Khi một mối quan hệ kết thúc, chúng ta thường chỉ tự hỏi làm thế nào để không gục ngã, làm thế nào để vui vẻ trở lại? Hãy bình tâm đối diện với sự đổ vỡ và rút ra những bài học về mối quan hệ thất bại để tránh vấp ngã trong những mối quan hệ sau này.
Thay vì phí thời giờ cố gắng tìm hiểu lý do chia tay, hãy dành thời gian để tìm hiểu cuộc sống khi thiếu vắng người đó (Ảnh minh họa) |
1. Bạn sẽ học được cách hiểu về bản thân mình hơn
Khi một mối quan hệ kết thúc, chúng ta có thể dành rất nhiều thời gian để mổ xẻ vô số tình huống nhằm khám phá những gì đã sai, điều gì đã khiến mối quan hệ đổ vỡ.
Tâm trí chúng ta hành động như thám tử, liên tục xem xét lại các tình huống để tìm manh mối cho những gì đã gây ra cái kết của tình yêu. Bạn bè của chúng ta trở thành nhà trị liệu tâm lý, bản thân chúng ta không ngừng phân tích cảm xúc về một người đã không còn là một phần của cuộc sống của mình.
Không sao, điều đó sẽ giúp bạn hoàn thiện hơn nhưng nếu bạn quá sa đà vào những suy tưởng về lỗi lầm, về lý do, nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ, điều đó có thể ngăn cản bạn sống cho hiện tại và tương lai, mà điều đó là quan trọng nhất.
Thay vì phí thời giờ cố gắng tìm hiểu lý do chia tay, hãy dành thời gian để tìm hiểu cuộc sống khi thiếu vắng người đó, tìm hiểu bản thân mình là ai khi không có một người quen thuộc bên cạnh. Từ từ nhìn rõ chính bản thân mình là bước ngoặt cực kỳ tốt để khởi động lại cuộc sống.
2. Học được cách yêu thương bản thân mình
Nếu bạn vừa kết thúc một mối quan hệ khiến cho bạn nản lòng, buồn chán, cảm thấy bị coi thường, hãy đặt câu hỏi: “Tại sao mình lại yêu cầu người khác yêu thương, tôn trọng mình trong khi mình còn không làm điều đó với chính bản thân mình?”.
Thay vì tìm đến người khác để chứng minh mình thật dễ thương và độc đáo, bạn nên nhìn vào gương và bắt đầu với chính mình. Tự chăm sóc bản thân theo cách chúng ta muốn người khác đối xử với mình có nghĩa là bạn đã tự biết cách tỏa sáng.
Hãy nhớ rằng, bạn làm người đó đặc biệt vì bạn yêu người đó chứ không phải bạn yêu người đó vì sự đặc biệt. Khi hai bạn chia tay, bạn chỉ lấy lại tình yêu, lấy lại cách bạn làm người khác trở nên đặc biệt mà thôi. Hãy yêu thương chính bản thân mình nhiều nhất có thể.
3. Học được cách không đổ lỗi
Chia tay, đa số mọi người đều đổ lỗi cho những người có liên quan, hoặc tiêu cực hơn, nhận mọi tội lỗi về phía mình. Khi chúng ta đổ lỗi cho người khác, chúng ta không cảm thấy cơn giận tan biến, đó đơn giản chỉ là cách ta đang biện minh cho những sai lầm và tội lỗi của mình. Tệ hơn, khi bạn nhận mọi tội lỗi về mình, bạn cảm thấy xấu hổ như một kẻ tội đồ.
Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, mối quan hệ kết thúc có rất nhiều nguyên nhân, quanh quẩn với việc nhận lỗi hay đổ lỗi chỉ càng khiến tâm tình bạn trở nên tồi tệ hơn. Hãy học cách đứng lên, kiểm điểm lại những sai lầm và bước tiếp.
Học được cách không đổ lỗi |
4. Bạn học được giá trị của sự kiên nhẫn
Một tình yêu tan vỡ sẽ mang đến cho bạn một quang phổ cảm xúc, cảm xúc của bạn lên xuống thất thường, từ nỗi đau đến niềm vui, từ tức giận đến phấn khích. Sự thật là quá trình phục hồi sau đổ vỡ không bao giờ là một đường thẳng, nó giống như tàu lượn, nơi chúng ta có thể trải nghiệm vô số cảm xúc cùng lúc.
5. Bạn học được cách vượt qua cảm xúc tiêu cực
Bạn có thể lựa chọn hét lên hay tận hưởng cuộc hành trình. Hãy kiên nhẫn tận hưởng cả những nỗi đau vì cuộc đời đâu phải ai cũng có thể khiến ta buốt tim.
Suy nghĩ về một mối quan hệ đã kết thúc thông thường khiến chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm đau đớn chứ không mấy ai tỉnh táo nghĩ đến những kỷ niệm ngọt ngào và nhìn vào đó như điểm tích cực. Hãy nhớ lại những điều tốt đẹp về mối quan hệ đã qua, chúng ta sẽ có một góc nhìn khách quan, lành mạnh.
Tập trung vào những khía cạnh tiêu cực chỉ khiến bạn giận dữ và đau đớn, khó thoát được khỏi cái bóng của một tình yêu không kết trái.
Tha thứ là một trong những món quà tốt nhất mà chính bạn có thể tặng cho bản thân mình sau chia tay. Điều đó có nghĩa là bạn đã có thể buông bỏ quá khứ đau đớn, gạt bỏ tác động của nó đến những tiềm năng cho hạnh phúc hiện tại.
Thời điểm bạn học được cách tha thứ, bạn sẽ nhận ra rằng, cuộc sống vẫn tiếp diễn, ngày mai là một ngày khác. Việc tha thứ cũng giúp chúng ta giải phóng sức mạnh trong trong trái tim và tâm trí, giúp chuyển đổi sự tức giận, đau đớn và thất vọng thành một thứ gì đó tươi sáng, nhẹ nhàng và có ý nghĩa hơn.
6. Bạn học được cách “chế biến” nỗi đau thành năng lượng tích cực
Khi một mối quan hệ kết thúc, chúng ta có thể đắm mình trong công việc, các dự án gia đình hoặc sở thích. Chúng ta trở nên xã hội hơn, cố gắng tìm kiếm những trải nghiệm mới, hoạt động mới và để mọi người lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của chúng ta.
Thông qua những hoạt động đó, bạn có thể chôn vùi những cảm xúc đau buồn và trống vắng, cho đến một ngày những hoạt động mà bạn tham gia khiến cho bạn cảm thấy bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn, đó cũng là lúc bạn “chế biến” thành công nỗi đau từ một mối quan hệ thất bại trở thành một nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống của mình.