nghị của Hà? Nếu có mặt ở đó em sẽ xử sự như thế nào?
Thầy Hoa cho rằng, việc đưa ra tình huống như vậy giúp giảm lối học thụ động, sách vở, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế, khuyến khích học sinh tích cực xem xét, thảo luận về một tình huống, một câu chuyên, nhân vật có thật trong thực tế.
Với tình huống giáo viên đưa ra, học sinh tiếp nhận lý thuyết bằng cách giải quyết những vấn đề thực tế.
Từ đó, tăng cường khả năng suy nghĩ độc lập, kiên định khi tiếp cận tình huống dưới nhiều góc độ, tăng cường tính sáng tạo để tìm giải pháp cho vấn đề, kỹ năng đánh giá các giải pháp đã lựa chọn.
Đồng thời, phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần tập thể, tính trách nhiệm và tự khẳng định mình của học sinh. Từ đó, nâng cao lòng tin vào khả năng giải quyết vấn đề trong tương lai.
Trò chơi Vẽ cây tâm trí
Khi dạy phạm trù Hạnh phúc, thầy Đặng Quang Hoa chia sẻ, giáo viên có thể hướng dẫn lớp tiến hành trò chơi Vẽ cây tâm trí bằng cách đặt câu hỏi: Theo em hạnh phúc thể hiện như thế nào?
Giáo viên yêu cầu học sinh vẽ ra những điều làm cho các em hạnh phúc bắng cách thể hiện qua các nhánh cây. Với mỗi biểu hiện học sinh dùng bút màu để vẽ ra, nhóm nào vẽ càng nhiều nhánh cây thể hiện những điều làm các em hạnh phúc, biểu thị một vòng tròn khép kín, đẹp sẽ là nhóm thắng cuộc.
Sau phần hoạt động của học sinh, giáo viên có thể kết luận hạnh phúc là gì? Định hướng trong nhận thức và cách xác định giá trị, làm tăng thêm kỹ năng hợp tác, lắng nghe, chia sẻ giữa các bạn trong nhóm và lớp học. Học sinh sẽ tiếp cận với phạm trù hạnh phúc một cách sâu sắc, toàn diện.
Thấm nhuần bài học qua chuyện kể
Khi dạy bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình, giáo viên dùng phương pháp kể chuyện, với những câu chuyện phù hợp, hấp dẫn, lôi cuốn sự tập trung của học sinh.
Theo thầy Đặng Quang Hoa, thông qua những câu chuyện, tác động trực tiếp tới suy nghĩ, cảm xúc của người học. Qua đó, giúp học sinh hình thành kỹ năng xác định giá trị, cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh mình; tích cực suy nghĩ để có thể lập luận chặt chẽ, đưa ra những ví dụ dẫn chứng, rèn luyện tính kiên định, tu duy phê phán và khả năng giao tiếp có hiệu quả.
Với những mối quan hệ trong cuộc sống như quan hệ với bạn bè, bố, mẹ, hàng xóm…, học sinh sẽ lựa chọn cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng và trong từng hoàn cảnh cụ thể.
“Kỹ năng giao tiếp được coi là một trong những kỹ năng quan trọng, kỹ năng này có thể thể hiện băng lời nói, sự trao đổi thông tin giữa các học sinh hoặc cũng có thể sử dụng kỹ năng giao tiếp không lời (kỹ năng lắng nghe ).
Sự lắng nghe, chia sẻ, biết tôn trọng các ý kiến giữa các thành viên trong lớp sẽ làm cho học sinh tự tin, cởi mở, làm cho mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên trở nên gần gũi. Qua đó quá trình học tập sẽ tích cực” - Thầy Đặng Quang Hoa cho hay.
Phương pháp động não
Khi dạy bài 16: Tự hoàn thiện bản thân, thầy Đặng Quang Hoa dùng phương pháp động não. Với phương pháp này giáo viên có thể tập hợp nhiều ý kiến khác nhau trong một thời gian ngắn, tạo không khí học tập sôi nổi, học sinh sẽ chủ động, tích cực, tự tin.
Để tự hoàn thiện bản thân, học sinh phải tự nhận thức được mặt mạnh mà mặt hạn chế của bản thân, biết được những giá trị định hướng niềm tin và hành động trong cuộc sống.
Việc giáo viên hướng dẫn học sinh đặt ra mục tiêu giúp cho người học sống có định hướng, không có quá nhiều ảo tưởng. Kỹ năng này làm cho việc tiếp cận mục tiêu đề ra một cách cụ thể, thực tế.
Học sinh xác định mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, xác định đúng những thuận lợi, khó khăn trước mắt và có kế hoạch cho những giai đoạn thực hiện mục tiêu.
Học sinh cũng đồng thời xác định được quyết tâm là nhân tố quan trọng, là động lực thúc đẩy việc thực hiện đạt tới mục tiêu đề ra. Từ đó sẽ thay đổi nhận thức, thái độ học tập, khắc phục tình trạng học đối phó, học không tư duy của học sinh.
Thầy Đặng Quang Hoa cho rằng: Để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh hiệu quả cần hội tụ 4 yếu tố: Bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình phải thương yêu, định hướng, hỗ trợ tạo điều kiện nhưng không bắt ép các em; cha mẹ cần dành nhiều thời gian lắng nghe con mình hơn; gia đình động viên giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội, bố trí thời gian học tập, vui chơi phù hợp. Gia đình phải là nơi xây dựng cho các em thái độ yêu thích môn học, không coi nhẹ môn học.
Chính việc làm này sẽ giúp học sinh hoàn thiện hơn về nhân cách, đạo đức, nâng cao được chất lượng giáo dục.
Với nhà trường, quan tâm đào tạo và lồng ghép tích cực để tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện kỹ năng sống. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của học sinh, lựa chọn nội dung phù hợp để tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh.