Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Công đoàn

Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Công đoàn

(GD&TĐ) - Sáng nay (9/1), tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách, chuẩn bị cho kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.  Hội nghị có sự tham dự của đại diện 63 Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

hghghghg
Hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 9/1.Ảnh: gdtd.vn

Báo cáo một số vấn đề cơ bản về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, bên cạnh ý kiến đồng tình, vẫn còn có ý kiến đề nghị không quy định về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài tại dự án luật.

Thường trực Ủy ban đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến về cả hai phương án.

Ở phương án có quy định trong luật, Ủy ban đề nghị theo hướng, nếu có đơn gia nhập, thừa nhận điều lệ công đoàn Việt Nam, thời hạn lao động còn hiệu lực từ một năm trở lên kể từ ngày làm đơn xin gia nhập công đoàn, có giấy phép lao động thì người lao động là người nước ngoài có quyền gia nhập và hoạt động công đoàn.

Trong trường hợp không còn đủ các điều kiện nói trên thì đương nhiên chấm dứt việc tham gia công đoàn Việt Nam.

Về kinh phí công đoàn, do còn có ý kiến khác nhau nên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng vẫn đề nghị hai phương án. Một là theo quy định của dự thảo luật, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động. Phương án khác là giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng góp với từng loại hình đơn vị, tổ chức doanh nghiệp như luật hiện hành.

Tại hội nghị, đa số đại biểu tán thành việc cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn năm 1990, song cho rằng, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn chủ trương không hành chính hoá tổ chức và hoạt động công đoàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp và công đoàn tại các doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị bỏ Điều 6 của dự thảo Luật về quy định từ 20 lao động trở lên được thành lập Công đoàn cơ sở. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bản chất công đoàn là một tổ chức tự nguyện, vì vậy tiêu chí về số lượng không nên đưa vào luật. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng, hiện nay số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ có dưới 20 lao động, chiếm tới trên 80% tổng số doanh nghiệp. Do đó, nếu quy định theo điều 6 của dự thảo Luật là không phù hợp với thực tiễn và trái với nguyên tắc tự nguyện thành lập tổ chức công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị: Dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lao động là người nước ngoài ở Việt Nam. Vì thực tế, với xu thế hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng nên cần được tổ chức công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đề xuất nên thống nhất lại tên gọi của tổ chức công đoàn ở trung ương là Tổng Công đoàn Việt Nam; ở các địa phương là Công đoàn tỉnh (thành phố).
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.