(GD&TĐ)-Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN theo dõi chặt chẽ thị trường để giảm lãi suất cho vay vào thời điểm hợp lý, kể từ đầu tháng 2, nhiều ngân hàng lớn trong cả nước liên tục công bố hạ lãi suất.
Sẽ thêm nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay (ảnh MH) |
Trong đó, có thể kể đến việc 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank lần lượt giảm lãi suất cho vay từ 1-1,5%/năm. Động thái này của 4 NH đang chiếm 60% nguồn cung tín dụng toàn thị trường được kỳ vọng sẽ kéo mặt bằng LS chung giảm thực sự
Sau khi điều chỉnh giảm, lãi suất cho vay thấp nhất ở Vietcombank, Agribank, BIDV là 14,5% năm, áp dụng đối với một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Còn tại Vietinbank, mức lãi suất thấp nhất là 15,5%/năm, áp dụng đối với các chương trình tín dụng quốc tế.
Ngày 22/2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã chính thức công bố việc giảm lãi suất cho vay với mức giảm khá mạnh từ 1 -1,5% cho mọi đối tượng vay vốn. Trong các lãi suất cho vay của Agribank, lãi suất thấp nhất đã gần ngang lãi suất huy động, còn cao nhất cũng chưa đến 20%.
Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn, các hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp lãi suất thấp nhất là 15,5%. Cho vay thu mua chế biến để xuất khẩu nông sản là 14,5%, thu mua và chế biến tiêu dùng trong nước là 16,5%. Cho vay kinh doanh các ngành nghề khác thấp nhất là 17%.
Đối với cho vay trung và dài hạn, đối với các hộ nông dân thấp nhất là 17%; cho vay thu mua chế biến xuất khẩu ở mức 17,5%, cho vay cung ứng, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp là 18%, đối với các ngành nghề khác là 18,5%. Đối với cho vay dài hạn thấp nhất là 19%.
Riêng với lĩnh vực sản xuất phi sản xuất thuộc diện không khuyến khích, lãi suất cho vay thấp nhất là 19%.
Theo Agribank, năm nay ngân hàng này sẽ giữ nước tăng trưởng tín dụng khoảng 10% so với năm 2011. Trong đó riêng dư nợ đối với nông nghiệp và nông thôn tăng 15 - 18%, chiếm 70% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Agribank cho biết, sẽ tập trung mọi nguồn vốn huy động và nguồn thu nợ từ cho vay phi sản xuất để chuyển sang cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho vay xuất khẩu, DNNVV, giảm cho vay phi sản xuất, như: BĐS hay tiêu dùng.
Để thực hiện cho vay có hiệu quả, Agribank đã xây dựng các chương trình cho vay rất cụ thể theo từng chương trình sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực, cây con, vùng chuyên canh lớn. Cụ thể, cho vay hộ nông dân 10 ngàn tỷ, ngành lương thực 20.950 tỷ, thủy sản 12.100 tỷ, cà phê 3.800 tỷ, cao su 2300 tỷ, chăn nuôi gia súc, gia cầm 13.300 tỷ....
Mới đây nhất, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực được khuyến khích.
Cụ thể, với cho vay sản xuất kinh doanh, VietinBank áp dụng lãi suất 16,5%/năm với VND, 6%/năm với USD; cho vay tiêu dùng là 17%/năm; cho vay doanh nghiệp xuất khẩu với VND là 15,8%/năm, với USD là 5,2%/năm; cho vay nông nghiệp nông thôn và công nghiệp hỗ trợ là 16%/năm; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ là 16,5%/năm; cho vay các chương trình tín dụng quốc tế là 15,5%/năm.
Còn từ 16/2, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức hạ lãi suất cho vay xuống thấp nhất còn 14,5%/năm. Các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; sản xuất; xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn (bao gồm hộ gia đình), Vietcombank áp dụng mức lãi suất 15%/năm.
Thậm chí, từ cuối tháng 12/2011, BIDV đã đi đầu về cắt giảm lãi suất, trở thành ngân hàng đầu tiên đưa lãi suất về mức thấp nhất 14,5%/năm như hiện nay. Theo đó, cho vay xuất khẩu lãi suất tối đa là 15%/năm với các bạn hàng truyền thống và có bán ngoại tệ cho ngân hàng. Lãi suất cho vay nông thôn không quá 15%/năm và vốn cho giải quyết khó khăn bão lụt là 14,5%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng cổ phần cũng đã vào cuộc để giảm lãi suất cho vay. ACB đã triển khai chương trình cho vay ưu đãi xuất khẩu với lãi suất thấp hơn thông thường 0,5%. Được biết, ACB đã chuẩn bị sẵn một nguồn vốn 100 triệu USD để thực hiện chương trình này.
Theo ông Bảo, với 4 ông lớn là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombak hiện đã chiếm 55 - 60% thị phần tín dụng. Đây là bốn ngân hàng lớn, có tiềm lực thực hiện việc cho vay theo đúng trọng tâm sẽ tác động kéo mặt bằng lãi suất xuống. Hiện nay, cả bốn ngân hàng đều ở nhóm 1, có khả năng tăng trưởng tín dụng cao nên sẽ tạo ra ảnh hưởng kéo lãi suất cho vay hạ.
Đáng chú ý, sau động thái của các ngân hàng lớn, một số ngân hàng cổ phần đã triển khai chương trình hạ lãi suất. Một số ngân hàng khác cũng cho biết, họ đang lên kế hoạch và việc giảm lãi suất cho vay sẽ sớm được triển khai. Điều này có vẻ như càng được khẳng định khi rất nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng thuộc nhóm G 12 đều lần lượt công bố chỉ tiêu tín dụng của mình ở mức cao nhất.
Các ngân hàng này cũng không ngần ngại cho biết, việc cho vay năm nay là không hề dễ và buộc họ phải có động thái như giảm lãi suất trong thời gian tới để đồng hành với khách hàng. Và như thế, có thể hy vọng về một sức ép giảm lãi suất từ khối các ngân hàng lớn như họ đã làm thành công hồi tháng 9 năm ngoái khi lập lại trần lãi suất cho vay.
Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ cũng rục rịch hạ lãi suất hoặc khởi động các chương trình ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp.
So với tuần từ 4-10/2, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng bằng VND tuần từ 11-17/2 đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,16% (kỳ hạn 1 tháng) đến 1,84% (lãi suất qua đêm). Riêng lãi suất liên ngân hàng ở các kì hạn dài là 6 tháng và 12 tháng tăng lần lượt là 0,49% và 0,12%.
Nếu so sánh với mặt bằng lãi suất từ 22-25%/năm hồi giữa năm 2011, thì động thái này của các ngân hàng là một tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp trong cả nước sau một giai đoạn đầy khó khăn về vốn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp tình trạng khó tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất dù đã đáp ứng quy định mà các ngân hàng đặt ra. Một số doanh nghiệp vẫn đang phải đi vay với mức lãi suất cao, trên 20%, thậm chí là 24%.
Bên cạnh đó, một nguy cơ mới đối với ngành ngân hàng là nhiều khả năng cuộc đua hạ nhiệt lãi suất cho vay chưa giảm thì một cuộc đua mới là tăng lãi suất huy động lại đang nhen nhóm.Tình trạng này bắt đầu diễn ra khi nhiều ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở nhóm 1 và 2 (tương đương mức tăng trưởng 17% và 15%).
Theo lãnh đạo NHNN, hiện tại đang phải sắp xếp, đánh giá lại thanh khoản của các ngân hàng để biết mức độ vốn ra sao. Theo đó, thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ đang gặp vấn đề, nên khó lòng thực hiện ngay việc giảm lãi suất cho vay.
Hải Minh