Nhớ những người thầy

GD&TĐ - LTS: Trong quãng đời đi học của mình, ai cũng có ấn tượng về những người thầy tận tụy của mình. Khi ra khỏi mái trường, dấn thân vào cuộc sống, hình bóng những người thấy ấy không hề phai nhạt, để mỗi lần đến ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam, họ lại nhớ những kỷ niệm về thầy với sự trân trọng…

Nhớ những người thầy

Chút hồi ức về thầy Tạ Thanh Sơn

Thời Trung học đệ nhấp cấp (nay là THCS), tôi theo học tại ngôi trường tư Chu Mạnh Trinh bé xíu nằm ngay ngã tư Phú Nhuận, góc hai đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) và Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng). Trường chỉ đến lớp Đệ tứ (lớp 9), với một lớp Đệ tứ duy nhất (năm tôi học), đếm được… 27 học sinh.

Ban giảng huấn của trường cũng khá đặc biệt, gồm nhiều người cựu kháng chiến, được thầy hiệu trưởng Phan Đương tạo điều kiện cho giảng dạy, dù có người không đủ điều kiện về bằng cấp để dạy bậc trung học.

Tôi biết điều này về sau, khi thấy trong quyển học bạ của mình, phần môn học, người nhận xét, ký tên không phải là người thực sự giảng dạy. Dù vậy, những người thầy đó luôn tỏ rõ cung cách khả kính, truyền thụ những kiến thức thật sự cần thiết cho học trò bằng một tấm lòng đầy nhiệt huyết.

Trong những người thầy đó, có thầy Tạ Thanh Sơn. Tôi vẫn còn hình dung rõ hình ảnh của thầy luôn với chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, đôi sandal, thái độ từ tốn và hiền lành.

Ở tuổi 14-15 lúc đó, tôi nghe mơ hồ thầy là tác giả nhạc khúc Nam Bộ Kháng Chiến, nhưng không cảm nhận được nội dung và giá trị của nó như thế nào. Có lẽ nhờ một cơ duyên nào đó mà trong hai môn Sử - Địa do thầy Tạ Thanh Sơn giảng dạy, tôi đều đạt điểm cao, thầy cũng dành cho tôi chút tình cảm thầy trò quyến luyến.

Thầy Tạ Thanh Sơn và Danh sách giáo viên giảng dạy, trong đó thầy phụ trách môn Sử- Địa

Thầy Tạ Thanh Sơn và Danh sách giáo viên giảng dạy, trong đó thầy phụ trách môn Sử- Địa

Ngày nghe kết quả thi Trung học đệ nhất cấp đọc qua máy phóng thanh tại Trường nữ Trung học Lê Văn Duyệt, Gia Định giữa năm 1959, thầy lặng lẽ đến với chúng tôi, vẫn từ tốn, hiền hòa như ngày nào.

Thầy đứng một chỗ, lặng lẽ nghe ban tổ chức cuộc thi đọc chậm rãi tên những thí sinh thi đậu xếp theo thứ tự mẫu tự. Năm đó, trong số 27 thí sinh dự thi của trường tôi, chỉ có 7 người may mắn. Đó cũng là tỉ lệ thi đỗ trung bình của các kỳ thi trung học tại miền Nam vào thập niên 1950-1960 (25-35%).

Khi người xướng danh dừng lại số báo danh và tên mình, tôi lặng người vì sung sướng và chợt nhìn thấy thầy Tạ Thanh Sơn vẫn đứng yên hai tay khoanh trước ngực, đầu hơi cúi xuống, nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, dịu dàng.

Lời ngợi khen của thầy chỉ chừng ấy, song hình ảnh buổi chiều hôm đó vẫn đọng lại trong tôi một ấn tượng khó phai mờ. Tôi nghĩ, có lẽ thầy không muốn thể hiện sự vui mừng hay cảm xúc trước niềm vui của tôi để không làm tủi thân những người bạn khác, cũng là học trò của thầy, đã không có được sự may mắn như vậy.

Lên bậc Trung học đệ nhị cấp (nay là THPT), tôi không gặp lại thầy Tạ Thanh Sơn nữa, nhưng bài hát Nam Bộ Kháng Chiến ngày càng thấm đẫm trong tôi hình ảnh một thế hệ những chàng trai miền Nam yêu nước, quyết hi sinh thời niên thiếu tươi đẹp của mình vì sự độc lập của quê hương.

Vào thời kỳ đó, đại đa số những chàng trai miền Nam đều mang trong lòng một chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, cống hiến hết tuổi thanh xuân cho lý tưởng cao cả mình theo đuổi. Thầy tôi, Tạ Thanh Sơn, và thế hệ của ông đã sống cuộc đời đầy hi sinh gian khổ để mưu cầu cho sự độc lập của đất nước, sự ấm no của đồng bào.

Ngày nay, cứ mỗi lần lắng nghe bài Nam Bộ Kháng Chiến của thầy Tạ Thanh Sơn là những cảm xúc lại dâng trào trong tôi về một người thầy đáng kính. Ở một cõi thênh thang nào đó bây giờ, hãy yên nghỉ thầy nhé!

LÊ NGUYỄN (Nhà nghiên cứu sử học)

Cô giáo dạy Anh văn thời mới lớn của tôi

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Anh

Niên khóa 1973-1974, tôi học lớp 9 ở Trường Trung học Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, được học môn Anh văn với một cô giáo trẻ mới ra trường.

Cô có vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn (mi-nhon) với khuôn mặt rất dễ thương. Lần đầu tiên cô vào lớp, nhiều đứa đã xì xào, chắc lưỡi (trường tôi toàn học sinh nam) “cô đẹp ghê, chắc dạy hay lắm đây”.

Vâng, cô dạy hay thiệt!

 Cô nói tiếng Anh đúng giọng, giảng bài dễ hiểu, sinh động và nhất là cô biết tạo không khí học tập hứng thú khiến gần như cả lớp, ai cũng khoái tiết học của cô.

Không ngoại lệ, tôi cũng mê môn học của cô và dần dần “mê” luôn cả cô. Vì cô có dáng nhỏ xinh và có giọng phát âm tiếng Anh chiu chít nên tôi liên tưởng đến những bầy chim sẻ thường ríu ran trên các hàng cây, mái ngói trong trường và bất ngờ nhận ra “hình như” từ lúc cô về trường thì chim sẻ cũng theo về đông hơn? Tôi bèn viết vào một tờ giấy pelure xanh dòng chữ:

“Cô ơi, cô có biết từ lúc cô về thì chim sẻ cũng về đông hơn không?” và lén nhét vào túi xách của cô để trên bàn vào giờ ra chơi.

Tiết học sau đó, mới vào lớp, cô đảo mắt nhìn quanh và mỉm cười (có vẻ vui): “Lớp này có nhiều trò lãng mạn lắm nghe, học không lo học mà lo ngắm… chim sẻ”. Cả lớp ngạc nhiên, riêng tôi thì hơi… đắc ý.

Trong tiết học đó, làm như thừa thắng xông lên, khi cô đề nghị ai có thể dịch một bài văn tiếng Anh cô đưa ra, tôi giơ tay. Bài văn nói về cái tháp Eiffel ở Pháp, có câu tả “it’s thin” (thin - nghĩa tiếng Việt là mỏng, gầy, thuôn, suôn đuột), tôi dịch là “nó thì mảnh khảnh”.

Đến chỗ đó, cô (lại có vẻ vui) hỏi ngắt ngang “sao em cho cái tháp là mảnh khảnh?”, tôi đáp liền “dạ, đó là em nhân cách hóa, tại vì nó xinh, nó đẹp, và nó mảnh khảnh như… cô vậy đó” khiến cả lớp cười ầm, còn cô thì ra vẻ nghiêm nghị nhưng miệng cũng cười cười, mặt hơi đỏ.

 Sau sự việc đó, về sau, cô tỏ ra để ý đến tôi nhiều hơn. Tất nhiên tôi cũng có sự e dè, sợ mình đi quá lố, nhưng nhìn thái độ của cô tôi biết cô có thiện cảm với tôi.

Trong thời gian đó, tôi được nghe kể có một bạn bên lớp khác cùng khối còn “mê” cô “dữ dội” hơn tôi nhiều.

Lần nọ, cô hỏi nó một câu tiếng Anh, nó - chắc học dở hơn tôi, ngắc ngứ một hồi rồi vụt quay sang cô trả lời một câu không dính dáng gì tới bài học: “I love you”, khiến cô giận dữ tức tốc lên thẳng văn phòng “méc” với ban giám hiệu.

Nó thì vậy, trong khi đó thói quen của tôi thường chỉ là “hiền lành” ngồi trên bãi cỏ sân trường ngắm cô đi qua các dãy hành lang lớp học vào giờ ra chơi.

 Dạy học được vài tháng, hình như cô đã có bạn trai. Tôi và mấy đứa bạn để ý thỉnh thoảng vào giờ tan học có một thằng bé khoảng học lớp 4, lớp 5 đến gặp trao cho cô khi thì bó hoa khi thì một phong thư. Tò mò, chúng tôi tìm cách theo dõi thằng bé.

Hóa ra, chủ nhân của những bó hoa và thư từ kia là một anh ký giả (bây giờ ta hay gọi là nhà báo) có mái tóc dài phủ vai, thường mặc bộ ka-ki vàng nhiều túi, ở trong một ngôi nhà nhỏ có bảng hiệu là “Văn phòng đại diện báo S.T”. Chúng tôi còn biết, cứ sáng chủ nhật nào anh ta cũng chạy xe đạp ngang qua ngang lại nhà cô, bóp chuông inh ỏi. Những lần như thế, cô mở cửa sổ nhìn ra, “trao” cho anh ta một nụ cười.

Từ khi biết thế, tôi đâm ra suy tư. Một hôm tôi quyết định rủ mấy đứa bạn chặn thằng bé kia lại từ ngoài cổng trường, tịch thu hết những hoa những thư của nó. Rồi tôi trợn mắt dọa “mày mà còn léo hánh tới lần nữa thì các anh đây thịt luôn”.

Quả thật, kể từ hôm đó, thằng bé vắng tịt luôn. Tuy vậy, có những lúc tan học, theo dõi cô đứng nán ở cổng trường hơi lâu như chờ đợi ai, tôi cũng cảm thấy có chút gì áy náy. Nhưng tôi phải có quyền…“tỏ tình” (tỏ bày tình cảm) của tôi chứ.

Tiếp sau đó không lâu, một sáng chủ nhật, tôi và ba đứa bạn đến một nơi gần nhà cô, tách ra mỗi hai đứa đứng một bên đường, dựng sẵn xe đạp chờ. Khi nghe tiếng chuông và chiếc xe đạp của anh ký giả hồ hởi chạy tới, tôi hô “1,2,3”, thế là bốn chiếc xe đạp của chúng tôi được xô ra, đụng vào chiếc xe của anh ta cái rầm.

Anh ta ngã chỏng kềnh dưới đất. Đúng lúc ấy, nghe ồn, cô giáo của chúng tôi bước ra. Thấy cảnh ấy, chắc tức cười, cô cười tươi làm sao, và chúng tôi cũng cười theo.

Nhưng kỳ lạ nhất là, trong tình huống ấy, khi thấy cô tôi, anh chàng ký giả kia cũng cười, và cũng cười tươi như cô vậy! Bó tay anh chàng này! Còn chúng tôi thì vài bữa sau đến lớp, bị cô “moran” cho một trận, lại còn bảo “các em, đúng thiệt là…đồ nhất quỷ nhì ma”!

ĐOÀN VỊ THƯỢNG (Nhà thơ)

Thác là thể phách còn là tinh anh

Thầy trò Trần Hùng Anh - Hồ Tấn Nguyên Minh

Tôi muốn mượn câu thơ ấy trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du để dành riêng tặng thầy Trần Hùng Anh – một trong những người thầy, người đồng nghiệp mà tôi quý mến nhất ở Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh tỉnh Phú Yên.

Ngày thầy mất, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học sinh đứng chật kín hai bên đường tiễn đưa thầy.

Không ai cầm được nước mắt khi nghe những lời điếu văn cảm động và tha thiết ân tình của thầy Hiệu trưởng. Từng giọt long lanh rơi xuống – ngậm ngùi, xót xa, nuối tiếc trước sự ra đi quá đột ngột của một con người cao quý.

Không đợi ai nhắc bảo, các em học sinh trường Lương Văn Chánh mỗi em cầm một một đóa hoa tươi đặt lên mộ người thầy yêu quý của mình. Với một nhà giáo, dành được tình cảm lớn như thế từ mọi người kể cũng hiếm. Nhưng ân tình ấy không ngẫu nhiên mà có.

Tình cảm mà thầy nhận được là kết quả của cả một đời dạy học bằng tất cả tài năng, tâm huyết và một tấm lòng trong sáng như nước từ khe suối tuôn ra; như loài hoa bình dị mà thanh tao làm say đắm lòng người.

 Những ai từng gặp thầy Hùng Anh dường như đều có chung một cảm nhận rằng, con người đáng kính ấy khi mới gặp có vẻ lạnh lùng, nhưng khi tiếp xúc, làm việc với thầy mới nhận ra rằng ẩn bên trong cái vẻ ngoài gai góc ấy là một phong cách sống phóng khoáng, hóm hỉnh, hào hiệp; một tấm lòng độ lượng và dào dạt tình thương.

Với học trò, thầy dường như chẳng tiếc một điều gì. Trong khả năng của mình, thầy làm tất cả để hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho các em.

Trước khi mất không bao lâu, dù biết sức khỏe của mình không được tốt, thầy vẫn lặn lội vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những học sinh nghèo của trường Lương Văn Chánh có điều kiện vươn lên trong học tập.

Bất cứ khi nào học trò cần giúp đỡ về kiến thức, dù là gặp gỡ trực tiếp hay qua điện thoại thầy đều rất sẵn lòng. Không chỉ với học trò, các thầy cô giáo trong nhà trường – đặc biệt là giáo viên tổ Vật lý – cũng tìm thấy nơi thầy một chỗ dựa vững chắc, một nơi chia sẻ chân thành trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống.

Một con người làm việc không mệt mỏi như thế, được mọi người nể trọng như thế lại rất đỗi khiêm nhường, không thích phô trương bản thân mình.

Ngày thầy mất, không một tấm bằng khen, không một chiếc huy chương nào được treo lên nhưng nhìn những ánh mắt tiếc thương hướng về di ảnh của thầy tôi chợt nghĩ đến một chiếc huy chương khác – vô hình nhưng bất tử - được tạo nên từ tình cảm của biết bao người đã từng gắn bó với thầy.

Những người như thầy Hùng Anh người thương nhiều mà người ghét cũng lắm. Bởi tính cách của thầy vô cùng mạnh mẽ, cương trực “Thẳng như một làn tên bắn, trong sáng như một chiếc gương soi”.

Thầy sống chân thật, yêu ghét rõ ràng, không hề biết luồn lách, đãi bôi. Những người trong sáng, thẳng ngay sẽ yêu quý thầy, bởi họ tìm thấy ở thầy sự tri âm.

Còn những kẻ trí trá, ma mãnh, luồn cúi sẽ luôn xem thầy như cái gai trong mắt, cái đinh trong thịt mà lúc nào họ cũng muốn nhổ đi. Thầy biết thế nhưng không bao giờ sống khác. Cốt cách ấy cao đẹp biết chừng nào.

Một lần cà phê chuyện phiếm, thầy đọc cho tôi nghe hai câu thơ “Ước gì có một dòng sông/ Cuốn phăng đi những đứa không là đời”. Ban đầu tôi không hiểu ý thơ của thầy cho lắm, bởi cuộc đời này là một mớ hỗn tạp, đan xen nhiều chiều kích, tồn tại nhiều loại người, có người tốt cũng có người xấu, có người cao thượng cũng có kẻ thấp hèn, làm gì có “những đứa không là đời”.

Lâu dần tôi mới hiểu, một người như thầy sẽ chỉ chấp nhận sự trong sáng, thẳng ngay mà không bao giờ chấp nhận sự giả trá, ti tiện nên mới khao khát cuốn phăng đi những gì làm cho cuộc đời này trở nên xấu xí. Thái độ của thầy với cái xấu mạnh mẽ, quyết liệt như vậy đấy.

Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, cảm thấy sức khỏe của mình không được tốt, thầy một mình vào TPHCM khám bệnh. Và khi biết mình mắc căn bệnh nan y không thể nào qua khỏi, thầy giấu cô và các con, một mình âm thầm chịu đựng những cơn đau khủng khiếp.

Thầy không muốn vợ con lo lắng, không muốn người thân, bạn bè phải xót xa, không muốn ai phải khổ vì mình. Lúc nào gượng dậy được, thầy vẫn cố gắng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, vẫn góp ý chỉnh sửa từng cái đề thi, từng bài giảng cho đồng nghiệp. Thầy là vậy: Sống thanh thoát, chết nhẹ nhàng tựa như cánh hạc ung dung vào cõi khác.

 Ngày nhà trường làm lễ truy điệu cho thầy, nhìn di ảnh thầy, nghe những câu hát của Phạm Duy trong lời cảm ơn đầy xúc động của Trần Quang An – con trai thầy:

“Nghìn trùng xa cách/ Người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa/ Mà khóc với cười”, tôi bất chợt nghĩ đến hình ảnh của những hạt bụi vàng. Thầy chính là một hạt bụi vàng nhỏ bé, bình dị nhưng vô cùng cao quý.

Chính những hạt bụi vàng như thế sẽ khiến cho cuộc đời này tỏa sáng những ánh vàng rực rỡ. Nghĩ về thầy, lòng tôi bỗng nhiên chùng xuống, những hạt bụi vàng quý giá như thầy hình như càng ngày càng hiếm trong cõi đời này.

HỒ TẤN NGUYÊN MINH (GV Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh – Phú Yên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.