Như khúc tình ca

GD&TĐ - Gấp cuốn hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế” sau khi đã đọc hết trang cuối, tôi thấy như mình vừa được nghe một khúc tình ca mà hai vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên – nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết vừa mới cất lên.   

Như khúc tình ca

Ông không viết hồi ký bởi ông bảo: những gì cần nói ông đã nói trong hơn 700 ca khúc rồi. Nhưng bà Phạm Tuyên – PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết thì không thể không viết, bởi như bà tâm sự ở lời mở đầu cuốn hồi ký: “Thời gian trôi thật quá nhanh, chẳng ai có thể níu kéo lại được, mà cũng chẳng cần níu kéo lại làm gì, vì nó đã để lại biết bao ấn tượng vui sướng và đau buồn, thành công và cả thất bại. Nhưng bao trùm lên tất cả là lòng tự hào và niềm hạnh phúc, bởi hơn bảy chục năm qua chúng tôi đã sống hết mình vì cuộc đời này”.

Vâng, bà đã hết mình cho sự nghiệp giáo dục mầm non, điều đó nhiều người biết. Bà là chủ nhiệm đầu tiên của khoa Giáo dục mầm non trường ĐHSP Hà Nội, chủ tịch Hội đồng giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT, là tác giả và đồng tác giả của 34 cuốn sách về Tâm lý học, GD mầm non, GD gia đình…Ông – nhạc sĩ Pham Tuyên cũng đã hết mình cho cuộc đời nhiều cung bậc của mình để “Trổ ong vàng dọc suối để hoa bay”, để không ai biết cuộc đời ông từng có những đắng cay, với hơn 700 ca khúc nhiều thể loại, trong đó có nhiều ca khúc cho thiếu nhi, ca khúc chính trị cán mốc những thời điểm lịch sử còn mãi với thời gian.

Họ đã sống hết mình như thế. Và sự hết mình đó đã được thể hiện trong cuốn hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế” mà bà Ánh Tuyết khởi thảo đúng vào dịp kỷ niệm đám cưới vàng của hai ông bà – năm 2007 khi ông 77 tuổi, bà 71 tuổi và họ về với nhau được tròn nửa thế kỷ. “Có quá nhiều kỷ niệm với biết bao biến cố, sóng gió, thăng trầm của cuộc đời, giờ đây như một bộ phim dài nhiều tập lần lượt hiện lên màn hình của chiếc máy vi tính với bàn tay gõ phím, đẩy chuột của một bà lão hơn bảy mươi tuổi”.

Không biết có phải là ngẫu nhiên hay một sự sắp xếp hữu ý của tác giả mà mở đầu cuốn hồi ký là những trang viết về người cha và bi kịch lịch sử và kết thúc cũng lại là những trăn trở của con dâu và cũng là của cả gia đình họ Phạm mà họ coi là một nhiệm vụ chưa hoàn thành: khôi phục lại sự nghiệp của học giả Phạm Quỳnh, một nhân vật lịch sử từng có lời tâm niệm bất hủ: “Đối với nhà, làm thế nào để nối nghiệp cha ông; đối với nước, làm thế nào để giúp cho quốc hồn được tỉnh táo, nước được độc lập, dân được hạnh phúc”.

Phải chăng, tình yêu với người chồng và với gia đình nhà chồng đã là ngọn suối nguồn trong trẻo để PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết viết nên khúc tình ca hồi ký đó. Như nhà thơ Trần Đăng Khoa – một người có cơ duyên là đối tượng nghiên cứu trong đề tài tiến sĩ của bà Ánh Tuyết “Đặc trưng tâm lý của trẻ có năng khiếu thơ” - đánh giá: “Hay nhất trong cuốn sách này là những trang viết về học giả Phạm Quỳnh và nhạc sĩ Phạm Tuyên”…Những trang ghi chép của Nguyễn Ánh Tuyết về Phạm Tuyên rất sinh động. Qua ngòi bút của bà, ta hiểu được tấm lòng ông. Số phận ông. Ta còn viết hoàn cảnh ra đời từng bài hát cụ thể của ông. Chính Phạm Tuyên cũng ngạc nhiên”.

Có ai ngờ đâu, chỉ hai năm sau khi viết cuốn hồi ký này, vào ngày 11/5/2009, tác giả của nó đã thành người thiên cổ. Và đến hôm nay, sau 7 năm, với nỗ lực của gia đình và bè bạn, cuốn hồi ký của bà đã được xuất bản, vào đúng dịp nhạc sĩ Phạm Tuyên chuẩn bị ra mắt đêm nhạc “Nhớ và quên” sẽ diễn ra vào ngày 14/1/2017 tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Ngày này, những khúc tình ca của nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà giáo Ánh Tuyết sẽ một lần nữa được cất lên, theo những giai điệu các ca khúc Phạm Tuyên một thời và mãi mãi.

Hãy đọc “Chúng tôi đã sống như thế” để thấu cảm giai điệu và lời ca trong ca khúc Phạm Tuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ