Nhiều trường công “chốt” tuyển sinh ở đợt 2

GD&TĐ - Thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển đợt 2. Thông tin từ một số trường ĐH công lập, dù chưa tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng nhà trường sẽ không tiếp tục xét tuyển đợt bổ sung tiếp theo.

Nhiều trường công “chốt” tuyển sinh ở đợt 2

Trường ĐH Thủy lợi nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 từ ngày 13/8/2017 đến 21/8/2017. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH trường này cho biết, điểm chuẩn đợt 2 vào trường tương đương với đợt 1. Đến thời điểm này có khoảng gần 900 hồ sơ đăng ký vào các ngành đào tạo của trường trên tổng chỉ tiêu khoảng 990. Dự kiến, nhà trường sẽ không tiếp tục xét tuyển bổ sung.

Các ngành tuyển sinh tốt nhất là Kế toán; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện, điện tử. Tuy nhiên, một số ngành truyền thống ít thí sinh đăng ký như Kỹ thuật tài nguyên nước, Kỹ thuật hạ tầng...

Trường ĐH Vinh vẫn đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2, thời hạn cuối vào 31/8. Chia sẻ từ Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa, cho đến thời điểm này, số hồ sơ nộp vào trường đợt 2 rất ít, chỉ khoảng trên 90 hồ sơ; trong khi đó, chỉ tiêu đợt này lên tới trên 1.000. Được biết, trong đợt 1, chỉ có khoảng 87% thí sinh nhập học vào Trường ĐH Vinh trên tổng số 3.077 thí sinh cam kết nhập học tại trường.

"Chúng tôi sẽ không tiếp tục xét tuyển bổ sung dù chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Trường ĐH Vinh chưa khi nào từng tuyển đến đợt thứ 3; thêm nữa, việc tuyển sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học của nhà trường" - ông Đinh Xuân Khoa cho hay.

Nhiều trường ngoài công lập trong đợt 2 xét tuyển thí sinh đăng ký khá thưa thớt. Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng - thông tin vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 và chắc chắn kết thúc đợt 2 trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

"Chưa ngành nào trong trường hiện đã đủ chỉ tiêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục xét tuyển đợt tiếp theo" - ông Trần Hữu Nghị chia sẻ.

Sẽ giảm mạnh chỉ tiêu ngành học nhu cầu đã bão hòa

TS Nguyễn Thi Phương – Trưởng phòng Công tác chính trị và Truyền thông (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) - cho biết: Trong đợt 1, Trường ĐH Mỏ - Địa chất có khoảng 1.600 thí sinh gửi giấy xác nhận nhập học, nhưng số thực đến chỉ khoảng trên 1.400. Đợt 2, trường tuyển bổ sung trên 1.000 chỉ tiêu, có khoảng 700 thí sinh đăng ký. Điểm trúng tuyển đợt 2 đã được trường công bố, cơ bản không thay đổi so với đợt 1.

Một số khoa của trường tuyển sinh khá ổn là Cơ điện, Công nghệ thông tin và Kinh tế; còn lại các khoa khác đều khó khăn, đặc biệt là những ngành truyền thống như Địa chất, Mỏ, Trắc địa.

"Hiện nay, môi trường đang là vấn đề bức xúc, trong khi xã hội đòi hỏi bức thiết về vấn đề này thì khoa Môi trường tuyển sinh vẫn khó khăn, thí sinh vào rất ít" - TS Phương trăn trở.

Nói về nguyên nhân các ngành truyền thống tuyển sinh kém, TS Nguyễn Thi Phương cho rằng, lý do chủ yếu là bởi sự thay đổi của nhu cầu xã hội. Ngay Dầu khí vốn là ngành luôn rất đông thí sinh và điểm luôn ở top đầu của trường nhiều năm liền thì nay cũng tuyển không đủ chỉ tiêu.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm các ngành liên quan đến khai thác giảm dần, nhu cầu xã hội chứng lại. Nhà trường xác định trong thời gian tới sẽ giảm tối đa chỉ tiêu các ngành này".

Nói về công tác hướng nghiệp, TS Phương cho rằng, các trường phổ thông nên chủ động hơn trong việc tiếp cận với trường đại học trong hướng nghiệp. "Trên thực tế, tại trường, nhiều thí sinh chỉ học công nghệ thông tin chung chung, không thích vào tin học chuyên ngành. Trong khi đó, nếu học Tin học địa chất, hoặc tin học trắc địa, khi ra trường sẽ dễ tìm việc và mức lương cũng cao hơn" - TS Phương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ