Nhiều kỹ thuật mới giúp người hiếm muộn sinh con

GD&TĐ - Làm cha, làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, là khát khao của mọi cặp vợ chồng. Cùng với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, ngày càng có nhiều kỹ thuật mới đang được các bệnh viện chuyên khoa hỗ trợ sinh sản áp dụng, giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện giấc mơ sinh con.

Nhiều kỹ thuật mới giúp người hiếm muộn sinh con

Thiên thần nhỏ của cặp vợ chồng khuyết tật

Dù người vợ hơn người chồng bốn tuổi và cuộc sống cả hai cùng gắn với chiếc xe lăn, nhưng chưa bao giờ niềm khao khát có con của chị Trương Thị Hà (40 tuổi) và anh Lê Văn Năm (36 tuổi) ở Nông Cống (Thanh Hoá) thôi cháy bỏng. Chị không may bị liệt nửa người từ hồi còn nhỏ sau một trận ốm, còn người chồng cũng gặp số phận không may mắn năm lên 17 tuổi sau một tai nạn. Anh chị được ông trời se duyên cho gặp nhau ở một lớp học vi tính.

Chị Hà kể, khi quyết tâm đến với nhau, gia đình đôi bên đều có ý ngăn cản, do cho rằng mọi sinh hoạt trong nhà họ gần như phải phụ thuộc vào người khác, nếu lấy nhau sẽ khó khăn chồng chất khó khăn. Song vượt qua những rào cản, cả hai kết hôn vào cuối năm 2012.

Cũng như bao cặp vợ chồng khác, vợ chồng chị Hà mong muốn sớm có một đứa con bế bồng. Khi chia sẻ niềm mong ước này, thêm một lần nữa, gia đình và người thân của chị đều phản đối, do nghĩ tới việc cả hai chưa thể chăm sóc nổi mình, thì sinh con sao có thể nuôi con. Vượt qua áp lực, vợ chồng chị nhiều lần tự bắt xe từ Thanh Hóa ra Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để kiểm tra sức khoẻ, với nguyện vọng được sinh con.

Khi thăm khám, các bác sĩ nhiều lần khuyên chị Hà nên suy nghĩ thật kỹ, vì việc mang thai có thể nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình, kiên trì đeo đuổi các phương pháp điều trị. “Trong lần thụ tinh đầu tiên, bác sĩ thông báo đã không tạo được phôi khiến vợ chồng tôi rất buồn chán. May mắn, lần hai, ê-kíp bác sĩ đã tạo được mười phôi khoẻ mạnh”, chị Hà hạnh phúc nhớ lại.

Đậu thai là thành công, song giữ được thai còn là chặng đường đầy cam go. Để giữ thai, chị Hà gần như phải nằm bất động suốt thai kỳ. Chị kể, đã có lúc cơ hội chỉ còn 1%, nhưng các y, bác sĩ luôn gọi điện tư vấn, động viên cố gắng và hướng dẫn chị các biện pháp dưỡng thai. Và hạnh phúc đã thực sự mỉm cười, khi ngày 1/5, chị Hà sinh con trai Lê Trương Nam Phúc (sinh mổ) ở tuần thai thứ 36, nặng 2,6kg.

Giờ đây, bé Nam Phúc phát triển bình thường, khỏe mạnh, lớn lên trong niềm hạnh phúc của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ. Nhớ lại hành trình tìm trái ngọt của hai vợ chồng, chị Hà rưng rưng xúc động không nói nên lời. Đứa con mà vợ chồng chị có được là thành quả của bao năm kiên trì chữa vô sinh, hiếm muộn. “Dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng hiện tại, vợ chồng chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, chị Hà chia sẻ.

Nhiều phương pháp nâng tỷ lệ thành công

Tại Hội thảo tổng kết “Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2017” diễn ra mới đây - một hoạt động thường niên của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhằm hỗ trợ một phần kinh phí điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mới đây, BS CKII Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn rất đa dạng, có thể do người vợ, do người chồng, hoặc do cả hai. Với người vợ, nguyên nhân hay gặp nhất là tắc hai vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung. Còn với người chồng, vô sinh thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng…

Điều đáng mừng là y học hiện đại ngày nay đã có nhiều phương pháp có thể giúp điều trị khả năng có con cho những người vô sinh, hiếm muộn. Theo BS CKII Nguyễn Khắc Lợi, cùng với thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho tỷ lệ thành công rất cao, thì ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước áp dụng, giúp hàng chục ngàn cặp vợ chồng không may mắc vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện mơ ước làm cha, làm mẹ. Trong đó, trữ lạnh và rã đông phôi là một trong những kỹ thuật giúp đưa lĩnh vực hỗ trợ sinh sản lên một bước tiến mới.

Việc trữ lạnh và rã đông phôi sẽ giúp trữ lại những phôi dư có chất lượng tốt của bệnh nhân, tránh được sự lãng phí, tiết kiệm chi phí cho lần điều trị sau và đặc biệt là giảm được gánh nặng về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân do quá trình kích thích buồng trứng mang lại. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, chỉ cần các cặp vợ chồng hiếm muộn nhận thức sớm tình trạng của mình, đi khám sớm và chia sẻ cởi mở với bác sĩ thì khả năng điều trị thành công là rất cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.