(GD&TĐ)-Tiếp tục nội dung phiên làm việc chiều qua, hôm nay (23/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Khiếu nại. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Theo báo cáo nội dung phiên họp chiều 22/8, UBTVQH đã nghe và thảo luận báo cáo một số vấn đề lớn của Luật Khiếu nại. Nhiều nội dung của Luật này đã được các đại biểu đưa ra bàn bạc như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Khiếu nại đông người; Sự tham gia của việc giải quyết khiếu nại, Quyết định giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại…
Trong đó, khiếu nại đông người và việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Theo đó, thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại đông người sẽ được giao cho Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành.
Tại phiên họp sáng nay (23/8), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc KSor Phước đề nghị dành hẳn một chương trong Luật để quy định cụ thể về khiếu nại đông người, vì đây là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến, cần được pháp luật điều chỉnh. Vả lại, nhiều vụ việc khiếu nại đông người cũng rất chính đáng chứ không phải tất cả các vụ khiếu kiện, biểu tình đông người đều là gây rối.
Ông Ksor Phước thẳng thắn nhận định: “Quốc hội không thể lảng tránh cái này và cũng không thể cứ thấy khó là “đẩy” sang cho Chính phủ quy định. Những kẻ lợi dụng khiếu nại đông người để gây rối, bạo động sẽ bị nghiêm trị theo các quy định pháp luật khác”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý: “Nội dung về tiếp công dân cần được hết sức chú trọng trong Luật, bởi dù Chính phủ đã có quy định, nhưng thời gian qua, hiệu quả của công tác này không cao. Phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, chứ không thể cứ tiếp dân, nhận đơn rồi kính chuyển”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta quyết định giao cho Chính phủ quy định trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đông người? Cần rõ lý lẽ về việc này. Đối với Tòa án, một vụ án có nhiều đồng nguyên đơn, đồng phạm tội thì trình tự giải quyết cơ bản cũng như nhau. Theo tôi, vấn đề cốt lõi ở đây là khiếu nại, giải quyết khiếu nại đông người thì cơ bản vẫn là xử lý khiếu nại đó, chỉ giải quyết chuyện “đông người” sao cho hợp lý, chứ quy định giải quyết theo trình tự thủ tục khác hẳn thì không ổn”.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào nên để Nghị định quy định trình tự, thủ tục cụ thể vì như vậy nếu thấy có bất cập thì vài ba năm ta có thể điều chỉnh được. Chúng tôi sẽ khẩn trương chuẩn bị để khi luật ra là có nghị định ngay”, vị Phó Tổng thanh tra phân tích.
Trước nhiều loại ý kiến còn khác biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu “chưa nên đưa ra kết luận ngay”, mà tiếp tục suy nghĩ cho “chín” và quay trở lại vấn đề này trong phiên họp sau của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông phát biểu: “Như vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đưa khái niệm về khiếu nại đông người vào luật, vấn đề là quy định giải quyết cụ thể đến mức nào”. Cá nhân ông cho rằng, nếu chỉ đưa chung chung thì vô hình trung có thể sẽ “gợi ý cho người dân tập trung đi khiếu nại đông người”, làm phức tạp tình hình.
Việc thảo luận về dự án Luật Khiếu nại dài hơn dự kiến đã khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thay đổi chương trình làm việc. Cuối buổi sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật Tố cáo mà chưa xem xét dự án Luật Đo lường như dự kiến ban đầu.
Ngọc Lan