Nhịp sống nơi triền đá

GD&TĐ - Những ai khi chưa có cơ hội đến vùng đất ấy, mới chỉ nghĩ thôi đã có thể mường tượng đến một vùng đất xa xôi, hiểm trở và được tạo tác bởi những triền đá nối tiếp nhau đến tận chân trời. 

Người dân Đồng Văn canh tác trên vách đá
Người dân Đồng Văn canh tác trên vách đá

Từ nơi miền đất gập ghềnh ấy, mầm sống đã cựa mình và hồi sinh tự bao giờ. Con người như chế ngự thiên nhiên để làm một nhịp sống nơi triền đá. Đó là mảnh đất Đồng Văn (Hà Giang), mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, là địa bàn sinh sống từ bao đời nay của đồng bào dân tộc Mông…

Cao nguyên nhấp nhô triền đá

Hiếm có một vùng đất nào vừa hiểm trở, vừa hùng vĩ thơ mộng như Đồng Văn. Ai muốn đến được vùng đất này, đều phải vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng. Đây là con đèo nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

Người Mông ở đây vẫn thường hay gọi nghĩa của từ Mã Pì Lèng - con đèo hùng vĩ và hiểm trở bậc nhất là “sống mũi con ngựa” hay “sống mũi con mèo”. Chính sự hiểm trở và hùng vĩ này là điểm khởi đầu, khơi nguồn cho cảm xúc về sắc màu đặc trưng của Đồng Văn.

Đá núi Đồng Văn là linh hồn của vùng đất xa xôi này. Hiếm có một nơi nào đá nhiều như ở cao nguyên này. Những triền đá nối tiếp nhau phủ lên những ngọn núi cao ngất một “tấm áo” khổng lồ không mấy mượt mà như những triền núi hoa cải, hoa tam giác mạch hay ruộng bậc thang.

Đá núi Đồng Văn có tự bao giờ, khó lòng có thể đoán biết được. Người Mông ở vùng này chỉ biết khi sinh ra, lớn lên, đã thấy những núi đá chạy tít hút lên đến tận cổng trời.

Đến Đồng Văn, bạn có thể thả hồn mình vào đá để lắng nghe sức sống đang cựa mình nơi miền đất khô cằn. Mỗi mùa, Đồng Văn đều có một khí hậu riêng. Mùa xuân thì ấm áp, vạn vật như hồi sinh. Hạ về, Đồng Văn nắng nóng đến cháy da, cháy thịt.

Mùa này, nhìn lên những triền đá uốn lượn cảm giác như ngọn lửa đang cháy bùng bùng. Mùa thu về, Đồng Văn trở nên dịu nhẹ, những ngọn gió hiu hiu thổi lùa, lách vào những mỏm đá tựa hồ, cảm giác như đá đang xô đi, xô lại, đang chạy nhảy trên non vậy. Còn mùa đông thì rét mướt đã sớm gõ cửa Đồng Văn tự bao giờ.

Bức tranh triền đá nhấp nhô đã trở thành một sắc màu đặc trưng vốn có của vùng đất này. Nghĩ đến, nhớ đến và cảm nhận Đồng Văn, người ta đều có cảm giác rợn ngợp bởi đá. Đá tô điểm cho Đồng Văn và như một ngôi nhà được dựng bởi bao tảng đá vững chãi từ bao đời.

Sự sống được hồi sinh từ đá núi

Mặc dù là miền đất khô cằn nhưng Đồng Văn không mất đi sự sống. Từ bao đời nay, sự sống được hồi sinh từ đá núi. Những tảng đá nối tiếp nhau tưởng như vô hồn vậy mà nơi đây vẫn trào dâng nhựa sống.

Đó là âm thanh của tiếng chân ngựa lóc cóc trên con đường đá. Đó là những vạt hoa cải vàng rực, những vạt ngô xanh mỡ màng, là tiếng nói cười của những cô sơn nữ trên đường đi chợ vọng vào đá núi. Và những chiếc váy hoa sặc sỡ sắc màu thổ cẩm phơi trên những mỏm đá đã biến những tảng đá bất động, vô tri kia trở nên có hồn.

Phiên chợ Đồng Văn họp vào ngày cuối tuần. Ở phiên chợ vùng cao này, sắc màu thổ cẩm hòa vào sương núi, vào những sản vật và những nét văn hóa bản địa đã tạo nên một đặc trưng riêng của chợ phố núi. Ngay từ sáng sớm, tiếng nói cười, tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường, đó là những âm thanh vốn có của chợ phiên Đồng Văn.

Phiên chợ này không đơn thuần là chuyện mua bán mà còn là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa đa sắc đa màu của đồng bào vùng cao, là nơi con người trao nhau tình người cùng mây, cùng núi.

Xứ đá Đồng Văn không hề vắng lặng mà lúc nào cũng rộn rã những âm thanh của sự sống. Con người như được sinh ra từ trong lòng đá và làm hồi sinh những triền đá vô tri.

Người Mông nơi đây trong cuộc mưu sinh của mình đã quyết tâm chinh phục tự nhiên bằng cách đổ mồ hôi xuống những triền đá chênh vênh bên vách núi để lách ra từng khoảnh đất nhỏ, gieo hạt ngô hạt lúa, bắt đá phải nảy mầm cho ra những hạt ngũ cốc để nuôi sống con người. Cũng từ đó, màu xanh của ngô, lúa, sắn chen lẫn màu đen xám của đá.

Ngày ngày không khí lao động của người, của ngựa đã dậy lên một sức sống mới. Vào mùa, những thửa ruộng bậc thang chạy quanh triền núi như những bức tranh tuyệt đẹp, những nương ngô tỏa xanh từ những triền đá. Tiếng trẻ con nói cười trong veo như cất lên nền trời xanh thẳm niềm hy vọng vào cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đồng Văn giờ đã có công viên cao nguyên đá. Nghe vừa lạ, vừa quen. Đá vốn xù xì, góc cạnh vậy mà lại làm đẹp cho cuộc sống và con người nơi đây, tạo nên một sức sống mới, sức hút mới cho Đồng Văn. Tiềm năng du lịch của mảnh đất này được chiết xuất từ chính những triền đá gập ghềnh ấy.

Những năm gần đây, Đồng Văn là một điểm đến trải nghiệm lý tưởng của du khách mọi miền. Đến công viên đá Đồng Văn, con người thư thái khi được ngắm những loài hoa rừng, hoa tam giác mạch khoe sắc trên những mỏm đá hay buông mình bên vách đá. Ban ngày, khung cảnh cuộc sống không hề vắng lặng mà trở nên vui tươi, rộn rã đến lạ với cảnh từng đoàn người Mông xuống chợ bên con ngựa chân đi lóc cóc trên đường đá.

Thật thơ mộng khi dạo bước trong phố cổ Đồng Văn. Nếu chưa đặt chân đến vùng đất này, thật khó có thể hình dung ra ở nơi xa tít mù tắp này lại có một con phố cổ với những kiến trúc cổ kính, những nét sinh hoạt đậm chất vùng cao được hình thành từ bao đời nay.

Thăm phố cổ, bạn như lạc vào một không gian vừa trầm mặc cổ kính vừa hiện đại. Tinh hoa văn hóa nơi đây thể hiện qua từng nét kiến trúc, qua từng họa tiết và cả những nét văn hóa của hiện tại.

Đến Đồng Văn vào mùa nào đi nữa, hẳn ai cũng có cảm xúc rằng mình thật nhỏ bé, non nước mình tươi đẹp và rộng lớn biết bao nhiêu. Sắc màu Đồng Văn sẽ níu chân bạn, sẽ lan tỏa tâm hồn và để lại dấu ấn tươi đẹp về một miền xa xôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ