Nhờ cô, con không còn sợ viết văn tả mẹ

Nhờ cô, con không còn sợ viết văn tả mẹ

(GD&TĐ) - “Cu Bin ơi, lớp con có điểm thi học kỳ chưa?” Tiếng bà ngoại hỏi vọng ra từ bếp khi nghe tiếng tôi líu nhíu cùng với cậu ở phòng khách. “Dạ có rồi ngoại ạ nhưng…” Tôi chưa kịp trả lời hết câu bà ngoại đã vội vàng hỏi tiếp: “Thế bài văn tả mẹ của con được mấy điểm?” - Cô cho con 1 điểm. Điểm thấp nhất lớp bà ạ. Chắc kỳ này con không được học sinh giỏi đâu, dù môn Toán và Ngoại ngữ con đều được điểm 10.

Thấy cháu có vẻ mặt buồn buồn, bà ngoại không gặng hỏi thêm nữa. Bà hiểu tính tôi đã buồn thì ít nói. Nếu hỏi thêm, tôi sẽ khóc, bà lại thương cháu mà khóc theo.

Tối hôm đó, sau khi đã kèm tôi học bài xong, để tôi ngồi xem ti vi với ông ngoại, bà lặng lẽ cầm máy điện thoại lên tầng 3 gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm lớp 2 của tôi. Bà đâu có biết, tôi đã lén đứng sau cửa phòng nghe câu chuyện giữa bà và cô giáo của mình.

- Cô Giang đấy à, tôi là bà ngoại của cu Bin đây. Cô có bận không, tôi muốn hỏi cô một chút về điểm thi của cháu, không hiểu sao điểm văn của cháu chỉ được 1, liệu có nhầm bài thi không cô? - Tiếng bà ngoại đầy vẻ lo lắng.

Sau một hồi nghe cô giáo giải thích, bà ngoại thẫn người ngồi nhìn lên tường, mắt đẫm lệ nhìn tấm ảnh chụp mẹ tôi bế tôi lúc đầy tháng tuổi. Dáng mẹ xanh xao, trên đầu chít khăn chéo chống lạnh, người gầy lắm. Bà vừa khóc vừa nói một mình:

- Lan Anh ơi, con tha lỗi cho mẹ nhé. Mẹ đã cố gắng hết sức rồi nhưng không thể khỏa lấp hình ảnh thiếu vắng tình thương yêu của con cho cu Bin. Hôm nay không phải cu Bin học dốt, không phải mẹ không cho cháu ôn tập trước lúc thi mà do đề thi văn tả mẹ nhưng nó lại tả bà ngoại. Đây là lỗi của mẹ, của ông trời đã bắt con đi sớm, bắt con phải chia lìa tình mẫu tử. Con trai con lớn lên chỉ có bà ngoại. Dù đã cố gắng hết sức nhưng mẹ không thể thay thế con được.

Hôm nay thật lạ, tôi bị điểm kém mà bà không hề la mắng. Lúc đi ngủ bà còn ôm chặt tôi vào lòng an ủi: 

- Con ngủ ngoan đi mai còn đi học. Cô giáo Lan Anh hứa sẽ giúp con học tốt hơn. Cô cũng đã gặp Ban Giám hiệu nhà trường xét hoàn cảnh của con để xin nâng điểm bài văn lên 7 điểm và đã được đồng ý.

Tôi ra đời được 2 tháng tuổi, bệnh ung thư đã mang mẹ của tôi ra đi vĩnh viễn. Bố thì định cư ở nước Đức xa xôi. Ông bà nội tôi dân tộc Tày tận miền núi Cao Bằng. Tôi, đứa trẻ mồ côi sống bằng tình yêu thương gần như trọn vẹn của bên ngoại. Tôi lớn lên, trong tình yêu thương của ông bà ngoại và cậu ruột.

Từ hôm lạc đề Văn, cứ đến tiết tự học vào buổi chiều, cô Giang chủ nhiệm đều nhẹ nhàng lại gần bên tôi hướng dẫn cách viết văn tả, đặc biệt là văn tả người. Sau khi cho tôi làm kỹ văn tả cô giáo, tả bà ngoại, tả ông… tôi được cô trực tiếp dạy viết văn tả mẹ.

Thấy tôi thừ mặt trước đề bài này, cô an ủi: “Cô biết với con khi làm bài văn này sẽ khó hơn các bạn rất nhiều nhưng con hãy tự tin mà cố gắng nhé, cô luôn ở bên. Con thích nhất ảnh nào của mẹ thì nhìn ảnh mẹ  xem khuôn mặt mẹ như thế nào, con giống bố hay giống mẹ, mẹ con để tóc dài hay tóc ngắn, nước da của mẹ có trắng mịn không, đôi mắt mẹ nhìn con thế nào… dáng mẹ gầy cao hay béo đậm. Chắc chắn, bà ngoại sẽ kể cho con biết mẹ yêu và chăm chút cho con lúc bé tí bé tẹo, mẹ mong con lớn lên sẽ làm nghề gì. Dù không có mẹ ở bên, con quyết tâm học giỏi để cho mẹ vui không. Con hứa với mẹ nhé”. Cuối cùng cô nhắc: “Tối nay, con về nhà làm thử đề bài này. Mai mang bài đến lớp cô sửa giúp nhé”.

Tôi mang đề bài văn tả mẹ về nhà mà đầy lo lắng. Tôi vẫn còn ác cảm bài văn tả mẹ lạc đề được điểm 1 của mình.

Nhưng thật lạ, theo chỉ dẫn của cô, cộng với sự trợ giúp đắc lực của bà ngoại, bài văn tôi viết gần được hai trang. Sáng hôm sau, tôi hớn hở đến trường, nộp ngay bài viết cho cô.

“Bài viết của con khá lắm. Con đã tiến bộ rất nhiều. Chắn chắn từ nay con sẽ tự tin khi viết văn về mẹ, kể về mẹ của mình”. Cô dịu dàng âu yếm động viên tôi. 

Tôi, một trẻ mồ côi mẹ đã lớn lên như vậy. Nhưng trong ký ức học trò THPT, tôi vẫn nhớ như in bài văn điểm 1 năm nào. Nếu không có cô, tôi vẫn sợ khi phải viết văn tả mẹ.n

Mã số: 1009

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ