Nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới: Chưa có vắcxin, nguy cơ xâm nhập dịch vẫn còn

Nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới: Chưa có vắcxin, nguy cơ xâm nhập dịch vẫn còn

Tuyệt đối không chủ quan

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mặc dù không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong 6 ngày qua, nhưng tuyệt đối không chủ quan. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nước ta hiện vẫn còn. “Hiện tại vẫn chưa quá 14 ngày”, PGS Nga nhận định.

Ông cũng nhấn mạnh, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, người dân cần chú trọng thực hiện 3 bước là đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ khoảng cách 2m. Mọi người không nên sử dụng điều hòa khi ở nhà. Ngoài ra, bất cứ ai có triệu chứng của Covid-19 cần liên hệ với cơ sở y tế để được xét nghiệm.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng chia sẻ, để sản xuất ra vắcxin Covid-19 dùng cho cộng đồng cần có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép. Cụ thể là nghiên cứu tính miễn dịch, quy trình công nghệ chế tạo, nghiên cứu tính an toàn, thử trên động vật, thử trên người tình nguyện, xin cấp phép sản xuất, cấp phép bán ra thị trường khi bảo đảm độ an toàn tuyệt đối. “Để có vắcxin, nhanh nhất phải là một năm”, PGS Nga cho hay.

Ngày 22/4, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, có 6 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh, gồm: BN184, BN215, BN216, BN227, BN246, BN266. Tới nay, cả nước ghi nhận tổng cộng 222 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Do đó, theo PGS Nga, cho tới khi có vắcxin Covid-19, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là ngăn ngừa virus lây lan trong cộng đồng. “Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có thuốc điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nguy kịch”, PGS Nga nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, đỉnh dịch là khi có dịch trong cộng đồng và số ca mắc trong một thời điểm (ngày hoặc tuần) tăng lên cao nhất, số người nhập viện nhiều nhất, tử vong nhiều nhất và sau đó giảm dần. Và theo quy định thì 28 ngày kể từ khi không phát hiện ca nhiễm mới thì có thể công bố hết dịch.

“Tuy nhiên, với đại dịch này, thì còn phụ thuộc vào tình hình các nước khác trên thế giới. Nếu họ còn dịch thì nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam vẫn còn”, PGS Nga nhận định.

“Thích nghi với đại dịch”

Sáng 21/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức họp báo trực tuyến, thông báo về diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở khu vực, biện pháp WHO ứng phó cũng như những tình huống mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Ông Takeshi Kasai - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đã bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số điểm nóng trong khu vực như Nhật Bản, Singapore. Ông đánh giá cao nỗ lực chống dịch của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo ông Kasai, các biện pháp phong tỏa đã chứng minh là có hiệu quả và người dân cần sẵn sàng thích nghi với một lối sống mới để xã hội tiếp tục vận hành trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát.

“Cho đến khi tìm ra vắcxin, quá trình thích nghi với đại dịch sẽ trở thành điều bình thường mới của chúng ta”, ông Kasai cảnh báo.

Về công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương nhận định: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương”.

Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ ca mắc Covid-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỷ lệ 3 ca bệnh/1.000.000 dân. Ông Kasai cho biết: “Theo những gì chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn”.

Tuy nhiên, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng thẳng thắn đưa ra khuyến cáo rằng: “Việt Nam nên cẩn trọng xem xét bắt đầu tháo dỡ hạn chế như thế nào. Không nên là tất cả cùng lúc”.

Ông Kasai cho rằng, việc nới lỏng, dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội cần dựa trên các yếu tố như dữ liệu thực tế về dịch Covid-19, khả năng nhận thức của người dân về dịch bệnh và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, cũng như khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, một số hoạt động chính. Đó là triển khai và theo dõi việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16. Triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước. Ngoài ra, tăng cường điều tra, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm cán bộ y tế, bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, nhà máy Samsung (tỉnh Bắc Ninh), tập trung xử lý ổ dịch phòng chống lây nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.