Nhóm nghiên cứu góp phần khuyến khích, tạo động lực giải phóng sức sáng tạo khoa học

GD&TĐ -  Sáng nay 5/1/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia về Xây dựng và Phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học Việt Nam. Hội thảo do Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội - đơn vị chủ trì tổ chức. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự và chỉ đạo Hội thảo. Tham dự còn có đại diện Bộ KH&CN, ĐHQG Hà Nội và các trường thành viên.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT triển khai giải pháp xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam, trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp Nhà nước của chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020, tham luận của các đại biểu tại Hội thảo đã làm rõ những tiêu chí, mô hình của NNC, vai trò của NNC trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và tiềm lực KHCN của đơn vị.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo
 Các nhà khoa học tham dự hội thảo

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Khoa học chương trình, cho biết: Nghiên cứu các nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu quả hoạt động của NNC; đánh giá thực trạng các NNC trong các trường đại học Việt Nam hiện nay, xác định nguyên nhân của các tồn tại hạn chế, đồng thời từ kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tiễn đề xuất ra các mô hình, cơ chế hoạt động mới, các chính sách để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các NNC phát triển nhanh và mạnh hơn, nhằm tạo ra những đột phá về chất lượng cho GDĐH Việt Nam.

Việc xây dựng các NNC trong các trường đại học ở Việt Nam đang được đẩy mạnh trong các trường đại học trong những năm gần đây. NNC chính là một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, ngâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ nhân lực KHCN cũng như nâng cao xếp hạng của trường đại học. Nhiều trường đại học như ĐHQGHN, ĐH Bách Khoa, Học Viện KTQS, ĐH Ngoại thương, Học Viện Quân y, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân, ĐH Nguyễn Tất Thành,...đã có những giải pháp cụ thể và thiết thực đầu tư cho các NNC.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phát biểu tham luận
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phát biểu tham luận

Thời đại hiện nay là kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0. Kỷ nguyên của đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Mô hình và phương thức hợp tác của các NNC ngày càng trở nên đa dạng. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng để chúng ta có thể nắm bắt được những cơ hội của của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không chỉ cần nguồn nhân lực chất lượng cao mà cần có nhân tài. Lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu hút được nhân tài.

Chính vì vậy, các NNC cũng không là ngoại lệ và vấn đề thu hút nhân tài cũng là thách thức lớn đặt ra với các NNC trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Việc thu hút và trọng dụng tài năng trí thức (trong và ngoài nước) trong các trường đại học phải được thực hiện trong mô hình của các NNC, vì các NNC chính là môi trường để các nhà khoa học được thể hiện và phát huy năng lực chuyên môn trong đào tạo và nghiên cứu.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định việc nâng cao chất lượng, kết quả của hoạt động NCKH và xây dựng các NNC trong các trường đại học là hai hoạt động quan trọng. Trong những năm qua, mô hình NNC được triển khai ở ĐHQG Hà Nội và một số trường đại học khác ban đầu đã có những kết quả và thành tích tốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Điều đó cho thấy khi một đơn vị có cơ chế khoa học công nghệ tốt có khả năng khuyến khích, tạo động lực giải phóng sức sáng tạo khoa học và sức làm việc của các thầy/cô, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của NCKH, Bộ GD&ĐT và Bộ KHCN sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách để hình thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mạnh thực sự và sống được bằng khoa học.  

Kết quả khảo sát cho thấy độ tuổi sung sức nhất, đông nhất của các thành viên trong NNC là ở lứa tuổi từ 35-45 là 59,2%. Từ đó cho thấy lực lượng trẻ, các TS trẻ cần được đặc biệt chú trọng khi phát triển các NNC trong các trường đại học. Các kết quả khảo sát cũng ghi nhận, nhiều NNC mới được tạo lập từ 2017 trở lại đây. Quy chế đào tạo tiến sỹ năm 2017 mới ban hành yêu cầu giảng viên hướng dẫn và NCS đều phải có công bố quốc tế là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự hình thành các NNC mới trong những năm gần đây.- GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ