'Nhìn thấy tương lai trong mắt học trò'

GD&TĐ - Nhà văn Trần Nhã Thụy từng chia sẻ, 'trên đời này có hai việc tôi không dám làm, đó là: Đi dạy và viết phê bình'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Vì sao lại không dám làm? Vì làm thầy, viết phê bình theo nhà văn lý giải phải là người thông tuệ và trí tuệ mới đảm đương được. Nhưng ở một khía cạnh nào đó đối với nhiều người ở thời điểm hiện tại, ngay cả người trong cuộc, nếu nghĩ thẳng thắn đó còn là bởi vấn đề cơ chế, bởi vấn đề áp lực từ nhiều phía và cả bởi “cơm áo gạo tiền”…

Là những nhà giáo, phần lớn thầy cô có thể tự hào và hãnh diện khi nói về nghề nghiệp của mình. Từ xưa, cha ông ta đã đúc rút: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Không thầy đố mày làm nên” hay “Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi”… Thế nên không tự hào sao được khi những người theo nghề được ví là “kỹ sư tâm hồn”, “người chèo đò thầm lặng” hay bằng cách nói đầy trân trọng “dưới ánh Mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” (Comenxki).

Sự nghiệp giáo dục luôn được đánh giá là “Sự nghiệp trăm năm”, chiến lược phát triển của mỗi quốc gia luôn xem “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”… Với những mức độ khác nhau, tôi tin rằng, nghề giáo chân chính thì thời nào cũng đáng được trân trọng và thực tế luôn được trân trọng.

Vì sao xã hội từ cổ tới kim đều tôn kính, đề cao vai trò của người thầy - nghề dạy học đến vậy? Trước hết, bởi xã hội luôn cho rằng, thầy giáo là một bậc thông tuệ, minh triết. Thực tế, điều ấy đúng không? John Cotton Dana từng nói “người dám dạy không bao giờ ngừng học”.

Họ - những người thầy làm nghề dạy học “không phải làm đầy một thùng nước mà là thắp sáng một ngọn đuốc” nên suốt đời họ luôn phải “học nữa, học mãi” là đương nhiên. Dĩ nhiên, bất cứ nghề nào muốn giỏi đều phải như thế cả, nhưng nghề dạy học lại cần lấy việc học suốt đời là kim chỉ nam, là điều cơ bản nhất để trở thành một thầy giáo.

“Dạy tức là học hai lần” (G.Guibe), mỗi thầy, cô giáo trong quá trình giáo dục học trò, một mặt, truyền thụ kiến thức nhưng mặt khác, cũng thu nhận được kiến thức. Chính vì một phần của lẽ đó, kiến thức của mỗi thầy, cô giáo sẽ đầy lên theo năm tháng dạy học của mình.

Nhưng để dạy học tốt, thầy, cô giáo không chỉ cần có kiến thức uyên thâm, mà một điều cũng rất quan trọng, theo tôi, đó còn là tấm lòng yêu thương học trò vô điều kiện. Như ai đó đã nói, đại ý rằng, người thầy không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình mà không có yêu thương.

Nghề dạy học, nhất là hiện thời, không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là dạy về phẩm chất và năng lực cho người học. Cuộc sống càng ngày càng phát triển, đương nhiên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp đan xen, “xâm nhập” vào mỗi con người, nhất là người trẻ.

Giáo dục vì thế còn hướng đến rèn “kĩ năng mềm”, phát triển thêm những phẩm chất mới cho con người hiện đại. Do đó, một người thầy giỏi, một người thầy đặc biệt thì ngoài hiểu biết, còn phải “nhìn thấy tương lai trong đôi mắt mọi học trò”.

Xã hội tôn vinh nghề dạy học, bởi xã hội hiểu rõ rằng, chỉ có người thầy mới là người khơi gợi, truyền cảm hứng, truyền đam mê đến học trò một cách tốt nhất. Nhiệm vụ của người thầy không chỉ là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, mà còn là “kích thích cho những học trò trung bình nỗ lực phi thường”.

Vấn đề khó khăn không phải xác định người chiến thắng, mà là trong việc “tạo ra những người chiến thắng trong số những người bình thường”. Truyền cảm hứng đến người khác luôn là biểu hiện của sự minh triết rõ ràng nhất của vai trò người thầy trong con đường dạy học.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Truyền cảm hứng đến học trò giỏi đã khó, truyền cảm hứng đến cả những học trò trung bình còn khó hơn. William A. Warrd đã có một phát biểu rất hay, rất trúng, rất thuyết phục về vấn đề này, ông nói “người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”.

Nhưng ngoài phẩm chất, trách nhiệm của người thầy, có một vấn đề còn ít được quan tâm đối với nghề dạy học, đó là “sản phẩm” của nghề dạy học. Nếu suy xét kỹ, nghề dạy học sẽ không có gì đáng kể nếu học trò sau khi ra trường không trở thành người công dân có ích, “không nên người”.

Thước đo của kết quả này không phải như thước đo chất lượng của một thứ hàng hóa thông thường nào đó trong chuỗi dây chuyền sản xuất. Chất lượng học trò không thể định lượng một cách ngay tức khắc, với nghề dạy học không thể nhìn thấy ngay kết quả của một ngày làm việc, “kết quả ấy vô hình và có lẽ sẽ còn đó đến 20 năm sau”. Giáo dục luôn là một quá trình dài với một sự tiếp nối “vô hình” trong cả nhận thức và hành động của người học.

Bởi thế, tôi nghĩ, người thầy không chỉ đơn giản “là người chèo đò” đưa trò qua sông là hết. Sự thông tuệ, nhân cách lớn của người thầy vẫn sẽ mãi là cái bóng đi theo học trò sau khi các em đã cập bến an toàn.

Trên hành trình xuống con đò khác, trên hành trình quăng quật mưu sinh với cuộc đời, các em vẫn lạc quan bước tới, không bị sóng gió cuộc đời xô ngã và làm được những điều lớn lao. Quan trọng hơn, các em sống hạnh phúc với điều bình dị; các em biết yêu thương chia sẻ; các em biết tri ân và trở về nơi nâng đỡ bước chân ban đầu…

Đó có lẽ, là thành công, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mỗi một thầy, cô giáo. Và, không gì thể hiện sự tôn kính với nghề dạy học, với người thầy, người cô dạy dỗ mình bằng sự thành công và lòng tử tế của chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.