Nhu cầu về sừng tê ở Việt Nam giảm 38%

Nhu cầu mua và sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam đã giảm 38% sau một năm thực hiện chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần vào nỗ lực bảo vệ loài động vật quý hiếm này trên toàn cầu.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ người cho rằng sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ người cho rằng sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh

Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam và Tổ chức nhân đạo quốc tế (Human Society International) vừa công bố kết quả khảo sát sau một năm thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức cho người Việt Nam về nhu cầu sừng tê giác. Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.000 người tại 6 thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang và Cần Thơ.

Kết quả cho thấy, nhu cầu sừng tê ở Việt Nam đã giảm mạnh trong thời gian từ khi chiến dịch bắt đầu thực hiện vào tháng 8 năm ngoái đến nay. Trong đó, số người Việt Nam có nhu cầu mua và sử dụng sừng tê giác đã giảm 38%; số người tin vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giảm 25,4%.

Hà Nội là điểm có thay đổi lớn nhất với số người có nhu cầu mua và sử dụng sừng tê giác giảm 77%; số người tin vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giảm 53%.

"Kết quả trên giúp chúng ta có thêm hy vọng để đảm bảo sự sinh tồn của loài tê giác" - TS Teresa M. Telecky, giám đốc bộ phận loài hoang dã, thuộc tổ chức Humane Society International nói. 

Ông cho biết, nhu cầu về sừng tê giác là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của loài này, do vậy việc giảm nhu cầu về sừng tê có vai trò rất quan trọng.

Theo ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc CITES Việt Nam, nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam dù chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ dân số nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Với kết quả trên, chúng tôi tin rằng nó sẽ góp phần tích cực cùng với các nỗ lực toàn cầu để bảo vệ loài tê giác trên thế giới" - Ông Tùng nói.

Tê giác là loài động vật có vú dễ nhận biết nhất do có bộ sừng độc đáo và kích thước cơ thể to lớn. Ba trong số 5 loài tê giác còn tồn tại được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp là tê giác Java, Sumatra, tê giác đen và một loài sễ bị sếp vào nhóm sắp nguy cấp là tê giác Ấn Độ.

Loài trên hiện bị săn trộm với tốc độ chóng mặt. Năm 2012, 668 con tê giác bị săn trộm. Năm 2013, con số này là hơn nghìn con. Tính từ đầu năm đến nay, khoảng 821 con tê giác đã bị săn trộm ở Nam Phi. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do nhu cầu sử dụng sừng tê giác của một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ