(GD&TĐ) - Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/2/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ và phấn đấu kiểm soát tín dụng tăng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%.
Đến nay, thị trường tiền tệ đã có chuyển biến tích cực và dần ổn định hơn, mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất huy động vốn bằng VND không quá 14%/năm và lãi suất cho vay bằng VND dưới 19%/năm đối với khu vực sản xuất.
Quan hệ huy động vốn, vay mượn giữa các tổ chức tín dụng trở lên minh bạch hơn. Để đạt được mục tiêu giảm lãi suất, kiểm soát tăng trưởng tiền tệ và ổn định tỷ giá ở mức hợp lý, NHNN đã và đang điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ bảo đảm thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng trong trạng thái ổn định hợp lý (không thừa, không thiếu). Đến nay, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng bình thường. Tuy nhiên, có một số ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng nhanh trong thời gian qua dẫn đến mất cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn.
Do vậy, khi NHNN thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP và siết chặt trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, một số ít ngân hàng bộc lộ khó khăn thanh khoản tạm thời. Bằng việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ kịp thời các ngân hàng để xử lý thiếu hụt thanh khoản tạm thời, đảm bảo an toàn thanh khoản của toàn bộ hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn. Ảnh: Internet |
Thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn bộ hệ thống để phát hiện kịp thời và có biện pháp hỗ trợ thích hợp các tổ chức tín dụng có khả năng thiếu hụt thanh khoản. NHNN tăng cường quản lý và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn để bảo đảm thị trường tiền tệ hoạt động thông suốt, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như của cả hệ thống./.
Vũ Thành