Theo tôi, cả hai phương án thi tốt nghiệp đều có những ưu và nhược điểm riêng.
ở phương án 1 thí sinh phải thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.
Ưu điểm của phương án này là là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiên để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020; trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc viết).
Tuy nhiên, riêng đối với môn Ngoại ngữ nếu chỉ cộng điểm vào kết quả thôi thì chưa đánh giá hết các trình độ năng lực của người học và gây thiệt thòi cho HS.
Vì thế theo tôi Bộ nên xem xét cánh ra đề theo từng vùng miền sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mỗi địa phương.
Một nhược điểm nữa từ phương án này đó là rất có thể mọi người nghĩ rằng, môn Ngoại ngữ sẽ bị xem nhẹ, từ đó dẫn đến chất lượng và hiệu quả trong quá trình dạy học Ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo Đề án ngoại ngữ 2020.
Còn ở phương án 2, thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Đối với môn Ngoại ngữ: Thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.
Ưu điểm của phương án này là học sinh phải học ngoại ngữ phù hợp với việc xây dựng đề án Ngoại ngữ đến năm 2020 mà Bộ đưa ra.
Tuy nhiên, nếu thi theo phương án này thì số môn thi tăng lên, gây áp lực không chỉ cho học sinh mà còn cho cả giáo viên và phụ huynh.
Mặt khác, phương án này cũng gây tốn kém tiền của cho Nhà nước và gia đình thí sinh.
Bên cạnh đó, ở phương án 2 cũng không có nhiều tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.
Từ các yếu tố trên, nhìn tổng thể ở hai phương án thì tôi vẫn chọn phương án 1 để áp dụng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Tuy nhiên tôi cũng đề nghị Bộ cũng không nên áp dụng tỷ lệ cụ thể là 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp.
Nên Chăng, Bộ căn cứ vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương để điều chỉnh sao cho phù hợp, đảm bảo khách quan và công bằng, tránh tình trạng tiêu cực từ việc này.